Thư viện Trang Liệt 60 năm xây dựng và phát triển

21/12/2021 14:45 View Count: 141

Trải qua 60 năm liên tục hoạt động, thư viện Trang Liệt đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc, được Nhà nước hai lần tặng thưởng huân chương lao động hạng ba. Từ một cơ sở nhỏ bé, số sách lúc đầu còn ít, kinh nghiệm hoạt động chưa có. Đến nay thư viện đã thực sự trở thành trung tâm văn hoá, học tập thường xuyên của khu dân cư, là điểm sáng của khu phố và là trường học thứ hai sau mái trường phổ thông của nhiều người dân Trang Liệt. Mặc dù ngày nay Internet và các phương tiện nghe nhìn ngày càng hiện đại, hoàn hảo, nhưng sách báo của thư viện vẫn có sự cần thiết, hấp dẫn riêng trong sinh hoạt tinh thần của mỗi người dân Trang Liệt. Đó là văn hóa đọc mà thư viện đã dày công chăm sóc, vun đắp liên tục trong 60 năm qua, đã xây dựng cho cán bộ và nhiều người dân Trang Liệt nếp quen đọc sách báo nhất là thế hệ trẻ. Thư viện góp phần không nhỏ nâng cao dân trí, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong khu phố, góp phần xứng đáng vào thành tích chung xây dựng làng văn hoá nay là khu phố Văn hoá Trang Liệt. Đã được nhà nước ghi nhận bằng tấm huân chương lao động hạng ba trao tặng cho làng năm 1997. Từ năm đó đến nay Trang Liệt vẫn liên tục được công nhận là khu phố văn hóa.

Trong 60 năm qua bạn đọc của thư viện đã được thưởng thức, khai thác, nắm bắt nhiều thông tin cần thiết về sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, những lời hay ý đẹp có trong hơn chục nghìn cuốn sách và hàng chục triệu số báo và tạp chí các loại. Thư viện tổ chức cho bạn đọc đăng ký và cấp thẻ đọc, thẻ mượn và sổ mượn sách, tạo nên ý thức tốt cho độc giả khi đến thư viện, vào đầu năm học thư viện cấp thẻ mượn, sổ mượn sách cho học sinh từ lớp 5 trở lên và người lớn, thẻ đọc cho các cháu học sinh từ lớp 2 đến lớp 4. Phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể, các chi hội, các câu lạc bộ trong khu phố và 02 nhà trường tiểu học và trung học cơ sở, để phát động ủng hộ tiền mua sách mới bổ sung hàng năm.

Quy định ngày, giờ mở cửa thích hợp cho từng đối tượng bạn đọc, quy định từng khối lớp vào từng ngày nhất định trong tuần. Ngoài các ngày mở cửa như đã quy định thư viện còn có các túi sách chuyên ngành mang đến cho trạm y tế, đội giống của HTX ngày trước, những năm gần đây các cháu cộng tác viên còn mang sách báo đến tận nhà cho một số cụ già, có nhu cầu đọc nhưng đi lại khó khăn và đi đổi báo của một số chi hội, cá nhân, cho thư viện mượn báo tại phòng đọc. Do làm tốt việc xã hội hoá công tác thư viện nên sách báo của thư viện ngày càng nhiều, từ năm 2010 đến nay đổi mới phương thức chọn sách là cho bạn đọc là người lớn vào trong kho sách tự chọn, sức hấp dẫn của thư viện ngày càng lớn nên số bạn đọc tăng đáng kể.

Xây dựng duy trì đội ngũ cộng tác viên hoạt động tốt, tổ cộng tác viên gồm 6 cháu từ lớp 6 đến lớp 8 là những cháu rất ham đọc sách báo, đạo đức tốt, tích cực trong công việc khi thư viện yêu cầu.

Để hướng tới xã hội học tập, phát triển văn hóa đọc, một nét đẹp trong đời sống tinh thần của cộng đồng khu dân cư Trang Liệt, ngày 21/4/2015 câu lạc bộ khuyến học của khu phố đã được thành lập (thành viên gồm những bạn đọc tích cực nhất trong những bạn đọc tích cực của thư viện) nhằm trao đổi phổ biến cho nhau những cuốn sách, những bài báo hay, tâm đắc mà mình đã đọc được ở thư viện, cho nên việc đọc sách, báo của mỗi thành viên trong CLB đã thu hoạch được kết quả sâu sắc và hiệu quả hơn, đồng thời từ đó mà lan tỏa, tuyên truyền, động viên phát triển thêm được các bạn đọc mới đến thư viện. Đây là sự phát triển về chiều sâu của thư viện, góp phần hạn chế sự lấn át của Internet và các phương tiện nhe nhìn khác.

Nhiều năm tổ chức trưng bày sách báo tranh ảnh nhân các ngày lễ, ngày kỷ niệm lớn trong năm, đồng thời kết hợp nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn khác, như năm 2020 nhân dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Bác Hồ, năm 2021 nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Tổ chức trưng bày sách chuyên đề về KHKT nông nghiệp, nhân ngày HTX tổ chức sơ kết, tổng kết công việc sản xuất trong năm, thư viện sưu tầm các loại sách báo về vật nuôi, cây trồng, các giống lúa mới có năng suất cao để các đại biểu xã viên đọc tham khảo.

