Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh - Điểm du lịch hấp dẫn

23/05/2023 14:33 View Count: 38

Theo Đề án “Phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh được xác định trở thành điểm đến du lịch, định kỳ tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, giao lưu văn hóa Quan họ và các loại hình nghệ thuật dân gian trong và ngoài nước; trưng bày, triển lãm không gian văn hóa Quan họ; thường xuyên mở cửa phục vụ khách tham quan, du lịch...

Khởi công xây dựng vào tháng 9-2016 và khánh thành, đưa vào sử dụng từ tháng 5-2019, Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh được tỉnh Bắc Ninh đầu tư xây dựng tại khu Viêm Xá (phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh). Thiết chế văn hóa đặc thù này không chỉ tạo ra một không gian diễn xướng sang trọng, xứng tầm với những giá trị lấp lánh, vĩnh cửu thường hằng của di sản thế giới - Dân ca Quan họ Bắc Ninh mà còn hiện thực hóa “giấc mơ nhiều đời” của người Quan họ...
Với kiến trúc độc đáo, có sự pha trộn hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh tọa lạc trên khu đất có diện tích 19.400m2 gồm trụ sở làm việc ba tầng, công trình nhà hát chính và hạ tầng kỹ thuật ngoài nhà với tổng mức đầu tư trên 240 tỷ đồng. Trong đó, riêng hạng mục nhà hát chính có tổng diện tích sàn là 7.900m2, sàn diễn rộng 100m2 và các không gian chức năng khác. Hệ thống trang thiết bị âm thanh, ánh sáng, nội thất phòng khán giả, sân khấu được đầu tư đồng bộ. Đây là một trong những điểm đến hấp dẫn, thu hút các tầng lớp nhân dân và du khách trong nước, quốc tế đến tham quan chiêm ngưỡng, thưởng thức những vẻ đẹp văn hóa Quan họ, góp phần bảo tồn, lan tỏa và phát huy giá trị di sản.
Là đơn vị trực tiếp sử dụng công trình, ông Nguyễn Văn Cương, Giám đốc Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh chia sẻ: Sau khi Nhà hát khánh thành thì xảy ra dịch COVID-19, qua năm 2020 và 2021, đến năm 2022, Nhà hát bắt đầu có những hoạt động để thu hút khách. Từ đầu năm 2023, người dân, du khách, những người yêu thích Quan họ đến đây tham quan, trải nghiệm tương đối đông, đặc biệt là các đoàn học sinh. Những người hoạt động trong ngành như chúng tôi và người dân quanh vùng đều rất tự hào khi có một công trình quy mô, kiến trúc độc đáo trên quê hương Thủy tổ Quan họ. Đây là điểm nhấn mà rất nhiều du khách muốn đến chiêm ngưỡng, trải nghiệm, check in. Vừa qua, đoàn đại biểu ngoại giao quốc tế đến tham quan, thưởng thức trình diễn di sản Dân ca Quan họ tại đây và họ rất thích.


 

Công trình kiến trúc Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh vừa được trao giải Bạc Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia lần thứ 15 (2022-2023).

