THÔNG BÁO Hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật sau hoàn lưu bão số 3 bảo vệ sản xuất vụ mùa năm 2024

16/09/2024 08:42 View Count: 35

Tính đến ngày 16/9/2024, toàn huyện lúa đã trỗ được 4.035 ha, đạt 92,47% diện tích. Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão số 3, từ ngày 07-10/9/2024 có gió, mưa to làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển cây lúa, rau mầu và cây ăn quả… như ngập úng, đổ ngã, gẫy cành, rách lá; đặc biệt ảnh hưởng lớn đến các diện tích lúa đang trong thời kỳ làm đòng, trỗ bông phơi màu. Đến nay UBND các xã, thị trấn, HTX DVNN (thôn) đã chủ động bơm tiêu úng, cơ bản các diện tích đã rút nước.

Từ tình hình trên, để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng do mưa bão gây ra đến sản xuất vụ mùa. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện thông báo hướng dẫn một số biện pháp kỹ thuật chủ yếu sau:

1. Đối với cây lúa

- Đối với những diện tích còn bị ngập nặng (trên 2/3 cây lúa) cần tập trung khơi thông dòng chảy, chủ động bơm tiêu úng kịp thời. Không để nước đầy kéo dài ảnh hưởng đến năng suất lúa mùa.

- Đối với những diện tích lúa đang giai đoạn ngậm sữa, chắc xanh, đỏ đuôi bị đổ ngã cần cần tiến hành buộc dựng lúa bằng cách túm 3-4 gốc lúa lại với nhau bằng dây mềm (dây chuối, rơm nếp, nylon) thành hình chân kiếng để tạo thế đứng vững cho cây lúa vào chắc và chín.

- Đối với diện tích lúa đang giai đoạn làm đòng đến trỗ thoát bị đổ ngã không tiến hành buộc dựng, duy trì mực nước từ 5-10cm để cho lúa phục hồi.

- Để cung cấp dinh dưỡng và tăng sức đề kháng cho cây lúa phục hồi nhanh cần phun bổ sung chế phẩm điều hòa sinh trưởng, vi lượng, siêu kali… theo khuyến cáo của nhà sản xuất để tăng khả năng chống đổ, giúp cây lúa nhanh chóng phục hồi. Không được bón đạm cho cây lúa giai đoạn này.

- Để hạn chế một số nấm bệnh như: khô vằn, đen lép hạt, vàng lá… thì dùng một trong các loại thuốc Anvil 5SC hoặc Tilt Super 300EC (liều lượng theo hướng dẫn trên nhãn bao bì).

- Theo dõi chặt chẽ diễn biến sinh vật gây hại, đặc biệt sự bùng phát của các đối tượng như: Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn; rầy nâu - rầy lưng trắng; sâu đục thân 2 chấm lứa 5 trên các diện tích lúa mùa trỗ sau ngày 20/9/2024 để có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả nhằm hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của sinh vật hại gây ra.

2. Đối với rau màu, cây ăn quả

- Khẩn trương thu hoạch sản phẩm ở những ruộng sắp đến thời gian thu hoạch theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng” hoặc tận thu ở những ruộng bị hại nặng. Các diện tích trồng cây vụ đông sớm do ảnh hưởng của ngập úng nếu không còn khả năng phục hồi được thì vệ sinh, thu dọn tàn dư, chủ động giống cây con để bổ sung ngay đảm bảo thời vụ.

- Với những diện tích rau màu bị ảnh hưởng, vườn cây ăn quả bị long gốc, gãy cành có khả năng phục hồi cần vệ sinh đồng ruộng; phun rửa bộ lá giúp bộ lá quang hợp tốt; cắt tỉa cành gãy, dựng cây, dậm chặt, vun gốc vườn cây ăn quả; bón bổ sung phân bón lá, chế phẩm điều hòa sinh trưởng, vi lượng, kích thích ra rễ giúp cây phục hồi nhanh; khi đất khô ráo cần vun xới, phá váng và kết hợp bón bổ sung phân lân, NPK,...; phòng trừ sâu bệnh đầy đủ, kịp thời đ cây trồng sinh trưởng, phát triển thuận lợi.

Trung tâm dịch vụ nông nghiêp
Source: Trung tâm dịch vụ nông nghiêp