Ghi nhận qua chuyển dịch cơ cầu kinh tế nông nghiệp ở Từ Sơn
Theo báo của phòng Kinh tế thị xã tính đến hết năm 2013 giá trị sản xuất nông nghiệp của thị xã Từ Sơn đạt trên 166 tỷ đồng, đạt 117,7 % so với kế hoạch 2015 đề ra, trong đó trồng trọt chiếm 35,8%, chăn nuôi thuỷ sản chiếm 57,5% dịch vụ chiếm 6,7%. Riêng giá trị sản xuất trồng trọt đạt 132,4 triệu đồng /ha/năm, tăng 7 triệu đồng so với năm 2012. Năm 2013 diện tích cấy lúa của Từ Sơn giảm hơn so với năm 2012 gần 140 ha, song giá trị sản xuất trồng trọt vẫn tăng 1,3% so với năm 2012. Để đảm bảo nâng cao thu nhập trong sản xuất thị xã đã chỉ đạo các xã, phường và các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp khuyến khích nông dân đưa các giống lúa lai cho năng xuất chất lượng cao vào sản xuất và mở rộng diện tích lúa nếp hàng hoá vì các giống lúa nếp có giá trị kinh tế cao gấp 2 đến 2,5 lần lúa tẻ, bởi vậy năm 2013 toàn thị xã đã gieo cấy được trên 2.347 ha lúa nếp, chiếm gần 47% tổng diện tích cấy lúa của thị xã, diện tích lúa lai tuy giảm hơn so với năm 2012 song vẫn chiếm trên 16% diện tích do đó giá trị thu nhập từ lúa của thị xã vẫn đạt 56,8 triệu đồng /ha.
Cùng với đó, trong sản xuất rau màu, thị xã chỉ đạo các xã, phường khuyến khích nông dân tranh thủ diện tích đất canh tác sau khi thu hoạch xong lúa mùa tập trung gieo trồng cây vụ đông, đồng thời đưa các cây trồng ngắn ngày như khoai tây, xu hào, cải bắp, hành tỏi, cà chua vv….vào gieo trồng, đồng thời quy hoạch và mở rộng diện tích sản xuất rau theo hướng an toàn. Năm 2013 toàn thị xã đã duy trì được 15 ha rau an toàn ở Tân Hồng, Trang Hạ và Đình Bảng đến nay đã phát triển được 20 ha. Do được tập huấn, tham quan học tập các mô hình và được hướng dẫn chuyển giao KHKT thường xuyên nên nhiều hộ nông dân đã lựa chọn những cây rau màu phù hợp cho hiệu quả kinh tế cao, qua đánh giá thu nhập từ trồng rau đạt từ 90,6 đến 254 triệu đồng /ha /năm cao gấp 3,5 đến 9,7 lần so với cấy lúa.
Bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở Từ Sơn là diện tích hoa cây cảnh phát triển đáng kể, hiện nay toàn thị xã có khoảng trên 110 ha diện tích canh tác đang trồng hoa cây cảnh, tập trung chủ yếu ở các xã phường Đình Bảng, Phù Khê, Trang Hạ. Giá trị của trồng hoa cây cảnh cao hơn rất nhiều lần số với trồng lúa và trồng rau. Ước tính thu nhập từ trồng hoa cây cảnh có thể đạt 300 triệu đồng/ ha / 1 năm. Theo ông Đỗ Viết Thành - chủ nhiệm hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đình Bảng, với kinh nghiệm nhiều năm công tác ở hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp ông cho biết: “ Để nâng cao thu nhập cho nông dân thì việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng là rất quan trọng, đối với Đình Bảng cây hoa đào hiện là chủ lực của địa phương, năm 2013 toàn phường trồng 30 ha hoa đào, chủ trương trong năm 2014 này Đình Bảng tiếp tục mở rộng thêm 15 ha, nâng tổng số diện tích trồng đào của địa phương lên 45 ha. Sở dĩ Đình Bảng tiếp tục mở rộng diện tích trồng đào là do trồng đào cho thu nhập rất cao có thể đạt từ 270 đến 410 triệu đồng /ha /năm, gấp từ 10 đến 16 lần so với cấy lúa”. Ngoài cây hoa đào ra các cây hoa khác cũng có thể cho thu nhập từ 200 đến 300 triệu đồng.
Trong chăn nuôi thị xã đã hướng cho nông dân tập trung chuyển chăn nuôi gia súc từ nhỏ lẻ trong dân cư sang chăn nuôi trang trại tập trung và áp dụng phương pháp chăn nuôi công nghiệp hoặc bán công nghiệp thay thế dần cho các phương pháp chăn nuôi truyền thống, còn chăn nuôi gia cầm thì chuyển hướng từ nuôi lấy thịt sang nuôi lấy trứng cho giá trị kinh tế cao hơn. Hiện nay thị xã còn có 184 ha diện tích nuôi trồng thuỷ sản, trong đó trên 100 ha diện tích mặt nước nuôi tự nhiên và 84,4 ha diện tích ruộng trũng được chuyển đổi sang nuôi trồng thuỷ sản, nhằm tận dụng diện tích ruộng trũng cấy lúa thu nhập thấp đẻ nuôi trồng thuỷ sản cho thu nhập cao hơn, trong năm qua sản lượng thuỷ sản của thị xã ước đạt 1.260 tấn, giá trị từ chăn nuôi của thị xã ước đạt trên 85 tỷ đồng, chiếm 51,3% tổng giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Có thể nói chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở Từ Sơn đã thực sự đem lại hiệu quả cao trong sự phát triển của nền kinh tế ở địa phương. Đảm bảo đáp ứng nhu cầu về lương thực, thực phẩm và nhu cầu thiết yếu của con người trong đời sống hiện nay.
Tuy Nhiên, hiện nay công tác chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn còn gặp không ít khó khăn, để công tác chuyển dịch CCKTNN tiếp tục được đẩy mạnh đòi hỏi các cấp chính quyền từ Thị xã đến cơ sở phải tăng cường có những giải pháp thiết thực từ các khâu quy hoạch diện tích canh tác, đến công tác tuyên truyền, áp dụng KHKT, đồng thời có chính sách hỗ trợ nông nghiệp đảm bảo phù hợp, tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn có như vậy mới tạo tiền đề cho kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững đảm bảo môi trường sinh thái và ổn định đời sống cho nông dân góp phần hoàn thành mục tiêu nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XVI đã đề ra./.
Châu Loan – Đài Từ Sơn