QUY HOẠCH VÙNG TỈNH BẮC NINH THÀNH CÔNG VÀ BÀI HỌC
Đây là một công việc lớn, một khối lượng công tác đồ sộ đã thu hút tâm huyết, sự nhiệt thành từ các vị lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND đến các sở, ban ngành, các huyện, thành phố, thị xã. Đặc biệt cơ quan chủ trì (Sở Xây dựng) đã làm khá tốt nhiệm vụ này. Dẫu có tiết kiệm lời khen đến đâu, khiêm nhường đến đâu cũng phải thừa nhận rằng đây là một thành công, một kết quả đáng mừng của Bắc Ninh. Có lẽ là một thành tích nổi bật của ngành Xây dựng tỉnh nhà trong năm 2012 và là thành công quan trọng mà tỉnh đã giành được.
Rõ ràng là từ trước tới nay ta chưa có một quy hoạch toàn tỉnh, một quy hoạch tổng quan dài hạn với tầm nhìn xa hơn (đến năm 2050) và có xét đến các yếu tố phụ cận, yếu tố vùng thủ đô, vùng đồng bằng Sông Hồng. Lần đầu tiên những vấn đề tổng quan, chiến lược, dài hạn được đặt ra, được nghiên cứu, cân nhắc… với những thông tin, những dữ liệu đến từ nhiều phía. Đương nhiên những câu hỏi ấy đã có một, hai phương án trả lời. Những phương án tối ưu nhằm mục đích cuối cùng là biến cương vực đất không rộng, người không đông, phát triển tới đa nguồn lực của mình thành một tỉnh giàu có, bền vững và lung linh bản sắc. Bước đi những bước đĩnh đạc nhất trong thiên niên kỷ mới, xứng đáng với những gì mà các thế hệ cha ông ta hằng mong ước.
Bấy lâu nay chúng ta đã từng nhận biết sự phát triển công nghiệp, đô thị, hạ tầng đang đặt ra yêu cầu đồng bộ, yêu cầu kết nối, yêu cầu hài hòa, yêu cầu đảm bảo môi trường, yêu cầu khai thác có hiệu quả tài nguyên (như đất đai, nước ngọt…). Các nhà quản lý quy hoạch đã cố gắng cân nhắc, tự ý thức để vận dụng xử lý các công việc hàng ngày, song chưa có quy hoạch nên kết quả còn hạn chế. Bên cạnh đó, chúng ta đã làm hàng loạt quy hoạch, nhằm khắc phục sự rời rạc, cục bộ, xung đột nhau như: Quy hoạch đấu nối hạ tầng toàn tỉnh, quy hoạch phân bố dân cư, quy hoạch xây dựng theo các tuyến phát triển nóng (tuyến giao thông chính)… Song cũng chỉ có tác dụng trong từng khu vực, từng lĩnh vực nhất định. Chỉ có kỳ này, quy hoạch vùng toàn Tỉnh mới đề cập hết các khía cạnh, các đòi hỏi của thực tiễn sản xuất và đời sống xã hội, được nhìn nhận trong thế tổng quan, hài hòa và nhân văn hơn cả.
Thành công của Quy hoạch đã rõ, song ý nghĩa lợi ích thế nào trong tương lai?
Trước hết về pháp lý, nó là cơ sở, là căn cứ cho các hoạt động đầu tư và xây dựng mà mọi tổ chức, cá nhân đều phải thực hiện, kể cả từ trung ương đến địa phương, đến các ngành các cấp. Về mặt chỉ đạo nó là công cụ, là phương tiện cho các cơ quan quản lý quy hoạch, các cơ quan xác lập các kế hoạch ngắn hạn, dài hạn phát triển kinh tế - xã hội. Về mặt nghiên cứu, học thuật nó là cơ sở, là tài liệu quan trọng cho các chuyên gia nghiên cứu về quy hoạch, kế hoạch, cho các thầy, trò học tập, khảo cứu về quy hoạch vùng, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Sắp tới đây, quy hoạch vùng sẽ là cơ sở để điều chỉnh các quy hoạch ngành, quy hoạch vùng đã có (như quy hoạch giao thông, quy hoạch các khu công nghiệp…) để đảm bảo phát triển thống nhất các lĩnh vực.
