Lương Tài tham dự Hội thảo “Cải thiện các Chỉ số điều hành, quản trị địa phương (PCI, PAPI, SIPAS, PAR INDEX, DTI) tỉnh Bắc Ninh năm 2022”

30/08/2022 10:41 View Count: 117

Sáng ngày 30/8/2022, UBND huyện Lương Tài Tham dự Hội thảo trực tuyến “Cải thiện các Chỉ số điều hành, quản trị địa phương (PCI, PAPI, SIPAS, PAR INDEX, DTI) tỉnh Bắc Ninh năm 2022”do UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức kết nối tới 8/8 điểm cầu các huyện, thành phố trên toàn tỉnh.


 

(Điểm cầu huyện Lương Tài)

Chủ trì tại điểm cầu huyện Lương Tài có đồng chí Phạm Thanh Hải: Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn của huyện, Đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn, Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa huyện.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang nhấn mạnh, trong những năm qua, tỉnh Bắc Ninh luôn nhận thức sâu sắc, kết quả phản ánh của các chỉ số không chỉ ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của chính quyền các cấp, của từng cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ mà còn khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của các nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa, người dân trong việc “đo lường”, “đánh giá” đối với sự phục vụ của các cơ quan Nhà nước các cấp của tỉnh. Vì vậy, tỉnh đã đưa mục tiêu cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao các chỉ số điều hành, quản trị địa phương vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, Chương trình, Nghị quyết toàn khóa và Chỉ thị, kế hoạch hằng năm của Chính quyền tỉnh, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, là một trong những động lực chính cho phát triển để từ đó xác định trách nhiệm, nhiệm vụ chính trị cho các Sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện.

Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn thông qua Hội thảo, các đại biểu sẽ có những phát biểu chất lượng, trọng tâm, đề xuất nhiều ý tưởng mới, giải pháp hay, thiết thực, hiệu quả để tiếp tục nâng cao chất lượng điều hành, quản trị địa phương của bộ máy hành chính Nhà nước các cấp, tiếp tục mang lại sự hài lòng, tin tưởng cho người dân và doanh nghiệp.

Hội thảo đã nghe ông Đậu Anh Tuấn, Ủy viên Ban Thường trực, Phó Tổng thư ký VCCI phân tích kết quả chỉ số PCI năm 2021, những ưu điểm, hạn chế cần cải thiện và những giải pháp nâng cao chất lượng điều hành kinh tế địa phương của tỉnh Bắc Ninh trong thời gian tới; bà Đỗ Thị Thanh Huyền, chuyên gia phân tích Chỉ số PAPI của Chương trình UNDP phân tích chung về chỉ số PAPI năm 2021 và những khuyến nghị đối với tỉnh Bắc Ninh nhằm nâng cao chất lượng quản trị và hành chính công.

Tham luận tại Hội thảo, các đại biểu đánh giá cao sự chủ động, sáng tạo và quyết liệt của tỉnh Bắc Ninh trong công tác cải cách hành chính, cải thiện các chỉ số điều hành, quản trị địa phương nhằm xây dựng nền hành chính minh bạch, liêm chính, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả, qua đó, thúc đẩy thu hút các nguồn lực đầu tư, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng nhanh và bền vững. Đồng thời, phân tích, làm rõ những mặt hạn chế, các chỉ số thành phần thấp điểm và đề ra các giải pháp nhằm duy trì, cải thiện, nâng cao các chỉ số PAPI, PCI, PAR INDEX, DTI trong thời gian tới như: công khai minh bạch thông tin trên Cổng/Trang thông tin điện tử của đơn vị, địa phương, đặc biệt là đăng tải đầy đủ các thông tin về quy hoạch, các dự án đầu tư công, đấu thầu, dự án kêu gọi đầu tư; tăng cường gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp ở nhiều cấp độ; thực hiện hiệu quả mô hình “5 tại chỗ” trong giải quyết thủ tục hành chính; nâng cao năng lực cải cách hành chính ở cấp xã, phường, thị trấn; đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả tương tác với người dân, doanh nghiệp trong giao dịch hành chính công…

Phát biểu kết luận Hội thảo, thay mặt lãnh đạo tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn cảm ơn các chuyên gia, các đại biểu đóng góp ý kiến, đề xuất các giải pháp giúp tỉnh tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng các chỉ số về quản trị và điều hành của địa phương.

Trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị các Sở, ngành, địa phương tiếp tục vào cuộc mạnh mẽ, thực hiện các giải pháp tốt nhất tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đôn đốc giải ngân quyết liệt hơn nữa trong triển khai các gói hỗ trợ chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; bảo đảm mọi người dân và doanh nghiệp được hưởng các gói hỗ trợ trong thời gian ngắn nhất, đúng đối tượng và không bỏ sót trường hợp nào để doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.

Trên cơ sở báo cáo phân tích chỉ số PCI năm 2021, các Sở, ban, ngành, địa phương nghiên cứu, đề xuất các giải pháp mới, sáng kiến cải thiện chỉ số thành phần, nhất là các chỉ số mới bổ sung năm 2021; tăng cường chất lượng thực hiện giải quyết thủ tục hành chính “5 tại chỗ”, làm rõ các trường hợp trả lại hồ sơ hoặc tạm thời chưa giải quyết tại Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện; tập trung rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục kinh doanh có điều kiện theo công bố hiện thời. Tăng cường kết nối thị trường cung - cầu lao động; giải quyết chính sách an sinh và giữ chân người lao động tại địa phương.

Cùng với đó, nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp, Tổ phản ứng nhanh hỗ trợ doanh nghiệp gắn với Mô hình Bác sĩ doanh nghiệp; trợ giúp doanh nghiệp thực hiện các biện pháp an toàn trước đại dịch Covid -19. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong tiếp nhận ý kiến của người dân, doanh nghiệp, đối thoại, xúc tiến đầu tư trực tuyến; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; đẩy mạnh chuyển đổi số một cách nhanh chóng, hiệu quả và thực chất; phát huy hiệu quả vai trò của Tổ công nghệ số cộng đồng để hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng các nền tảng số…

Hội thảo đã kết thúc thành công tốt đẹp./.