Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao mô hình 'Tỉnh an toàn giao thông' đầu tiên trên cả nước tại tỉnh Bắc Ninh

22/09/2024 17:35 View Count: 10

Sáng 22/9, trong chương trình công tác tại Bắc Ninh, tại Trung tâm Thông tin chỉ huy Công an tỉnh, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị sơ kết 01 năm xây dựng "Tỉnh an toàn giao thông" do Tỉnh ủy Bắc Ninh và Đảng ủy Công an Trung ương phối hợp tổ chức.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự Hội nghị sơ kết 01 năm xây dựng "Tỉnh an toàn giao thông" do Tỉnh ủy Bắc Ninh và Đảng ủy Công an Trung ương phối hợp tổ chức.

Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn, lãnh đạo Bộ Công an, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, tỉnh Bắc Ninh, lãnh đạo công an một số địa phương.

Năm 2023, thực hiện chủ trương của Đảng ủy Công an Trung ương về xây dựng "Tỉnh an toàn giao thông (ATGT)", Tỉnh ủy Bắc Ninh đã ban hành Nghị quyết, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch về xây dựng "Tỉnh ATGT".

Các mục tiêu chính là: Thay đổi diện mạo tình hình trật tự ATGT; lấy con người làm trung tâm, là trọng tâm, là chủ thể, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản khi tham giao thông; khơi dậy niềm tự hào, hình thành đặc trưng "Văn hóa giao thông" của người Bắc Ninh; khắc phục triệt để các bất cập trong tổ chức giao thông, quản lý chặt chẽ hoạt động vận tải, đào tạo lái xe, kiểm định phương tiện; ứng dụng triệt để công nghệ trong xử lý vi phạm giao thông.

Theo báo cáo, qua 01 năm triển khai thực hiện, các mục tiêu cơ bản trong xây dựng "Tỉnh ATGT" đã hoàn thành (30 nhiệm vụ hoàn thành; 27 nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài), trong đó an ninh trật tự được giữ vững; cả hệ thống chính trị đã thực sự vào cuộc quyết liệt; cấp ủy, chính quyền, nhân dân đồng tình ủng hộ và đánh giá cao.

Nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật tham gia giao thông chuyển biến rõ nét, bước đầu hình thành thói quen, văn hóa giao thông của người Bắc Ninh. Cán bộ, đảng viên, giáo viên đã thực hiện vai trò gương mẫu, đi đầu trong xây dựng "Tỉnh ATGT", tỉ lệ đảng viên vi phạm rất thấp (Đài truyền hình tỉnh hàng tuần chạy chữ thông báo đảng viên, cán bộ, công chức vi phạm). Đặc biệt, tai nạn giao thông giảm sâu (giảm 16% số vụ, 20% số người chết, 19% người bị thương).

Cùng với đó, bộ mặt trật tự ATGT của tỉnh chuyển biến tích cực. Tổ chức giao thông được rà soát kỹ lưỡng, các điểm đen, tiềm ẩn tai nạn giao thông được xử lý 100%; lắp 100% gờ, gồ giảm tốc từ ngõ ra đường (lắp thêm 6.010 điểm). Hạ tầng giao thông được tăng cường, nhiều công trình trọng điểm được quyết liệt đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành; một số bất cập tồn tại nhiều năm đã được khắc phục.

Triển khai chuyển đổi trạng thái của lực lượng cảnh sát giao thông từ thủ công sang ứng dụng công nghệ. Công tác tuần tra, xử lý vi phạm tăng cao so với trước khi thực hiện Tỉnh ATGT. Xử phạt 45.401 trường hợp, với số tiền 103,5 tỷ (tăng 101% so với trước khi xây dựng Tỉnh ATGT). Riêng xử phạt nồng độ cồn 15.067 trường hợp (tăng 146%), xử phạt tốc độ 5.654 trường hợp, tăng hơn 05 lần. Trên địa bàn không có xe cơi nới thành thùng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị sơ kết 1 năm xây dựng "Tỉnh an toàn giao thông”.

Những kết quả trên có thể khẳng định việc xây dựng "Tỉnh ATGT" là một chủ trương đúng đắn, kịp thời, có ý nghĩa quan trọng đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT nói riêng và sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh nói chung, được các cấp, các ngành và nhân dân ghi nhận, đồng tình ủng hộ và đánh giá cao.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ như cấp kinh phí đào tạo, sát hạch bằng lái xe cho toàn bộ công nhân tại các khu công nghiệp trên địa bàn; đồng thời sẵn sàng chuyển giao kinh nghiệm cho các địa phương khác. Sau mô hình "Tỉnh ATGT", tỉnh cũng dự kiến sẽ triển khai mô hình tỉnh an toàn phòng cháy chữa cháy.  