Quy hoạch vùng đồng thời là cơ sở cho việc lập các quy hoạch tiếp theo, nó chỉ đạo và quy định nhiệm vụ thiết kế, quy hoạch của các quy hoạch ấy như quy hoạch chung đô thị lõi, hay các đô thị còn lại, quy hoạch phát triển các khu đô thị, quy hoạch các vùng nông thôn (không nên chỉ lấy xã làm đơn vị lập quy hoạch), quy hoạch các chuyên ngành như cấp nước, thoát nước, cấp điện, giao thông…
Quy hoạch vùng là cơ sở lập dự án, lập quy hoạch cụ thể các dự án phát triển vùng nhỏ, các khu chức năng như vùng đặc thù nông nghiệp, vùng, khu công nghiệp, vùng du lịch văn hóa…
Quy hoạch vùng cũng là cơ sở để lập các kế hoạch phân bố nguồn lực ngắn hạn cũng như trung hạn, kế hoạch đầu tư, kế hoạch khai thác các tài nguyên đảm bảo bền vững và hiệu quả nhất. Trên cơ sở điều tiết các xung đột, các lợi ích vốn thường đa dạng và phức tạp trong đời sống kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa là một quy hoạch mỹ mãn. Một tác phẩm chỉnh chu, sẽ còn nhiều điều còn phải tiếp tục cân nhắc, còn những vấn đề lướt qua mà ngay lập tức ta chưa phát hiện được, chưa nhận ra… Những vấn đề như thế chắc chắn còn phải giải quyết bằng bổ sung, chỉnh sửa hoặc bằng các khâu quy hoạch tiếp sau.
Như vậy thành công ở đây là khá lớn, là đáng ghi nhận và vui mừng. Song vui mừng hơn nếu chúng ta rút ra các bài học, để rồi nhân thêm bài học đó trong các sự việc tương tự. Các nhà chức trách sẽ có sơ kết, đánh giá vấn đề này và chắc sẽ có đúc rút bài học cần thiết. Song sơ bộ chúng ta có thể nhận ra mấy điều cơ bản:
1. Có sự chỉ đạo tập trung, sát sao và đầy tâm huyết.
Trước hết những người trong cuộc đã có ý thức được trách nhiệm của mình về một công việc hệ trọng và cấp bách nên đã giành nhiều thời gian, đã tập trung trí tuệ và sức lực thực sự để vào cuộc. Điều này thể hiện ở nhiều mặt, ngay thuở ban đầu một kế hoạch tổng quan được vạch ra với những mục tiêu, nhiệm vụ cần đạt trong mỗi giai đoạn: Từ khâu khởi thảo nhiệm vụ quy hoạch, tham vấn và quyết định tư vấn đến tiến trình các bước lập quy hoạch, trưng cầu ý kiến phản biện rồi thông qua… kế hoạch khá chu đáo! Hơn thế kế hoạch ấy được điều hành vừa kiên quyết, vừa linh hoạt, duy trì bằng được mục tiêu cuối cùng. Các vị phụ trách chủ chốt lĩnh cực này của Tỉnh, của ngành Xây dựng đã có quyết tâm và đã thể hiện được quyết tâm đó. Đây là yếu tố quan trọng, một điều kiện tiên quyết đưa công việc vào đúng quỹ đạo, kịp thời gian và sản phẩm có chất lượng.
Bài học này có vẻ khuôn mẫu, có phần xưa cũ nhưng vẫn phải khẳng định vì đó là thực tế. Ai cũng có thể nhận ra và hy vọng sẽ được áp dụng rộng rãi.
2. bài học lớn thứ hai dễ nhận thấy là đã tập hợp, khai thác được chất xám từ nhiều chuyên gia khác nhau. Ban chỉ đạo đã sớm nhận ra với quy hoạch lớn mà nội dung chứa đựng hàng loạt các chuyên ngành khác nhau. Bất kể một chuyên gia dù có chuyên sâu như thế nào cũng không bao trùm được các lĩnh vực, các chuyên ngành khác. Từ những nhận biết đúng đắn đó, Ban chỉ đạo đã có kế hoạch tập hợp, khai thác chất xám của các chuyên gia, gồm các nhà khoa học, các vị lãnh đạo lão thành, các nhà quản lý khá đa dạng về nhiều lĩnh vực có liên quan. Bằng việc chia nhỏ tiến độ, thông qua lấy ý kiến nhiều lần đã tạo điều kiện tư duy, cân nhắc, nhờ đó đã thu được nhiều ý kiến quý giá.
