Đề cương văn hóa Việt Nam với việc xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc

28/02/2023 11:26 View Count: 46

80 năm sau kể từ khi Đề cương văn hóa Việt Nam ra đời (1943-2023), có thể khẳng định rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã không chỉ nhận thức được tầm quan trọng của văn hoá đối với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, mà còn chú trọng xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - coi đó là một trong những nhiệm vụ vừa cấp thiết vừa thường xuyên, để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển của đất nước.

CƯƠNG LĨNH VĂN HÓA CỦA ĐẢNG TA

Đề cương văn hóa Việt Nam do đồng chí Trường Chinh soạn thảo và được công bố trong Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng lần thứ 8, họp từ ngày 25 đến 28/2/1943 tại Võng La (Đông Anh, Phúc Yên). Đây là một trong những hội nghị quan trọng của Đảng để đề ra những chủ trương cụ thể, sát hợp với diễn biến mới của thời cuộc, nhằm thúc đẩy phong trào cách mạng trong nước phát triển, mà một trong những nội dung được Hội nghị quan tâm chính là vấn đề văn hóa.

Trải qua một chặng đường hoạt động từ khi ra đời năm 1930 cho đến năm 1943, bên cạnh việc tập trung xây dựng lực lượng để thực hiện nhiệm vụ chính trị, thì trên lĩnh vực văn hóa, Đảng Cộng sản Việt Nam (Đảng Cộng sản Đông Dương) cũng đã có những cuộc bút chiến về duy tâm hay duy vật, về nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh... Song, đấu tranh trên mặt trận văn hóa chưa được đặt ngang hàng với các mặt trận đấu tranh khác như chính trị và kinh tế. Nên khi Đề cương văn hóa Việt Nam ra đời và khẳng định rằng: “a.Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa) ở đó người cộng sản phải hoạt động. b. Không phải chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng văn hóa nữa. c. Có lãnh đạo được phong trào văn hóa Đảng mới ảnh hưởng được dư luận, việc tuyên truyền của Đảng mới có hiệu quả”(1), thì cũng có nghĩa là Đảng đã thực sự đưa văn hóa trở thành một mặt trận.

Trong Đề cương văn hóa Việt Nam, từ việc phân tích một cách ngắn gọn, nhưng súc tích về lịch sử và tính chất của văn hóa Việt Nam, nhất là nguy cơ của văn hóa Việt Nam dưới ách thống trị của phát xít Nhật - Pháp, Đảng đã chỉ ra ba nguyên tắc cơ bản là dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa trong xây dựng văn hóa Việt Nam. Theo đó, ba nguyên tắc được giải thích: Dân tộc hoá là (chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa khiến cho vǎn hoá Việt Nam phát triển độc lập)(2). Đại chúng hoá là (chống mọi chủ trương hành động làm cho vǎn hoá phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng)(3). Khoa học hoá là (chống lại tất cả những cái gì làm cho vǎn hoá trái khoa học, phản tiến bộ)(4). Đồng thời, Đề cương cũng đã đặt và phân tích mối quan hệ giữa vǎn hoá, kinh tế và chính trị; coi mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa); xác định rõ “làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng văn hóa nữa”…

Có thể nói, Đề cương văn hóa Việt Nam là văn kiện có ý nghĩa lịch sử quan trọng, không chỉ đơn giản, ngắn gọn, cô đọng, dễ hiểu và dễ nhớ mà còn khái quát về con đường, phương pháp xây dựng nền văn hóa mới của dân tộc, vì dân tộc, phục vụ dân tộc trên tinh thần chống lại cái tính chất phong kiến, nô dịch và cả những trở lực như “xu hướng văn hóa bảo thủ, chiết trung, lập dị, bi quan, thần bí, duy tâm,v.v.. Nhưng đồng thời cũng phải chống xu hướng văn hóa quá trớn của bọn tờrốtkít”(5), để cổ xúy cho tiến bộ, cho tính khoa học; đồng thời, cổ vũ, khích lệ quần chúng nhân dân tham gia vào tiến trình xây dựng nền văn hóa và thụ hưởng các giá trị văn hóa.