Tự hào, xúc động trước sự quan tâm của toàn xã hội đối với di sản văn hóa Quan họ, Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Thềm (khu Viêm Xá, phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh) bày tỏ: Quan họ được trao truyền giữ gìn, bảo tồn qua các thế hệ và cũng có sự phát triển, nâng tầm giá trị. Quan họ bây giờ không còn là của riêng Bắc Ninh, không chỉ của trong nước mà còn là di sản được thế giới công nhận. Vì thế, nền văn hóa Quan họ với nhiều mặt hoạt động, trong đó có cơ sở vật chất, không gian diễn xướng... cũng có sự đổi mới, phát triển để xứng tầm với giá trị di sản. Chẳng hạn như trang phục Quan họ, các cụ cổ xưa đi chơi Quan họ chỉ ca vào buổi tối hoặc ở trong nhà hát canh với nhau, bọn nọ hát đối đáp với bọn kia, không có khán giả thì trang phục phù hợp với phong cách ngồi trong nhà hoặc trong đình. Nhưng giờ Quan họ biểu diễn trên sân khấu thì trang phục cũng phải đổi mới, lịch lãm, bắt mắt để phù hợp với ánh đèn sân khấu, với cuộc sống và những không gian biểu diễn đương đại.
Cội nguồn văn hóa Quan họ vốn “bén rễ, xanh cây” từ cộng đồng làng xã. Trong điều kiện mới, bối cảnh mới đòi hỏi cách nghĩ, cách làm cũng phải mới... Hơn nữa, phát triển văn hóa cần có định hướng lâu dài, không thể nóng vội. Cùng với tầm nhìn đầu tư cơ sở vật chất thì việc “gieo mầm” các giá trị thẩm mỹ, tạo dựng thói quen, phong cách đến rạp, đến nhà hát thưởng thức nghệ thuật trong các tầng lớp nhân dân cũng quan trọng không kém. Chính vì vậy, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh định hướng, chỉ đạo Nhà hát Dân ca Quan họ tổ chức các chương trình biểu diễn Quan họ phục vụ miễn phí nhân dân trong khoảng thời gian nhất định để thu hút khán giả, đồng thời có kế hoạch xúc tiến, liên kết với các đơn vị kinh doanh du lịch nhằm xây dựng tour, tuyến và tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù hấp dẫn để thu hút khách...
Trao đổi với phóng viên, Giám đốc Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh Nguyễn Văn Cương cho biết: Nhà hát có kế hoạch sáng đèn biểu diễn định kỳ hàng tuần, hàng tháng, hàng quý. Cụ thể, bắt đầu từ ngày 27-5, vào tối thứ Bảy hàng tuần đều đặn tổ chức các chương trình biểu diễn phục vụ khán giả trong Nhà hát. Hàng tháng, vào lúc 16h chiều các ngày mồng 1 Âm lịch sẽ tổ chức hát Quan họ trên thuyền tại khu vực hồ của Nhà hát Dân ca Quan họ. Chúng tôi luôn sẵn lòng chào đón nhân dân, du khách trong nước và quốc tế đến thưởng thức các chương trình biểu diễn, tham quan chiêm ngưỡng tổng thể công trình kiến trúc Nhà hát Dân ca Quan họ, đồng thời trải nghiệm điểm du lịch cộng đồng làng Diềm - ngôi làng cổ nằm bên bờ sông Cầu thơ mộng hiện vẫn đang bảo tồn, gìn giữ nhiều di tích lịch sử văn hóa độc đáo như đền Cùng giếng Ngọc, đình Diềm, đền Vua Bà- Thủy tổ Quan họ... Đến đây, du khách còn có thể kết hợp tìm hiểu, khám phá các di sản văn hóa độc đáo khác như: Tìm hiểu di sản văn hóa thế giới - Nghi lễ và trò chơi kéo co làng Hữu Chấp, tham quan cây Cô đơn nổi tiếng trong nhiều bộ phim Việt...
Quan họ truyền thống có thiết chế văn hóa tương đối hoàn chỉnh bao gồm tổ chức, cơ sở vật chất và phương thức hoạt động. Sang thế kỉ 21, sức sống của “nghề chơi Quan họ” cũng được biểu hiện đa dạng hình thức với nhiều cấp độ khác nhau. Vì thế, ngoài những không gian diễn xướng quen thuộc như: Đình, đền, chùa, đồi, đê, sông, hồ, ao hoặc trong các tư gia... còn đòi hỏi những điều kiện cơ sở vật chất mới nhằm tạo không gian diễn xướng phù hợp, tương xứng giá trị di sản và đáp ứng yêu cầu thời đại.

Việt Thanh
Source: Báo Bắc Ninh