Tết Nguyên đán - Bản sắc văn hóa của người Việt
Tết Nguyên đán (hay còn được gọi là Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền) là dịp lễ lớn và quan trọng nhất của người Việt Nam, ngày để mọi người đoàn tụ với gia đình, trở về quê hương và nhớ về tổ tiên. Tết diễn ra vào mùa Xuân, thời điểm kết thúc một chu kỳ bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông để bước vào một chu kỳ mới, một khởi đầu mới, nên luôn được gửi gắm nhiều ước vọng.
Thấy hoa Đào là thấy Tết về.
Tết Nguyên đán là lễ hội lớn nhất trong các lễ hội truyền thống của dân tộc Việt Nam và có ý nghĩa sâu sắc. Đó là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới, giữa một chu kỳ vận hành của đất trời, vạn vật cỏ cây. Bên cạnh đó, Tết Nguyên đán còn là dịp để hướng về cội nguồn; đó là giá trị tâm linh cũng là giá trị tình cảm sâu sắc của người Việt, trở thành truyền thống tốt đẹp.
Có thể hiểu đơn giản nguyên nghĩa của chữ "Tết" chính là "tiết". Hai chữ "Nguyên đán" có gốc chữ Hán; "Nguyên" có nghĩa là sự khởi đầu hay sơ khai và "đán" là buổi sáng sớm. Cho nên đọc đúng phiên âm phải là "Tiết Nguyên đán". Đến sau này, do sự phát triển của ngôn ngữ nên chữ “tiết” được Việt hóa thành chữ “Tết” và được gọi thành Tết Nguyên đán cho đến ngày nay.
Hàng năm, Tết Nguyên đán được tổ chức vào ngày mồng 1 tháng Giêng âm lịch. Ngày Tết có ý nghĩa vô cùng lớn lao đối với người Việt Nam. Đây không chỉ là khoảnh khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới mà còn chứa đựng nhiều ý nghĩa văn hoá, tâm linh sâu sắc. Theo quan niệm phương Đông, khoảng thời gian này đất trời có sự giao thoa và con người có thể gần gũi với thần linh.
Tương truyền, đây là dịp người nông dân có thể bày tỏ lòng tôn kính đến các vị thần linh như Thần Sấm, Thần Đất, Thần Nước, Thần Mưa, Thần Mặt Trời,... và cầu mong một năm mới mùa màng bội thu, mưa thuận gió hoà.
Ngày Tết Nguyên đán còn được coi như một “khởi đầu mới”. Là thời điểm tất cả mọi người cùng hướng đến một năm mới sung túc, an lành và gác lại những điều không may mắn trong năm cũ. Do vậy, vào những dịp Tết, gia đình nào cũng chăm chỉ dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, sắm sửa cho thật đẹp, thật sạch sẽ.
Bên cạnh những phong tục linh thiêng ngày Tết, người Việt xưa còn ăn Tết, vui Xuân bằng các hoạt động lễ hội vui tươi, lành mạnh thể hiện tình làng nghĩa xóm, đoàn kết, gắn bó cộng đồng; hình thành, vun đắp, giữ gìn văn hóa làng xã từ đời này qua đời khác.
Ngồi gói bánh chưng, trò chuyện và ôn lại kỷ niệm của một năm đã qua là hình ảnh dễ dàng bắt gặp trong mỗi gia đình dịp Tết.
Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, việc giữ gìn và trân quý những giá trị tốt đẹp của ngày Tết cổ truyền chính là góp phần phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, làm cho mọi người Việt Nam càng thêm yêu quê hương, đất nước, càng gắn bó mật thiết với gia đình, với cộng đồng, sống có trách nhiệm hơn với quá khứ, với hiện tại và cả với tương lai.
Ngày Tết của dân tộc Việt với rất nhiều ý nghĩa đặc biệt, những phong tục đẹp trong dịp Tết thể hiện truyền thống văn hóa, văn minh cần được các thế hệ sau trân trọng gìn giữ và phát huy, đặc biệt là trong thời kỳ hội nhập với thế giới hiện nay, bởi đó là linh hồn, là bản sắc độc đáo của dân tộc Việt Nam./.
- Giới thiệu chức danh và chữ ký của đồng chí Chủ tịch UBND phường Vũ Ninh (20/02/2025 16:35)
- Kỳ họp thứ 10 (chuyên đề) HĐND phường Vũ Ninh khóa XXII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 (17/02/2025 14:01)
- Tổ chức tốt Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 (17/02/2025 13:36)
- Thành ủy Bắc Ninh công bố Quyết định hợp nhất Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận Thành ủy (05/02/2025 10:11)
- Nét đẹp văn hóa lễ chùa đầu năm của người Việt (31/01/2025 15:46)
- Nét đẹp văn hóa lễ chùa đầu năm của người Việt (31/01/2025 15:46)
- Hội LHPN phường tổng kết công tác Hội và hoạt động TYM năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 (12/12/2024 07:38)
- Bắc Ninh: Tập trung huy động mọi nguồn lực, với nhiều mô hình, giải pháp thiết thực trong giảm nghèo bền vững (13/11/2024 15:05)
- Nghị quyết số 354/NQ-HĐND ngày 22/10/2024 của HĐND tỉnh Bắc Ninh (04/11/2024 14:56)
- Nghị quyết số 352/NQ-HĐND ngày 22/10/2024 của HĐND tỉnh Bắc Ninh (04/11/2024 14:48)