Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh mùa Thu-Đông
Mùa Thu-Đông, thời tiết giao mùa rất thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm phát sinh, phát triển, đặc biệt các bệnh lây qua đường hô hấp như như sởi/rubella, thuỷ đậu, ho gà, cúm; các bệnh lây qua đường tiêu hóa như tiêu chảy do vi rút Rota, tay chân miệng và các bệnh lây truyền từ động vật sang người như cúm A (H5N1), Cúm A (H7N9), liên cầu lợn…
Để chủ động phát hiện sớm các trường hợp mắc/nghi mắc bệnh truyền nhiễm mùa Thu-Đông và tăng cường công tác báo cáo bệnh truyền nhiễm, kiểm soát hiệu quả và hạn chế tối đa sự lây lan của dịch bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã có văn bản đề nghị Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai các nội dung:
Tăng cường công tác giám sát, tại bệnh viện và cộng đồng, các ổ dịch cũ, những vùng nguy cơ cao...đặc biệt là các bệnh trong tiêm chủng mở rộng: Sởi, Bạch hầu, Ho gà, viêm não Nhật Bản…các bệnh lây qua gia súc, gia cầm như cúm A(H5N1), (H7N9), bệnh do liên cầu lợn...tiến hành điều tra giám sát ca bệnh kịp thời, phân tích dịch tễ và triển khai các hoạt động phòng chống bệnh dịch không để bùng phát thành dịch lớn.
Duy trì công tác tiêm chủng mở rộng thường xuyên đúng lịch, đủ mũi. Đối với những trẻ hoãn tiêm vì lý do sức khỏe cần tổ chức tiêm chủng sớm nhất có thể. Không bỏ sót đối tượng, lưu ý các đối tượng nhập cư, bỏ mũi và đối tượng tiêm vắc xin có thành phần Ho gà khi đủ 2 tháng (60 ngày tuổi) và đối tượng tiêm vắc xin Sởi mũi 1 (từ 9-11 tháng tuổi).
Đẩy mạnh công tác truyền thông, cung cấp kịp thời cho người dân những thông tin về tình hình bệnh dịch, những biện pháp phòng chống, những lợi ích của tiêm chủng, để người dân hưởng ứng và tham gia tiêm chủng cho cá nhân và con em mình. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y địa phương, chủ động ngăn chặn không để cho dịch bệnh lây từ động vật sang người.Chuẩn bị sẵn sàng các đội cơ động phòng chống dịch, đảm bảo đầy đủ cơ số thuốc, vật tư, hoá chất, trang bị phòng hộ... đáp ứng kịp thời các tình huống bệnh dịch.