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn báo cáo tóm tắt 1 năm xây dựng Tỉnh an toàn giao thông.

Thủ tướng cũng tham quan, nghe báo cáo về Trung tâm Thông tin chỉ huy Công an tỉnh Bắc Ninh được đầu tư theo mô hình của Trung tâm giám sát cấp 2 theo quy định tại Thông tư số 75 của Bộ Công an quy định về Hệ thống giám sát. Đây là một Trung tâm mẫu, thí điểm cho cả nước, điều phối hoạt động tổng hợp, với nhiều tính năng nổi bật.

Trung tâm Thông tin chỉ huy Công an tỉnh Bắc Ninh do Tổng công ty Công nghệ - Viễn thông Toàn cầu (Gtel), doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh của Bộ Công an, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, Công an tỉnh Bắc Ninh, nghiên cứu phát triển và làm chủ công nghệ, số hóa toàn bộ quy trình nghiệp vụ của các lực lượng Công an tỉnh trên môi trường số. Đây là một nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện chuyển đổi số của Bộ Công an góp phần xây dựng lực lượng Công an thực sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Thủ tướng hoan nghênh và đánh giá cao sáng kiến của Bộ Công an về triển khai thí điểm mô hình "Tỉnh an toàn giao thông" .

Làm thay đổi bộ mặt trật tự an toàn giao thông của tỉnh

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh an toàn giao thông là một nội dung quan trọng trong nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn xã hội và là vấn đề liên quan đến mọi người, mọi nhà.

Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm, đã ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả nhiều chủ trương, đường lối, cơ chế, chính sách bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, xây dựng xã hội an toàn. Các quy định, hướng dẫn và chế tài về bảo đảm an toàn giao thông không ngừng được hoàn thiện.

Với đột phá chiến lược về hạ tầng được triển khai quyết liệt, hệ thống hạ tầng giao thông được đầu tư ngày càng hiện đại và đồng bộ hơn, bên cạnh những tác động, hiệu quả tích cực thì cũng phát sinh thêm nhiều vấn đề phức tạp, đặt ra những yêu cầu mới với công tác quản lý.

Lãnh đạo Bộ Công an trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an cho các tập thể đạt thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng Tỉnh an toàn giao thông.

Văn hóa giao thông và ý thức chấp hành pháp luật an toàn giao thông được chú trọng xây dựng, góp phần quan trọng thay đổi thái độ, hành vi tự giác của người tham gia giao thông. Các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền với quy mô lớn, tạo được dấu ấn và sự quan tâm của xã hội.

Tất cả những nỗ lực đó đã góp phần làm giảm tai nạn giao thông trên cả nước. Năm 2023, tai nạn giao thông được kéo giảm so với cùng kỳ năm 2022 về số vụ và số người chết.

Trong 8 tháng đầu năm 2024, tai nạn giao thông tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm 2023, ùn tắc giao thông được kiểm soát tốt và giảm trên 65%; số vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện vi phạm quy định nồng độ cồn trong các dịp cao điểm giảm sâu so với các năm trước; tình hình vi phạm về chở quá tải trọng xe, vi phạm về cơi nới thành, thùng xe đã được xử lý một cách căn bản. Các hành vi vi phạm giao thông được xử lý nghiêm minh, không có ngoại lệ, không có vùng cấm.

Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới vào quản lý trật tự, an toàn giao thông, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn, an dân, trong xu thế chung về ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo trong các hoạt động kinh tế-xã hội nói chung. Mặt khác, Bắc Ninh là địa bàn rất phù hợp việc này với nhiều yếu tố như về diện tích, dân số, truyền thống văn hóa-lịch sử, trình độ phát triển kinh tế-xã hội…

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn trao Bằng khen của Tỉnh cho các tập thể đạt thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng Tỉnh an toàn giao thông.

