Chữ “Tâm” trong đạo đức công vụ
Chữ Tâm là một phạm trù cơ bản trong đạo lí truyền thống của dân tộc. Hạt nhân của chữ Tâm là tình cảm thương yêu, trân trọng con người, vạn vật, là khát vọng đem lại hạnh phúc cho con người, xây đắp một cuộc sống tốt đẹp. Chữ Tâm là gốc của đạo đức, đạo lí làm người. Xã hội nào cũng đề cao chữ Tâm, đề cao đạo đức, bởi vì chữ Tâm, đạo đức là gốc của sự hài hoà, vững bền, phát triển. Những danh nhân được tôn vinh đều là những người có tâm trong sáng, cao cả.
Quyền lực nhà nước liên quan trực tiếp đến nền công vụ, được phản ánh qua một trong những nội dung cốt yếu của nền công vụ, đó là đội ngũ cán bộ, công chức. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan niệm đạo đức công vụ là nền tảng và sức mạnh của người cách mạng, coi đó là cái gốc của cây, ngọn nguồn của sông nước. Hiến pháp đầu tiên của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946 đã thể hiện ý tưởng sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thiết lập một nền công vụ của dân, hoạt động vì nhân dân và chịu sự kiểm tra, giám sát của nhân dân, đó là một nền công vụ hiện đại, dân chủ, có hiệu lực từ Trung ương đến cơ sở. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ, công chức là công bộc, có bổn phận phục vụ nhân dân, vì thế đạo đức công chức thể hiện tính dân chủ trong công vụ mà công chức thực hiện đối với nhân dân, thể hiện qua những nguyên tắc đạo đức, chuẩn mực nhất định, đó là: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; phải có tinh thần trách nhiệm cao với công việc; chấp hành nghiêm kỷ luật và có tinh thần sáng tạo trong thi hành công vụ; có ý chí cầu tiến bộ, luôn luôn phấn đấu trong công việc; có tinh thần thân ái, hợp tác với đồng nghiệp trong thực hiện công việc.
Ngay từ năm 1950, trong điều kiện khó khăn, gian khổ của công cuộc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 76/SL ngày 20/5/1950 ban hành Quy chế công chức Việt Nam. Nền công vụ nước ta coi là “cái nền”, “cái gốc” của đội ngũ cán bộ, công chức và được gói gọn trong 4 chữ “cần”, “kiệm”, “liêm”, “chính”, suy rộng ra là “nhân, nghĩa, liêm, trí, dũng, tín”. Hiến pháp năm 1980 và 1992 đã không ngừng hoàn thiện những nguyên tắc, quy định hiến định đối với đạo đức công vụ và các chuẩn mực pháp lý cho công chức nhà nước nhằm mục đích xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ, năng lực và tận tụy phục vụ nhân dân, trung thành với Tổ quốc. Nhằm tiếp tục nâng cao ý thức pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, nhà nước ta đã ban hành Luật cán bộ, công chức, trong đó, những chuẩn mực đạo đức - pháp lý được thể hiện một cách tập trung và rất cụ thể ở các quy định về nghĩa vụ của công chức. Theo đó, các cơ quan nhà nước, cán bộ, viên chức nhà nước phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng.
Xuất phát từ tầm quan trọng của đạo đức công vụ cũng như thực trạng đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức ở nước ta hiện nay, Bộ Nội vụ đang xây dựng Nghị định ban hành Bộ Quy tắc Đạo đức công vụ. Trong đó, quy định cụ thể đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức có nghĩa vụ và trách nhiệm thực hiện đúng, đầy đủ các chuẩn mực về đạo đức, giao tiếp, ứng xử, kỷ luật, kỷ cương hành chính. Đồng thời, nhấn mạnh việc xử lý các hành vi vi phạm về đạo đức công vụ, tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, cấp có thẩm quyền có trách nhiệm xem xét, xử lý kỷ luật và xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Để đạt được mục tiêu này, yêu cầu có tính chất tiên quyết là xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức một cách toàn diện, cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu, phẩm chất, năng lực và phương pháp, tác phong làm việc, nhất là việc nâng cao đạo đức công vụ trong thời kỳ mới. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định một trong những nội dung lớn để xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, có trình độ, năng lực chuyên môn phù hợp, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới...; khuyến khích cán bộ, công chức nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức công vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, quan liêu, hách dịch, cửa quyền; thực hành tiết kiệm…
Kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, mỗi cán bộ, đảng viên thêm thấm nhuần tư tưởng của Người về xây dựng nền công vụ liêm chính, chuyên nghiệp, phục vụ nhân dân, tăng cường hơn nữa đạo đức công vụ, đề cao chữ “Tâm” trong thực thi công vụ, tận trung với Đảng, tận hiếu với dân; tận tụy với việc, nhân nghĩa với người; trách nhiệm, nêu gương, tự soi, tự sửa...; không ngừng nâng cao những giá trị chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân ta tiếp tục giành thắng lợi trong sự nghiệp đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, hiện thực hóa mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, theo con đường mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn.