Ngô Gia Tự - Bí thư đầu tiên của Xứ ủy Nam kỳ

14/05/2014 04:02 View Count: 54
              Ngô Gia Tự sinh ngày 3-12-1908 tại làng Tam Sơn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. ( Nay là xã Tan Sơn, TX Từ Sơn, Bắc Ninh). Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, anh là một học trò rất giỏi. Ngay những giáo sư Pháp khó tính của trường Bưởi cũng phải chịu nhận Ngô Gia Tự là người học trò thông minh xuất sắc.

           Khác với người anh trai là Ngô Gia Lễ học hành để làm quan, Ngô Gia Tự đã giác ngộ cách mạng nên xác định học hành để có thêm kiến thức phục vụ công cuộc giải phóng dân tộc. Ngô Gia Tự đã hăng hái gia nhập tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội và giữa năm 1927, được Kỳ bộ Bắc kỳ chỉ định vào Tỉnh bộ Bắc Ninh để gây dựng cơ sở ở địa phương. Năm 1928, Ngô Gia Tự được đưa về hoạt động tại Kỳ bộ Bắc kỳ. Sau đó thực hiện chủ trương “vô sản hóa” Ngô Gia Tự đã vào Sài Gòn làm phu đẩy xe than, làm công nhân khuân vác ở các bến tàu. Qua công việc, anh đã giác ngộ được nhiều công nhân lao động về con đường cách mạng. Qua thực tế, Ngô Gia Tự thấy rằng ở trong nước cần thiết phải có một đảng cộng sản để lãnh đạo phong trào. Vì thế, Ngô Gia Tự lại ra Bắc cùng một số đồng chí khác chuẩn bị thành lập Đảng cộng sản. Ngô Gia Tự đã cùng một số đồng chí khác thành lập Chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên vào tháng 3-1929 ở số nhà 5D phố Hàm Long (Hà Nội).

         Một tháng sau, số đồng chí cộng sản đã phát triển động và phong trào đấu tranh ngày càng lên mạnh. Ngày 25-8-1929, cuộc bãi công của hơn 200 công nhân Hãng Avia ở Hà Nội nổ ra. Ngô Gia Tự đã đến gặp và nói chuyện với công nhân, kêu gọi anh em đoàn kết trong tranh đấu và uốn nắn các hành động thái quá của cuộc bãi công. Cuộc bãi công kéo dài đến 10-6-1929 và bọn chủ phải nhượng bộ.

           Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam (sau đổi thành Đảng Cộng sản Đông Dương) được thành lập, Ngô Gia Tự được bầu làm Bí thư Chấp ủy lâm thời của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ở Nam kỳ. Dưới sự lãnh đạo của Bí thư Xứ ủy Ngô Gia Tự, Đảng bộ đã chọn nhà máy Ba Son, đồn điền Phú Riềng, xã Vĩnh Kim (Mỹ Tho) làm cơ sở phát triển cách mạng. Đồng chí Ngô Gia Tự đã thay mặt Xứ ủy công nhận Chi bộ Đảng đầu tiên được thành lập ở Vĩnh Kim. Trên cương vị của mình, đồng chí thường đi xuống cơ sở mở lớp ngắn ngày để hướng dẫn cho đảng viên về xây dựng Đảng, xây dựng cơ sở...

 

Công việc đang tiến hành thì cuối năm 1930, đồng chí Ngô Gia Tự bị bắt. Tên chánh mật thám Đông Dương hí hửng vào ngay Sài Gòn, hết tra tấn lại dụ dỗ, đồng chí bị đánh chết đi sống lại nhiều lần, nhưng vẫn đanh thép và bất khuất trước quân thù. Đồng chí nhắn nhủ mọi người: “Chúng mình phải chịu đựng, phải hy sinh tất cả cho Đảng, sinh mệnh của Đảng quý hơn sinh mệnh của mình”. Sau hơn 2 năm bị giam giữ, ngày 2-5-1933, thực dân Pháp đưa đồng chí Ngô Gia Tự cùng các đồng chí Phạm Hùng, Lê Văn Lương và nhiều đồng chí khác ra phiên tòa “đại hình đặc biệt”. Đồng chí Ngô Gia Tự cùng các đồng chí khác đã biến phiên tòa thành diễn đàn lên án đế quốc Pháp và bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng. Ngô Gia Tự bị kết án chung thân đày ra Côn Đảo. Ở Côn Đảo, đồng chí tiếp tục lãnh đạo tù nhân đấu tranh với bọn cai ngục, tổ chức học tập và củng cố tổ chức của Đảng trong nhà tù. Ngô Gia Tự thường nói với các bạn tù: “Không thể ngồi khoanh tay chịu chết, không thể để cho quân thù muốn làm gì thì làm. Phải đấu tranh mà giành lấy quyền sống còn”.

             Vào một đêm tháng giêng năm 1935, chi bộ nhà tù tổ chức cho đồng chí Ngô Gia Tự cùng một số người khác vượt ngục Côn Đảo. Đáng tiếc thay, các đồng chí đã mất tích giữa biển cả. Năm ấy, đồng chí Ngô Gia Tự mới 27 tuổi. Đảng ta, Đảng bộ Nam kỳ và đồng bào đồng chí nhớ mãi Ngô Gia Tự - vị Bí thư Xứ ủy Nam kỳ đầu tiên, kiên cường bất khuất.
           Ban Văn nghệ, Đài Truyền hình Việt Nam vừa sản xuất thành công vở diễn Sân khấu Truyền hình, “Gương sáng chung soi”. Tác giả kịch bản Thượng Luyến, Biên tập Lương Tử Đức, Đạo diễn sân khấu Lê Thanh Tùng, Đạo diễn Truyền hình Quốc Bình, Âm nhạc Bùi Đoàn Hoà, Thiết kế Mỹ thuật, Quách Trường Sơn, vở diễn do Nhà hát Chèo Việt Nam thể hiện.

        Câu chuyện kịch bắt đầu sau phiên Toà Nam án Bắc Ninh ngày 8 tháng 3 năm 1930, xử tử hình vắng mặt đồng chí Ngô Gia Tự. Lúc đó, để tránh tai mắt kẻ thù, tổ chức đã phân công đồng chí vào Nam kỳ hoạt động, xây dựng cơ sở cách mạng. Với vai trò Bí thư Xứ uỷ, đồng chí Ngô Gia Tự chỉ đạo phát triển cơ sở Đảng ở nông thôn, phát động chống sưu cao, thuế nặng, xây dựng cơ sở Đảng trong nghiệp đoàn, nhà máy, tổ chức công nhân tranh đấu đòi giảm giờ làm, tăng tiền lương cho người lao động và xây dựng các đội xích vệ chống địch đàn áp, được quần chúng tin yêu ủng hộ. Đêm 31 tháng 5 năm 1931, trong một cuộc họp với lãnh đạo các cơ sở Đảng tại An Phú bên sông Thị Nghè, để nắm bắt phong trào phát triển và phân phát truyền đơn tuyên truyền chống giặc ngoại xâm. Sự hoạt động tích cực của đồng chí Ngô Gia Tự đã làm cho bọn mật thám điên cuồng và tổ chức truy tìm, bao vây ngôi nhà của đồng chí Ngô Gia Tự. Khi chúng ập vào nhà, chúng đã bắt được đồng chí Ngô Gia Tự và những lá truyền đơn, cùng tài liệu tuyên truyền của Đảng Cộng sản. 
           Trong nhà tù thực dân đế quốc, chúng tra tấn hết sức dã man nhưng đồng chí Ngô Gia Tự, không khai nửa lời. Bọn cai ngục đã sử dụng tù côn đồ, để mượn tay sát hại Ngô Gia Tự song tất cả đều vô hiệu. Ngô Gia Tự đã cảm hoá được họ và chính họ đã trở thành người lương thiện. Đó là, kết quả của việc biến nhà tù đế quốc thành trường học tuyên truyền Chủ nghĩa Cộng sản. Bất lực trước ý chí sắt thép của Ngô Gia Tự, địch đã đầy đồng chí ra Nhà tù Côn Đảo. Ở đây, Ngô Gia Tự,  tiếp tục tổ chức đấu tranh chống chế độ nhà tù hà khắc, buộc cai ngục phải nhượng bộ. Tháng 11 năm 1934, Đảng uỷ nhà tù Côn Đảo tổ chức cho Ngô Gia Tự và một số chiến sĩ Cộng sản vượt ngục trở về với đất liền tiếp tục hoạt động cách mạng.


Vở diễn bố cục 6 cảnh. Cảnh 1: Chia ly đôi  ngả ; Cảnh phụ ; Cú vọ rình mò ; Cảnh 2 : Lửa thù rực cháy ; Cảnh 3 : Sa lưới ; Cảnh 4 : Cảm hoá; Cảnh  5 : Bất khuất ; Cảnh 6 : Cánh buồm mở hướng. Với mỗi cảnh, Đạo diễn Lê Thanh Tùng, đều khai thác triệt để hành động kịch, cùng ý tưởng nghệ thuật của tác giả và không ngừng sáng tạo, làm cho vở diễn bay bổng , hấp dẫn. Nghệ sĩ Tuấn Tài, thể hiện khá thành công hình tượng đồng chí Ngô Gia Tự, một người đôn hậu, vị tha, kiên cường trước kẻ thù, chiến sĩ Cộng sản lỗi lạc, là gương sáng về đạo đức cách mạng.
            Vở diễn “Gương sáng chung soi” , được tác giả kết hợp nhuần nhuyễn các yếu tố tình yêu, văn hoá , chính trị cộng với sự sáng tạo của các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Việt Nam, đã làm nên vở diễn đồ sộ, hấp dẫn. Đây là công trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 102 năm ngày sinh đồng chí Ngô Gia Tự (03 /12), chào mừng Đại hội  lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam. Vở diễn sẽ phát trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam trong thời gian tới.

Nguyễn Thị Nga
Source: BBN