Thủ tướng hoan nghênh và đánh giá cao sáng kiến của Bộ Công an về triển khai thí điểm mô hình "Tỉnh an toàn giao thông". Là địa phương đầu tiên được Bộ Công an lựa chọn thí điểm xây dựng mô hình này, tỉnh Bắc Ninh đã triển khai mô hình này với cách làm, bước đi phù hợp với bối cảnh, tình hình, điều kiện cụ thể trên địa bàn, đạt những kết quả tích cực, làm thay đổi bộ mặt trật tự an toàn giao thông của tỉnh, góp phần bảo vệ cuộc sống bình an của nhân dân.

Nổi bật là nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông của người dân có chuyển biến rõ nét, bước đầu hình thành thói quen, văn hóa giao thông của người Bắc Ninh. Công tác quản lý nhà nước được tăng cường; kết cấu hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư. Trật tự công cộng được xử lý quyết liệt, tạo bộ mặt đường phố, lòng đường, vỉa hè thông thoáng, an toàn. Tai nạn giao thông giảm sâu.

Thủ tướng ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao nỗ lực và những kết quả quan trọng đã đạt được của Bộ Công an, các bộ, ngành, địa phương trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông thời gian qua; trong đó có những thành tích nổi bật từ mô hình "Tỉnh ATGT" tại Bắc Ninh.

Trung tâm Thông tin chỉ huy Công an tỉnh Bắc Ninh do Tổng công ty Công nghệ - Viễn thông Toàn cầu (Gtel), doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh của Bộ Công an, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, Công an tỉnh Bắc Ninh, nghiên cứu phát triển và làm chủ công nghệ.

Nghiên cứu, nhân rộng mô hình

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn nhận công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông vẫn còn nhiều thách thức; ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn còn lớn; tai nạn giao thông ở nước ta tuy đã giảm nhưng vẫn là vấn đề nhức nhối.

Thủ tướng chỉ ra một số bài học kinh nghiệm quan trọng: Công tác bảo đảm an toàn giao thông phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc của hệ thống chính trị, sự tham gia của toàn dân; chính sách phải hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể, người dân tham gia và hưởng thụ thành quả của an toàn giao thông; có hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại, từng bước được nâng cấp; quản lý phải thông minh, thuận lợi, lực lượng cảnh sát giao thông ít phải ra đường; làm tốt công tác tuyên truyền để thấm sâu vào mỗi người dân, chú trọng giáo dục ý thức giao thông cho học sinh ngay từ khi còn nhỏ; với những việc mới thì vừa làm vừa thí điểm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.

Thủ tướng nhấn mạnh, an toàn giao thông là hạnh phúc cho mọi nhà. Đại hội XIII của Đảng đã xác định "Chú trọng an ninh, an toàn là một trong những yếu tố hàng đầu trong cuộc sống của người dân". Trong đó, an toàn giao thông là vấn đề quan trọng được toàn xã hội quan tâm và các cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng chức năng đảm bảo.

Việc thí điểm xây dựng mô hình "Tỉnh an toàn giao thông" có ý nghĩa quan trọng trên nhiều khía cạnh về cả kinh tế, xã hội, trật tự an toàn giao thông; nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kiến thức, văn hoá và kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho người dân.

Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương phát huy những kết quả đạt được, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, tập trung triển khai hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm.

Theo đó, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu và tích cực vận động người thân, gia đình và nhân dân thực hiện quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Cùng với đó, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo đảm trật tự an toàn giao thông gắn với bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh và phát triển con người. Triển khai hiệu quả Luật Giao thông đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm về bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Đổi mới, đa dạng hóa nội dung, hình thức, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về trật tự an toàn giao thông phù hợp, hấp dẫn với từng nhóm đối tượng.

Tập trung nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm sự đồng bộ, liên thông, kết nối hài hoà các phương thức giao thông vận tải. Nâng cao năng lực quản lý, điều hành, phối hợp các lực lượng trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông; kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan bảo đảm trật tự an toàn giao thông tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Thủ tướng đề nghị sau hội nghị, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục tổng kết, hoàn thiện mô hình "Tỉnh ATGT", các cơ quan nghiên cứu, tính toán, triển khai nhân rộng xây dựng mô hình với lộ trình, bước đi, cách làm phù hợp tình hình, điều kiện của đất nước nói chung và các địa phương nói riêng, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội, mang lại hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của nhân dân, khi người dân thấy có lợi ích thiết thực thì sẽ tự nguyện, tích cực hưởng ứng, mục tiêu là tất cả các tỉnh, thành phố đều là tỉnh an toàn giao thông.