Tuy nhiên, Đề cương cũng còn một số hạn chế như coi văn hóa chỉ bao gồm “tư tưởng, học thuật, nghệ thuật”(6); mới đề cao vai trò của kinh tế mà chưa chỉ ra sự tác động ngược lại của thành tố văn hóa đối với kinh tế và chính trị, như “nền tảng kinh tế của một xã hội và chế độ kinh tế dựng trên nền tảng ấy quyết định toàn bộ vǎn hoá của xã hội kia (hạ tầng cơ sở quyết định thượng tầng kiến trúc)(7) hay tính triệt để của cách mạng văn hóa như “phải hoàn thành cách mạng vǎn hoá mới hoàn thành được cuộc cải tạo xã hội”(8) và “những phương pháp cải cách vǎn hoá đề ra bấy giờ chỉ là dọn đường cho cuộc cách mạng triệt để mai sau”(9)…

Có thể thấy rằng, Đề cương văn hóa Việt Nam chính là Cương lĩnh văn hóa khái quát của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong bối cảnh cụ thể khi đó, Đề cương không chỉ thể hiện tầm nhìn, định hướng có tính chiến lược của Đảng về xây dựng, phát triển văn hóa gắn với các lĩnh vực quan trọng khác của đời sống xã hội, mà còn trở thành ngọn cờ để tập hợp những người có tư tưởng tiến bộ trong mặt trận văn hóa cứu quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng; làm cho “tinh thần cứu quốc” của văn hóa, sức mạnh nội sinh của văn hóa ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống nhân dân, tạo thành một lực lượng hùng hậu trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do.

Vì thế, ngay sau khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, giữa bộn bề khó khăn, thử thách, Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ đã tập trung giải quyết những nhiệm vụ cấp bách, trong đó chú trọng từng bước xây dựng nền văn hoá mới theo Đề cương văn hóa Việt Nam. Đó chính là nền văn hoá không chỉ có nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là củng cố nền độc lập của Việt Nam và xây dựng cho đất nước “một nền văn hoá mới”, vì “văn hoá với chính trị có quan hệ chặt chẽ với nhau. Có chính trị mới có văn hoá. Xưa kia, chính trị bị đàn áp, nền văn hoá của ta vì thế không nảy sinh được. Nay nước ta đã độc lập, tinh thần được giải phóng, cần phải có một nền văn hoá hợp với khoa học và hợp với nguyện vọng của dân(10), mà còn cần phải có tính cách khoa học, tính đại chúng thì mới thuận với trào lưu tiến hoá của tư tưởng hiện đại. Đó chính là nền văn hóa phải góp phần thúc đẩy cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện cần, kiệm, liêm, chính chính, gây dựng đời sống mới; trong đó, văn nghệ sĩ phải nỗ lực góp sức, vì “trước khi đi đến sự kiến thiết nước nhà, chúng ta còn phải qua một thời kỳ đấu tranh cực kỳ khổ sở. Giới văn hoá cũng phải cùng các giới đồng bào đi qua chặng đường ấy. Mong rằng anh em văn hoá đã cố gắng, xin cố gắng mãi lên!”(11).

Nền văn hóa mới ấy cũng được thể hiện rõ trong bức thư “Về nhiệm vụ văn hóa Việt Nam trong công cuộc cứu nước và xây dựng nước” đồng chí Trường Chinh gửi cho Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 16/11/1946. Cụ thể, nền văn hóa mới ấy không chỉ tiếp tục nêu rõ khẩu hiệu căn bản là “Dân tộc hoá, khoa học hoá, đại chúng hoá” như Đề cương văn hóa Việt Nam đã khẳng định, mà còn xác định rõ nhiệm vụ của tất cả các nhà văn hóa Việt Nam, không phân biệt giai cấp, đảng phái, tôn giáo là phải tích cực tham gia mặt trận dân tộc, giành thống nhất và độc lập cho Tổ quốc; phải đem hết năng lực ra cứu nước và xây dựng nước, nhất là phải đứng trên lập trường chung là dân tộc và dân chủ mà phụng sự Tổ quốc. Vì thế, nhiệm vụ cụ thể của nền văn hóa mới ấy là không chỉ phát triển những cái hay, cái đẹp trong văn hóa cổ truyền của dân tộc; đồng thời, bài trừ những cái xấu xa hủ bại, ngăn ngừa sức thâm nhập và tấn công của văn hóa phản động, văn hóa thực dân; là học những cái hay, cái tốt của văn hóa thế giới, nhất là văn hóa Tàu, Pháp, mà còn phải giáo dục nhân dân, gây đời sống mới, phát triển tư tưởng khoa học và học thuật tiến bộ, phát triển văn nghệ đại chúng... Đồng thời, còn phải góp phần phát triển tinh thần đoàn kết và yêu nước của dân tộc, nhân nguồn sức mạnh của dân tộc trên hành trình đấu tranh cho độc lập, tự do…