Ngoài việc phát huy cao độ tính độc lập của từng chuyên gia, Ban chỉ đạo còn tạo điều kiện cho các tổ chức khoa học, các hội nghề nghiệp thể hiện những quan điểm của mình. Đặc biệt các vị lãnh đạo cấp cao của Tỉnh, các cán bộ quản lý có kinh nghiệm đã nghỉ hưu qua các thời kỳ đã cho những ý kiến phản biện sâu sắc.
3. Quy hoạch vùng tỉnh được đặt trong khuôn khổ vùng và Quốc gia
Đây là bài học lớn, những vấn đề của một tỉnh không thể tách rời những vấn đề của vùng lớn, của toàn quốc. Đây là điều dễ thấy song đó là những vấn đề, thực thể ra sao, các quan hệ qua lại đến mức độ nào… bản thân chúng ta thiếu thông tin và khó trả lời. Không có con đường khác là sự trợ giúp của các ngành, các chuyên gia ở Trung ương. Và vì vậy một cuộc hội thảo lớn có nhiều chuyên gia nổi tiếng của Trung ương và địa phương được tổ chức. Đây là một sáng kiến hay, vận dụng một cách khéo léo để có thể thu được nhiều chất xám nhất và có lẽ cũng tiết kiệm nhất. Trong quá trình tổ chức từ việc gửi dữ liệu, mời chuyên gia chuẩn bị đến thu thập ý kiến khá khoa học và chuyên nghiệp. Nhiều đại biểu Trung ương tỏ ra hài lòng và khen ngợi cách làm của UBND và Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh. Nhiều vị lão thành còn hứa sẽ tiếp tục đóng góp ý kiến trong thời gian tới. Thiết tưởng những tấm lòng, những nhiệt huyết đáng quý biết bao. Có lẽ dù có cảm ơn bao nhiêu lần vẫn thấy chưa thỏa đáng.
Rõ ràng là một khi chúng ta đặt vấn đề đúng biết cầu thị, biết trân trọng thì sức mạnh trí tuệ được tập hợp, được nhân lên gấp bội. Chưa lần nào chúng ta tập hợp khá đông đủ các chuyên gia và là các chuyên gia hàng đầu của đất nước, hàng đầu ngành xây dựng.
Chính vì vậy hội thảo diễn ra tuy ngắn nhưng hiệu quả và dư âm của nó còn kéo dài. Những bài viết của hội thảo còn đó đã nói lên tất cả. Có lẽ chúng ta - người trong cuộc còn phải tiếp tục nghiên cứu những ý kiến này, đừng để lãng phí chất xám và càng không thể coi thường những đóng góp của chuyên gia.
4. Bài học sau cùng là đã lựa chọn được tổ chức tư vấn có năng lực.
Việc lựa chọn tổ chức tư vấn có ý nghĩa hết sức quan trọng, là một nhân tố chính yếu quyết định đến chất lượng của sản phẩm quy hoạch. Ngay từ đầu Ban chỉ đạo đã thấy rõ điều đó, đã cân nhắc nhiều lần một cách thận trọng, nhiều nguồn thônG tin, nhiều gợi ý khác nhau; có tư vấn trong nước, tư vấn ngoài nước; có đơn vị có thương hiệu lớn, có thương hiệu nhỏ. Song bài học lớn cho chúng ta là chuyên gia trực tiếp nghiên cứu, trực tiếp chủ đề tài là quan trọng. Thương hiệu lớn đã từng có uy tín đương nhiên là quý. Nhưng người trực tiếp nghiên cứu, trực tiếp chủ trì mới là người trực tiếp quyết định chất lượng dự án. Ban chỉ đạo đã nhuần nhuyễn điều đó. Đây cũng là một yếu tố thành công. Những người Xây dựng Bắc Ninh không xa lạ đối với PGS.TS Trần Trọng Hanh. Ông là một chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong làng quy hoạch. Chúng ta đã được ông đặt tâm huyết thực sự vào đồ án. Đấy là điều quý giá, đồng thời cũng là thành công của những nhà chủ trì ở Bắc Ninh; sự hội tụ này, sự gặp gỡ này như một mối tơ duyên trong quan họ. Ước gì “đến hẹn lại lên” để tỏ lòng cảm kính và chúc ông mạnh khỏe, hạnh phúc, có những đóng góp nhiều hơn nữa cho xây dựng nước nhà./.