Từ năm 1980 đến nay, mỗi năm tổ chức một cuộc thi đọc sách nhân những năm tròn, năm lẻ năm, kỷ niệm ngày sinh của Bác, ngày Quốc khánh, ngày sinh các vị cách mạng tiền bối, các danh nhân trong tỉnh, các cuộc thi được hầu hết các học sinh 2 trường tiểu học và trung học cơ sở tham dự. Nhiều năm tổ chức nói chuyện về sự kiện thời sự nổi bật, hoặc về văn học, lịch sử, khoa học kỹ thuật nông nghiệp.

Từ ngày chuyển đổi cơ chế quản lý, từ năm 1996 đến nay nguồn quỹ của khu phố eo hẹp, kinh phí cấp cho thư viện mua sách báo giảm nhiều, để khắc phục khó khăn này khu phố đã từng bước xã hội hoá công tác thư viện bằng các hình thức

Hàng năm vào đầu năm học mới, thư viện kết hợp với trường tiểu học và trường trung học cơ sở phát động một đợt ủng hộ thư viện, mới đầu thì bằng sách sau thì bằng tiền. Số tiền này được lãnh đạo khu phố dành riêng cho để mua sách mới bổ sung cho thư viện. Nhân dịp kỷ niệm 35, 40, 45, 50, 55 năm ngày thành lập thư viện đã được thư viện Quốc gia, thư viện tỉnh tặng hơn 2000 cuốn sách. Tích cực kêu gọi thuyết phục các tổ chức xã hội, các cá nhân ủng hộ thư viện.

Thư viện góp phần cùng nhà trường phổ thông cơ sở giáo dục nhân cách, thế giới quan, nhân sinh quan cách mạng cho học sinh và đạo đức, ý thức của người công dân dưới chế độ XHCN. Qua các cuộc thi đọc sách mà thư viện kết hợp với nhà trường đã cung cấp thêm kiến thức về văn học, lịch sử, thân thế sự nghiệp, cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ vô vàn kính yêu của chúng ta và các danh nhân trong tỉnh v.v… Thư viện góp phần làm tăng thêm số học sinh khá, giỏi về các môn xã hội của nhà trường nhất là môn văn.

Qua 60 năm liên tục hoạt động thư viện Trang Liệt đã lớn mạnh về mọi mặt.

Về số lượng: Sách báo của thư viện tăng rất nhiều, hiện nay có 13.362 cuốn sách. Mặc dù từ năm 1986 trở lại đây, do đổi mới cơ chế quản lý, nghề phụ của HTX quản lý không có, nguồn thu của HTX, của thôn nay là khu phố giảm, nhưng do làm tốt việc xã hội hóa nên thư viện gần đây vẫn duy trì được 42 loại báo, tạp chí so với năm 1972 tăng 36 loại.

Về chất lượng: Gần đây thư viện bổ sung được nhiều cuốn sách có giá trị cao, chất lượng tốt, như cuốn “Những nền văn minh thế giới”, “Bách khoa tri thức phổ thông” và bộ sách về lịch sử “Đại việt sử ký toàn thư”. Sách báo của thư viện đã góp phần tăng trưởng vật nuôi, năng suất cây trồng ở địa phương, góp phần nâng cao năng suất lúa lên 10 tấn/ 1 ha/ 1 năm.

Đảm bảo tốt các nghĩa vụ thuế, tuyển quân đẩy lùi các tệ nạn xã hội như mê tín dị đoan, cờ bạc, số đề, mại dâm, tiêm trích ma tuý.

Năm 1991 thư viện đã được đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp và trong các năm hơn 100 đoàn trong nước và quốc tế đến thăm quan học tập kinh nghiệm xây dựng làng văn hoá Trang Liệt, đều vào thăm thư viện.

Đánh giá về thư viện tạp chí cộng sản đã viết: “Sách báo của thư viện đã góp phần tích cực vào việc giáo dục chính trị, tư tưởng cho đông đảo cán bộ Đảng viên và thanh niên, nâng cao được tình cảm cách mạng và ý thức trách nhiệm của họ trước cuộc sống”. Đồng chí Nông Quốc Chấn nguyên Thứ trưởng Bộ văn hoá nhận xét: “Nghe báo cáo, xem tại chỗ chúng tôi rất mừng về thành tích, tiến độ phát triển của thư viện Trang Liệt, điểm nổi bật ở đây là thanh niên, thiếu niên, học sinh và cán bộ trẻ lãnh đạo sản xuất rất ham đọc sách”.

Bạn đọc của thư viện ghi cảm nghĩ: “Mỗi sự trưởng thành của tôi đều gắn liền với thư viện, có thể nói sau mái trường phổ thông thì thư viện là mái trường thứ hai của tôi”.

60 năm qua thư viện Trang Liệt đã nhiều lần được đài truyền hình Trung ương, đài truyền hình tỉnh về ghi hình, làm phóng sự phát trên sóng của đài. Ngoài ra còn có các báo viết: Văn hoá, Quân đội nhân dân, Tiền phong, Tuổi trẻ thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh v.v… có nhiều bài viết biểu dương thành tích của thư viện đạt được. Ngoài 2 huân chương lao động hạng ba năm 1976 và 1983 thư viện còn được Bộ văn hoá thể thao và du lịch, Sở văn hoá Thể thao du lịch tỉnh, UBND tỉnh, UBND Thành phố Từ Sơn tặng nhiều bằng khen và giấy khen.

Một số các hình ảnh, hoạt động của Thư viện Trang Liệt

  








 

Phan Đình Sinh