Đặc biệt, trên tinh thần “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”(12), việc gây dựng “nền văn hóa mới của Việt Nam phải lấy hạnh phúc của nhân dân, của dân tộc làm cơ sở, phải học lấy những điều tốt đẹp của văn hóa nước ngoài, tạo ra nền văn hóa Việt Nam, sao cho văn hóa mới phải sửa đổi cho được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ, phải làm sao cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập”(13), để mỗi người dân Việt Nam, “từ già đến trẻ, cả nam lẫn nữ, ai cũng đều hiểu nhiệm vụ của mình và biết hưởng hạnh phúc mà mình đáng được hưởng” đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định tại Hội nghị văn hoá toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức ngày 24/11/1946.

XÂY DỰNG NỀN VĂN HÓA VIỆT  NAM TIÊN TIẾN, ĐẬM ĐÀ BẢN SẮC DÂN TỘC THEO ĐỀ CƯƠNG VĂN HÓA

Những định hướng trong bản Đề cương văn hóa Việt Nam và nhất là trên tinh thần “vừa kháng chiến vừa kiến quốc”; “kiến quốc để kháng chiến”, “kháng chiến phải kiến quốc” không chỉ được thể hiện rõ trong chủ trương, đường lối của Đảng và hoạt động văn hoá sau khi nước nhà giành được độc lập, mà còn đều hướng vào việc phục vụ nhiệm vụ trung tâm, cần kíp, bức thiết là bảo vệ thành quả của Cách mạng Tháng Tám, là phụng sự Tổ quốc và nhân dân.

Có thể thấy trong một khoảng thời gian không dài (từ 2/9/1945 đến toàn quốc kháng chiến 22/12/1946), trước những thách thức to lớn, đe doạ sự tồn vong của nền dân chủ cộng hòa, Đảng (dù ngày 25/11/1945 Đảng đã rút vào hoạt động bí mật), trên cơ sở Đề cương văn hóa Việt Nam (1943) và tinh thần của Hội nghị văn hoá toàn quốc lần thứ nhất (1946), Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã vừa kịp thời đề ra chủ trương, chính sách phù hợp, vừa triển khai những giải pháp, biện pháp đúng đắn để xây dựng đất nước một cách toàn diện, trên mọi lĩnh vực, trong đó có xây dựng và phát triển nền văn hoá mới. Đó là thực hiện bình dân học vụ, xóa nạn mù chữ để nâng cao dân trí; là sáp nhập Trường Viễn đông Bác cổ, nhà Bảo tàng, Thư viện và các Học viện vào Bộ Quốc gia Giáo dục; quy định nhân dân được tự do tín ngưỡng, tôn trọng đền, chùa, lăng tẩm, nhà thờ và tất cả những nơi có tính chất tôn giáo; đổi tên các đường phố, các công viên bằng cách đặt tên các anh hùng hào kiệt đã từng chiến đấu cho nền độc lập và nền dân chủ cộng hoà, tên các danh nhân lịch sử, tên các địa phương có chiến tích lịch sử; là  quy định Đông phương Bác cổ Học viện có nhiệm vụ bảo tồn tất cả cổ tích trong toàn cõi Việt Nam, cấm huỷ hoại đình, chùa, đền, miếu, các cổ vật, thành, quách, lăng, mộ, chiếu, sắc, văn bằng,v.v.. có ích cho lịch sử; là thành lập Ban Trung ương vận động đời sống mới và triển khai xây dựng đời sống mới thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia, góp phần từng bước đẩy lùi các tệ nạn cũ ra khỏi đời sống xã hội...

          Đặc biệt, việc cho phép xuất bản báo chí, trong đó có các báo Cờ giải phóng, Sự thật, Cứu quốc, Tiền phong, Lao động, Quyết chiến… cũng như thành lập Đài phát thanh quốc gia - Đài tiếng nói Việt Nam/công cụ tuyên truyền giáo dục đắc lực, hiệu quả của Đảng và Chính phủ đã góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chống thù trong, giặc ngoài; không chỉ tập trung tuyên truyền và đấu tranh cho nhiệm vụ bảo vệ chính quyền cách mạng, chuẩn bị Tổng tuyển cử đầu tiên để bầu Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, để thành lập Chính phủ chính thức và thông qua Hiến pháp 1946, mà còn góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chuẩn bị bước vào cuộc trường chinh chống thực dân Pháp và công cuộc kiến quốc trong điều kiện đất nước có chiến tranh.

