Phó Tổng Thanh tra làm rõ số cán bộ bị xử lý do kê khai tài sản, thu nhập không trung thực

29/09/2023 10:54 View Count: 18

Phó Tổng Thanh tra Bùi Ngọc Lam khẳng định, báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023 nêu 54 cán bộ bị xử lý do kê khai tài sản, thu nhập và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm không trung thực là “đầy đủ nhất”.

Article thumbnail

Phó Tổng Thanh tra làm rõ số liệu cán bộ bị xử lý do kê khai tài sản, thu nhập không trung thực. Ảnh: Đ.X

Ngày 6/9, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 10, thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2023.

Số cán bộ kê khai tài sản không trung thực bị xử lý có “chênh lệch rất lớn”?

Một trong những kết quả đáng chú ý, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn được thực hiện tích cực, nghiêm túc.

Theo số liệu, vào cuối năm 2022, đã có 60.458 người kê khai tài sản, thu nhập lần đầu; 545.535 người kê khai tài sản, thu nhập hằng năm; 44.015 người kê khai bổ sung; 161.928 người kê khai tài sản thu nhập phục vụ công tác cán bộ; 655.299 người đã được công khai bản kê khai tài sản thu nhập.

Chính phủ cho hay, từ ngày 8/2/2022 đến ngày 30/4/2023, các cơ quan có thẩm quyền đã tiến hành xác minh tài sản, thu nhập 13.093 người; có 2.664 người có sai sót về kê khai sai mẫu, chưa bảo đảm theo hướng dẫn, không đầy đủ thông tin, chậm thời hạn so với quy định….

Đặc biệt, các cơ quan đã xử lý 54 người do không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm (xóa tên khỏi danh sách ứng cử; kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo; kỷ luật bằng hình thức cách chức…).

“Việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn được tăng cường; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, kể cả đối tượng là lãnh đạo quản lý cấp cao ở địa phương”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường nêu ý kiến của nhóm nghiên cứu.

Minh chứng là trường hợp Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Cà Mau... bị xử lý kỷ luật vì kê khai tài sản thu nhập không trung thực.

Hoặc tại tỉnh Bạc Liêu, qua công tác lựa chọn ngẫu nhiên xác minh tài sản, thu nhập với 7 trường hợp, cơ quan chức năng đã kiểm điểm rút kinh nghiệm 2 trường hợp, xử lý kỷ luật 2 trường hợp; qua kiểm tra việc kê khai tài sản thu nhập tại 7 đơn vị đã phát hiện, xử lý 5 cá nhân vi phạm.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu lưu ý, số liệu phát hiện, xử lý các trường hợp kê khai không trung thực còn có sự “chênh lệch rất lớn” giữa các báo cáo của Chính phủ.

Nhóm nghiên cứu dẫn chứng theo báo cáo của Chính phủ, số liệu tổng hợp của quý IV/2022 và 6 tháng đầu năm 2023 có 54 người bị xử lý do kê khai tài sản, thu nhập không trung thực. Tuy nhiên, theo Báo cáo số 352 ngày 21/7/2023 của Chính phủ thì số liệu tổng hợp của năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 chỉ có 5 người bị xử lý kỷ luật do kê khai tài sản, thu nhập không trung thực.

Khẩn trương xây dựng Đề án Cơ sở dữ liệu Quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập

Giải trình, làm rõ số liệu chênh lệch này, Phó Tổng Thanh tra Bùi Ngọc Lam cho hay, năm 2023, lần đầu tiên thực hiện quy chế phối hợp trong việc kiểm soát tài sản, thu nhập.

Theo quyết định của Bộ Chính trị ban hành năm 2022, các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập báo cáo vào ngày 15 hàng năm. Báo cáo số 352, số liệu cập nhật đến ngày 15/5.

“Việc chấp hành chế độ báo cáo cũng chưa thực sự đi vào nề nếp. Một số cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập báo cáo chưa kịp thời, đầy đủ”, Phó Tổng Thanh tra nêu thực tế.

Để chuẩn bị báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2023, Thanh tra Chính phủ đã có văn bản đôn đốc các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập kịp thời tổng hợp báo cáo đến ngày 30/6.

“Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2023 là số liệu đầy đủ nhất. Vì đã tập hợp tất cả kết quả xử lý các trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, bao gồm ở tất cả các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập trong bộ máy Nhà nước và cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị”, Phó Tổng Thanh tra khẳng định.

Ông Bùi Ngọc Lam cũng giải trình làm rõ một số yêu cầu của Quốc hội liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng mà Chính phủ chưa hoàn thành.

Theo ông, thực hiện nhiệm vụ Quốc hội giao, Chính phủ đã giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, tham mưu ban hành bộ tiêu chí đánh giá công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực với bộ, ngành Trung ương.

Thanh tra Chính phủ đã xây dựng thí điểm, ban hành bộ tiêu chí đánh giá ở 3 bộ: Công thương, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo.

“Đến nay, công tác thí điểm đã cơ bản hoàn thành. Thanh tra Chính phủ đang tổng hợp kết quả chung, trên cơ sở đó xây dựng, đề xuất Chính phủ ban hành bộ tiêu chí đánh giá công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở các bộ”, theo lời ông Bùi Ngọc Lam.

Cạnh đó, Thanh tra Chính phủ đã hoàn thiện Dự thảo Chiến lược quốc gia về phòng chống tham nhũng đến năm 2030 và kế hoạch thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng và đã trình Chính phủ.

Chiến lược này sẽ sớm được bàn hành trong thời gian tới, ông Bùi Ngọc Lam nhấn mạnh.

Phó Tổng Thanh tra cũng cho biết, Thanh tra Chính phủ đang khẩn trương xây dựng Đề án Cơ sở dữ liệu Quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Với các ý kiến của đại biểu và kiến nghị của nhóm nghiên cứu, Phó Tổng Thanh tra đồng tình và xin tiếp thu để hoàn thiện báo cáo, trình Quốc hội.

H