TUYÊN TRUYỀN LUẬT HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ

14/10/2024 10:41 View Count: 14

Công tác hòa giải ở cơ sở đóng vai trò to lớn, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội, góp phần tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, kịp thời ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần bảo đảm ổn định trật tự an toàn xã hội; giảm bớt các vụ việc phải chuyển đến Tòa án hoặc các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết, tiết kiệm thời gian, kinh phí cho Nhà nước và Nhân dân, từ đó thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Điều 2 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 quy định Hòa giải ở cơ sở là việc hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật theo quy định của Luật này. Từ thực tiễn công tác hòa giải ở cơ sở cho thấy, hòa giải ở cơ sở có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân. Bởi khi hòa giải các hòa giải viên bên cạnh việc dựa vào những chuẩn mực đạo đức, văn hóa ứng xử, phong tục, tập quán tốt đẹp để tác động đến tâm tư tình cảm của các bên, khơi dậy trong họ những suy nghĩ, tình cảm tích cực, còn phải vận dụng các quy định pháp luật để giải thích hướng dẫn các bên, giúp họ hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình để tự lựa chọn, tự dàn xếp ổn thỏa với nhau những mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật. Theo đó thông qua hòa giải, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân một cách tự nhiên, trực tiếp, có sức thẩm thấu sâu sắc, sức lan tỏa rộng.

Hòa giải ở cơ sở có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, có thể nói đây là một phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả, thể hiện trên những mặt sau:

- Là một phương thức giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn, vi phạm pháp luật.

- Góp phần giữ gìn, duy trì đoàn kết trong nội bộ nhân dân; củng cố, phát huy tình cảm và đạo lý truyền thống tốt đẹp trong gia đình, cộng đồng; phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong quản lý xã hội. Công tác hòa giải ở cơ sở thể hiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, thông qua đó nhân dân, xã hội trực tiếp tham gia quản lý mọi mặt đời sống xã hội. Bằng hoạt động hòa giải ở cơ sở, các bên tranh chấp đã tự mình giải quyết tranh chấp, xung đột trên cơ sở mong muốn, hài hòa lợi ích của các bên. Hòa giải viên là người hoạt động vì lợi ích cộng đồng, họ không hướng tới mục tiêu lợi nhuận; công việc của hòa giải viên là hàn gắn những mâu thuẫn nảy sinh trong gia đình, dòng họ, tranh chấp giữa hàng xóm láng giềng với nhau; để từ đó không cần đến sự can thiệp của Nhà nước đối với những công việc mà xã hội có thể tự làm được. Điều này thể hiện cao quyền làm chủ của nhân dân, góp phần thực hiện có hiệu quả Hiến pháp năm 2013.

- Hoạt động hòa giải ở cơ sở góp phần tích cực trong việc giảm áp lực cho các cơ quan Nhà nước, cơ quan tư pháp; hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo, nhất là khiếu nại vượt cấp, kéo dài. Kết quả hòa giải thành ở cơ sở phần lớn được các bên tự nguyện thi hành, bởi nội dung thỏa thuận khi hòa giải thành là ý chí của các bên tranh chấp, các bên hài lòng với giải pháp đã thống nhất nên thường tự giác thi hành một cách nhanh chóng (đa số các trường hợp không cần tòa án công nhận). Vì thế, các mâu thuẫn được triệt tiêu hoàn toàn nên không có khiếu kiện (bao gồm cả khiếu kiện vượt cấp, khiếu kiện kéo dài). Thực tế cho thấy, mọi vấn đề đều nảy sinh từ cơ sở và ở đâu làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở thì ở đó an toàn chính trị, an ninh, trật tự xã hội được giữ vững

-  Hoạt động hòa giải ở cơ sở có ý nghĩa quan trọng đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần trực tiếp tác động đến việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân.

Xuất phát từ vai trò ý nghĩa nêu trên của hòa giải ở cơ sở mà xét ở một khía cạnh nhất định ở phạm vi hẹp thì hòa giải ở cơ sở chính là một hình thức hữu hiệu để tuyên truyền tới nhóm đối tượng người dân cụ thể là cá nhân, nhóm cá nhân, gia đình, nhóm gia đình, tổ chức có mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở theo quy định của Luật hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Nguyên tắc tổ chức, hoạt động hòa giải ở cơ sở được quy định tại Điều 4 Luật hòa giải ở cơ sở 2013 với nội dung như sau:

- Tôn trọng sự tự nguyện của các bên; không bắt buộc, áp đặt các bên trong hòa giải ở cơ sở.

- Bảo đảm phù hợp với chính sách, pháp luật của Nhà nước, đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân; phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ và cộng đồng dân cư; quan tâm đến quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em, phụ nữ, người khuyết tật và người cao tuổi.

- Khách quan, công bằng, kịp thời, có lý, có tình; giữ bí mật thông tin đời tư của các bên, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 10 Luật hòa giải ở cơ sở năm 2013.

- Tôn trọng ý chí, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác; không xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng.

- Bảo đảm bình đẳng giới trong tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở.

- Không lợi dụng hòa giải ở cơ sở để ngăn cản các bên liên quan bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật hoặc trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính, xử lý về hình sự.

Tăng cường tuyên truyền phổ biến quy định pháp luật hòa giải ở cơ sở khi xảy ra các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở, là việc củng cố phát huy những tình cảm và đạo lý truyền thống tốt đẹp trong gia đình và cộng đồng dân cư, phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong cộng đồng dân cư.

Nguyễn Thuý Đạt- Trưởng đài truyền thanh phường
Source: Sưu tầm
Please enter more than 5 news to display!