Những quyết sách đó không chỉ thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh mà trên thực tế, những biện pháp, giải pháp được thực thi của Chính phủ đã góp phần cổ vũ, tập hợp và động viên các tầng lớp nhân dân, nhất là giới văn nghệ sĩ sẵn sàng bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đồng thời, cũng nhờ những động thái quyết liệt, kịp thời của Chính phủ mà hoạt động của các cơ quan văn hóa, báo chí, xuất bản… thời kỳ này đã đặt cơ sở vững chắc cho sự phát triển của nền văn hoá Việt Nam ở những giai đoạn tiếp theo; đồng thời, góp phần nâng tầm con người Việt Nam, đất nước Việt Nam trên hành trình đấu tranh bảo vệ nền độc lập, xây dựng và phát triển đất nước. 

Tiếp đó, trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp diễn ra ngày càng gay go, ác liệt, Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ hai được tổ chức ngày 16/7/1948 tại xã Đào Giã, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ. Tại Hội nghị này, Tổng Bí thư Trường Chinh đã đọc báo cáo Chủ nghĩa Mác - Lênin và văn hóa Việt Nam. Đây chính là bản Cương lĩnh văn hóa được kế thừa và phát triển từ Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 của Đảng. Trước khi Hội nghị khai mạc, ngày 15/7/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư chúc mừng và nhấn mạnh: “Chúng ta phải xây đắp một nền văn hóa kháng chiến kiến quốc của toàn dân (…) Các nhà văn hóa ta phải có những tác phẩm xứng đáng, chẳng những để biểu dương sự nghiệp kháng chiến kiến quốc bây giờ, mà còn để lưu truyền cái lịch sử oanh liệt kháng chiến kiến quốc cho hậu thế”(14). Trong những năm sau đó, việc triển khai thực hiện đường lối, nhiệm vụ, phương châm công tác văn hóa; việc tập trung các hoạt động văn hóa, văn nghệ kháng chiến theo đúng tinh thần của Hội nghị lần thứ 2 và của Hội nghị cán bộ văn hóa lần thứ nhất (tháng 2/1949) đã không chỉ làm cho khẩu hiệu “kháng chiến hóa văn hóa, văn hóa hóa kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành hiện thực trong những năm kháng chiến, mà còn góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam mới.

Thực tế, việc triển khai xây dựng và phát triển nền văn hóa mới theo Đề cương văn hóa Việt Nam (1943), Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (1946) và Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ hai (1948)/(3 văn kiện); theo Nghị quyết Đại hội II (1951) và Đại hội III (1960) trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Mỹ, cứu nước để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước cũng như xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc không chỉ phản ánh sinh động cuộc trường kỳ kháng chiến đầy gian lao và anh dũng của đồng bào, chiến sĩ cả nước; không chỉ tái hiện bức tranh toàn cảnh công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc để miền Bắc trở thành hậu phương lớn, chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam; không chỉ thể hiện phong phú chủ nghĩa anh hùng cách mạng ở cả tiền tuyến lớn miền Nam và hậu phương lớn miền Bắc, mà còn góp phần hình thành, phát triển một đời sống mới, một lối sống mới xã hội chủ nghĩa; một phong trào văn nghệ của quần chúng phát triển mạnh mẽ; một nền văn học - nghệ thuật, báo chí, xuất bản… của cách mạng ngày càng lớn mạnh.

Cùng với đó, từ ba nguyên tắc “dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa” trong Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943, cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa về tư tưởng - văn hóa được triển khai cũng đã làm cho thế giới quan Mác - Lênin và hệ tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin hiện diện trong đời sống văn hóa, tạo ra một xã hội dân chủ của những người dân làm chủ đất nước, tự quyết định vận mệnh của dân tộc mình; làm cho mỗi văn nghệ sĩ trở thành một người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa - tư tưởng. Đồng thời, cũng làm cho những quan điểm, chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa không chỉ giữ vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội, mà còn kế thừa và phát huy được những yếu tố truyền thống văn hóa tốt đẹp của tất cả các dân tộc anh em trong một nước Việt Nam thống nhất mà đa dạng. Và cũng vì thế, có thể khẳng định rằng, trong điều kiện phải tập trung cho nhiệm vụ kháng chiến và chiến tranh ngày càng lan rộng, nhưng nền văn hóa Việt Nam mới vẫn được gây dựng và ngày càng phát triển, vừa mang hơi thở của thời đại vừa lưu giữ được bản sắc dân tộc. Đó chính là một nền văn hóa không chỉ thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục, thúc đẩy và góp phần đưa sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc trong những năm 1945-1954 và sự nghiệp vừa đấu tranh giải phóng miền Nam vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc trong những năm 1954 -1975 đi đến thắng lợi, mà còn làm cho những tinh hoa văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc anh em, ý chí độc lập, tự cường và tinh thần yêu nước, đấu tranh vì một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, tự do, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi người dân Việt Nam hiển hiện trong thực tiễn được phản ánh sinh động trong các sáng tác văn học, nghệ thuật, báo chí...

