Thách thức từ mất cân bằng giới tính khi sinh

25/10/2023 13:51 View Count: 102

“Thúc đẩy bình đẳng giới, góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh” là chủ đề của Ngày Quốc tế Trẻ em gái (11-10) năm nay. Một lần nữa, vấn đề bình đẳng giới được đặt ra, khi những hệ luỵ của mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng có biểu hiện rõ rệt.

Mất cân bằng giới tính khi sinh trở thành thách thức với công tác dân số từ năm 2006. Năm 2015, tỉ số giới tính khi sinh của cả nước ở mức rất cao (112,8/100 bé gái). Trong giai đoạn 2016-2022, tốc độ gia tăng tỉ số giới tính khi sinh đã được khống chế, tuy nhiên chưa ổn định và vẫn cao so với mức cân bằng tự nhiên (112,0 bé trai/100 bé gái, năm 2022).
Tháng 6-2017, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 188/KH-UBND thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2017-2020 (giai đoạn I - gọi tắt là Kế hoạch 188), với mục tiêu đưa tỉ số giới tính khi sinh về dưới 115/100 năm 2020. Trong giai đoạn đó, tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện Đề án, tuy nhiên tỉ số giới tính khi sinh hàng năm vẫn chưa giảm đều và có nguy cơ tăng trở lại. Năm 2017 là 117,6 bé trai/100 bé gái; năm 2018 là 116,1/100; năm 2019 là 118,8/100; năm 2020 là 117,7/100 - cao thứ 3/63 tỉnh, thành phố, chưa đạt mục tiêu Kế hoạch 188 đề ra.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh đã được tổng hợp, phân tích, gồm: Mức sinh giảm nhưng chưa vững chắc, số phụ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ hằng năm lớn, trong khi đó tâm lý muốn đông con và phải có con trai vẫn phổ biến trong cộng đồng; nhận thức của người dân chưa đồng đều, còn một bộ phận nhân dân chưa hiểu hoặc đã hiểu nhưng bất chấp các hệ luỵ của mất cân bằng giới tính khi sinh; phong tục tập quán còn nặng nề, tư tưởng coi trọng con trai hơn con gái vẫn tồn tại ở nhiều gia đình, nhiều dòng họ; kĩ năng tuyên truyền, tư vấn của cán bộ dân số, cộng tác viên Dân số - Y tế còn hạn chế cùng sự biến động liên tục của đội ngũ này nên một bộ phận người dân chưa nhận thức được những hậu quả, hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh; chưa có chính sách cụ thể và nguồn kinh phí để động viên, khuyến khích các gia đình sinh 2 con là gái trong việc học tập và cơ hội tìm kiếm việc làm; công tác thanh tra, kiểm tra được thực hiện nhưng khó phát hiện các dấu hiệu vi phạm lựa chọn giới tính thai nhi.
Giữa năm 2021, Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn II (2021-2025) được ban hành với mục tiêu khống chế có hiệu quả tốc độ gia tăng tỉ số giới tính khi sinh, tiến tới đưa tỉ số giới tính khi sinh trở lại mức cân bằng tự nhiên, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh.Trong đó, mục tiêu cụ thể là thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đưa tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh về mức 111/100 vào năm 2025, và ở mức 109/100 vào năm 2030.

Thay đổi tư duy, nhận thức về giới, nâng cao vai trò, vị thế của giới nữ để tiến tới bình đẳng giới, giảm thiểu mất cân bằng giới tính.


Năm 2022, tỉ số giới tính khi sinh toàn tỉnh ở mức 120,7/100, dù có giảm 0,7 điểm % so năm 2021, song vẫn ở mức rất cao. Từ tháng 1 đến tháng 7 năm 2023, tổng số trẻ sinh ra là 9.125, trong đó 5.015 trẻ sinh ra là nam, 4.110 trẻ sinh ra là nữ, tỉ lệ giới tính khi sinh là 122/100. Như vậy, mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn là thách thức lớn đối với công tác Dân số - KHHGĐ trên địa bàn tỉnh hiện nay và những năm tiếp theo.
Tâm lí ưa thích con trai, tìm mọi cách để lựa chọn giới tính thai nhi là một trong những biểu hiện hạ thấp giá trị của giới nữ. Về lâu dài, ngoài những hệ luỵ về vấn đề mất cân bằng giới tính còn tác động tiêu cực đến bất bình đẳng giới, do đó ảnh hưởng đến sự tiến bộ và vị thế của người phụ nữ trong xã hội.
Bài học từ các quốc gia “thừa nam, thiếu nữ” trên thế giới đã cho thấy, dư thừa nam giới sẽ khiến ngày càng có nhiều nam giới khó kiếm được vợ, từ đó làm gia tăng nạn buôn người và bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Thừa nam còn khiến hàng triệu nam giới phải sống độc thân, cấu trúc gia đình bị phá vỡ; người già neo đơn, không nơi nương tựa sẽ gia tăng…
Theo các chuyên gia kinh tế - xã hội, sự mất cân bằng giới tính khi sinh cao như hiện nay sẽ tác động tiêu cực tới cơ cấu dân số trong tương lai  theo hướng già hóa và thiếu hụt nam giới ở một số nhóm tuổi, thậm chí gây hệ lụy về kinh tế và xã hội khác như thay đổi về cơ cấu ngành, nghề, môi trường làm việc… Nó có thể mang đến nguy cơ thiếu nhân lực trong một số ngành, nghề vốn thích hợp với phụ nữ như giáo viên, điều dưỡng, may mặc…
Mất cân bằng giới tính khi sinh dẫn đến “thừa nam, thiếu nữ” ở tuổi trưởng thành là tương lai đã được thấy trước. Nếu không có những cải thiện đáng kể, khoảng 20 năm nữa, Việt Nam sẽ thiếu hàng triệu phụ nữ. Cho đến nay, bên cạnh các giải pháp về chính sách, chuyên môn, kĩ thuật, công tác truyền thông vẫn là giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất. Chỉ khi quan điểm, nhận thức, tư duy về vai trò, vị thế của phụ nữ, trẻ em gái trong gia đình, cộng đồng và xã hội thay đổi mới có thể chuyển đổi tư duy, hành vi về định kiến giới, từ đó không lựa chọn giới tính khi sinh, giảm được sự chênh lệch lớn về giới tính.

Thuỳ Vy
Source: Báo Bắc Ninh