Kiên trì, không dừng, không nghỉ, tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng

30/09/2023 11:01 View Count: 29

Tham nhũng tiếp tục xảy ra ngay trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng (PCTN). Điều này đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục kiên trì, không dừng, không nghỉ, tăng cường công tác đấu tranh PCTN, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường nêu rõ.

Article thumbnail

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Phạm Thắng

Ngày 13/9, tiếp tục Phiên họp thứ 26, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo công tác năm 2023 của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác PCTN, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và công tác thi hành án năm 2023.

Tại báo cáo của Ủy ban Tư pháp Quốc hội thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác PCTN năm 2023 cũng chỉ rõ: “Tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp; tình trạng thông đồng, móc ngoặc, cấu kết, tiếp tay của cán bộ Nhà nước đối với doanh nghiệp để tham nhũng, trục lợi, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước còn diễn ra nhiều ở một số lĩnh vực”.

Nổi lên là các sai phạm lớn trong lĩnh vực đăng kiểm, đất đai, y tế, giáo dục, quản lý tài sản công, đấu thầu, đấu giá, trái phiếu, rửa tiền, gây bức xúc trong dư luận xã hội; tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chậm được khắc phục.

Tham nhũng tiếp tục xảy ra ngay trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có nhiệm vụ PCTN. Điều này đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục kiên trì, không dừng, không nghỉ, tăng cường công tác đấu tranh PCTN.

Số vụ nhận hối lộ được phát hiện tăng 312,5%

Nêu nhận xét của cơ quan thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, đáng chú ý, việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn được tăng cường.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường. Ảnh: Phạm Thắng 

Năm 2023, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh, các cơ quan chức năng đã tăng cường phối hợp chặt chẽ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, kiên quyết xử lý nghiêm minh các vụ án tham nhũng, cả trong khu vực Nhà nước và khu vực ngoài Nhà nước, xử lý cả cán bộ đương chức và cán bộ đã nghỉ hưu có sai phạm.

Trong năm 2023, tội phạm tham nhũng, chức vụ được phát hiện tăng 71,6% về số vụ và tăng 161,17% về số đối tượng; đặc biệt, số vụ nhận hối lộ được phát hiện tăng 312,5%.

Năm 2023 phát hiện, xử lý 893 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, tăng 71,5% so với năm 2022. Một số trường hợp cán bộ, công chức của các cơ quan bảo vệ pháp luật vi phạm các chuẩn mực xử sự về đạo đức công vụ, bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhiều hành vi tham nhũng nghiêm trọng đã được khám phá, khởi tố, điều tra để xử lý; nhiều đối tượng là lãnh đạo, nguyên là lãnh đạo các cơ quan, đơn vị làm công tác PCTN, tiêu cực bị khởi tố, điều tra về hành vi tham nhũng.

Các cơ quan điều tra đã khởi tố mới 620 vụ án/1.749 bị can; đã kết luận điều tra đề nghị truy tố 377 vụ án/997 bị can. Viện kiểm sát các cấp thụ lý giải quyết trong giai đoạn truy tố 591 vụ/1.640 bị can. Tòa án cũng đã xét xử sơ thẩm 384 vụ/849 bị cáo về các tội tham nhũng.

Khởi tố, điều tra, xử lý nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp liên quan đến cán bộ cao cấp ở địa phương như ở Quảng Ninh, Hà Nam, Đà Nẵng, Hòa Bình, Thanh Hóa, Cao Bằng...

Bên cạnh kết quả đạt được, báo cáo của Ủy ban Tư pháp cho rằng, việc thực hiện một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn có những hạn chế và đều là những hạn chế không mới, đã tồn tại kéo dài qua nhiều năm nhưng chưa có nhiều chuyển biến và Chính phủ vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để khắc phục.

Tình trạng vi phạm việc kê khai tài sản, thu nhập diễn ra còn nhiều

Cơ quan thẩm tra đánh giá, việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn vẫn còn có những hạn chế; kết quả phát hiện, xử lý các trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không trung thực còn chưa tương xứng với tình hình thực tế.

Việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, đã tiến hành xác minh tài sản, thu nhập đối với 13.093 người nhưng chỉ phát hiện, xử lý kỷ luật đối với 54 người do kê khai không trung thực; trong khi dư luận và ý kiến cử tri cho rằng tình trạng vi phạm việc kê khai tài sản, thu nhập diễn ra còn nhiều.

Tuy nhiên, đã phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không trung thực như trường hợp Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Cà Mau... Qua công tác xác minh tài sản, thu nhập ngẫu nhiên đối với 7 trường hợp tại tỉnh Bạc Liêu đã kiểm điểm rút kinh nghiệm 2 trường hợp, xử lý kỷ luật 2 trường hợp; kiểm tra việc kê khai tài sản, thu nhập tại 7 đơn vị đã phát hiện, xử lý đối với 5 cá nhân vi phạm.

Về ý kiến của các đại biểu thảo luận, đóng góp cho các báo cáo của Chính phủ đối với công tác PCTN năm 2023, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Văn Tuyến khẳng định, Bộ Công an sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến tham gia của các đại biểu. Từ nay đến Kỳ họp thứ 6, Bộ Công an sẽ cập nhật bổ sung số liệu để có bức tranh đầy đủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy cho rằng, báo cáo của Chính phủ còn chưa làm rõ một số tồn tại, hạn chế, đặc biệt trong công tác PCTN, tiêu cực, cụ thể như tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, làm việc cầm chừng, không dám làm, hiệu quả công việc còn thấp của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước.

Quy định của pháp luật trên một số lĩnh vực còn sơ hở, bất cập chậm được sửa đổi, bổ sung, có thể là điểm yếu để các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị báo cáo chỉ rõ những giải pháp cụ thể và thiết thực để khắc phục những tồn tại, hạn chế này.

Siết chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ

Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã được xây dựng một cách nề nếp, phản ánh được nhiều tình hình mới, diễn biến mới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận nội dung phiên họp. Ảnh: Phạm Thắng 

 

 

Các cơ quan đã thể hiện sự chuẩn bị nghiêm túc, công phu, có đổi mới, thực hiện đúng quy định pháp luật, đúng chức năng, nhiệm vụ và các nội dung cần báo cáo với Quốc hội theo quy định của Luật Hoạt động giám sát và các luật có liên quan.

Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, bảo đảm PCTN, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực quản lý tài sản công, đấu thầu, đấu giá, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, “tham nhũng vặt”, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Siết chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Chỉ đạo rà soát, chấn chỉnh, khắc phục ngay những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao tiếp thu đầy đủ các ý kiến đã nêu tại phiên họp, tục hoàn chỉnh báo cáo, cập nhật đủ số liệu 12 tháng tính từ 1/1/2022 đến 30/9/2023 để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp sắp tới.

Qua kết quả điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp như: Vụ chuyến bay giải cứu, các vụ án liên quan đến lĩnh vực đăng kiểm, AIC… Ủy ban Tư pháp đề nghị các cơ quan hữu quan đánh giá rõ hơn về nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, rút ra các bài học kinh nghiệm, từ đó chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội để phòng ngừa, ngăn chặn các vụ việc tương tự.