Sau khi miền Nam được giải phóng, Tổ quốc thống nhất, cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội và nhất là trong thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng, tiến trình xây dựng nền văn hóa mới - nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc càng được chú trọng, để văn hóa thực sự là sức mạnh nội sinh của sự phát triển. Trên thực tế, cùng với những tư tưởng, định hướng, nội dung được ghi rõ trong 3 văn kiện đã nêu và trong văn kiện các kỳ Đại hội của Đảng, thì các nghị quyết chuyên đề về văn hóa cũng được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế và điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Đó là Nghị quyết số 05-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa VI về “Đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật và văn hoá, phát huy khả năng sáng tạo, đưa văn học, nghệ thuật và văn hoá phát triển lên một bước mới” ngày 28/11/1987 thể hiện những quan điểm đổi mới có nguyên tắc của Đảng trên lĩnh vực văn hoá, văn nghệ, có tác dụng thúc đẩy hoạt động sáng tạo nghệ thuật; Nghị quyết số 04-NQ/HNTW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về “Một số nhiệm vụ văn hóa, văn nghệ những năm trước mắt” ngày 14/1/1993 đã khẳng định: “Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, một động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời là một mục tiêu của chủ nghĩa xã hội. Văn học, nghệ thuật là bộ phận trọng yếu của nền văn hoá dân tộc, thể hiện khát vọng của nhân dân về chân - thiện - mỹ” và “nền văn hoá mà Đảng ta lãnh đạo toàn dân xây dựng là nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; nhất là Nghị quyết số 03-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” ngày 16/7/1998 đã chỉ rõ: “1- Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội; 2- Nền văn hoá mà chúng ta xây dựng là nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; 3- Nền văn hoá Việt Nam là nền văn hoá thống nhất mà đa dạng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam; 4- Xây dựng và phát triển văn hoá là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, trong đó đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng; 5- Văn hoá là một mặt trân; xây dựng, phát triển văn hoá là một sự nghiệp cách mạng lâu dài, đòi hỏi phải có ý chí cách mạng và sự kiên trì, thận trọng”...

Đặc biệt, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng đều khẳng định yêu cầu xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, “thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển”(15) là một trong những đặc trưng cơ bản của chế độ xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam kiên định xây dựng.

Đó cũng chính là “xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mĩ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học; là để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” đúng như Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã nêu. Và đó cũng chính là “phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”(16) để nhằm “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế (…) nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam”(17) theo đúng tinh thần Đại hội XIII của Đảng.

Cuối cùng, có thể khẳng định rằng: Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 dù ngắn ngọn và khái quát, nhưng đã thể hiện rõ tính chất một Cương lĩnh văn hóa cách mạng; không chỉ định hướng về con đường đi, cách thức xây dựng nền văn hóa Việt Nam mới mà còn tạo cơ sở, nền tảng cũng như mở đường cho nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc từng bước phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; xây dựng và thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong tiến trình phát triển./.

     TS. Văn Thị Thanh Mai
         Ths. Văn Thị Thanh Hương

-------------------

(1) (2) (3) (4) (5) (6) (7) (8) (9) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2000, t.7, tr.316, 319, 319, 319, 319, 316, 316, 319, 319.

(10) (12) Hồ Chí Minh về văn hóa, Bảo tàng Hồ Chí Minh, H, 1997, tr.10, 11.

(11) Báo Cứu quốc, số 61, ngày 8/10/1945.

(13) Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2016, t.3, tr.321.

(14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.5, tr.577.

(15) Đảng Cộng sản Việt Nam: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, tr.19

(16) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.I, tr.115-116

(17) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.II, tr.336

Source: Nguồn: Tạp chí Tuyên giáo
Please enter more than 5 news to display!