Phát huy hiệu quả các thư viện trên địa bàn huyện
Trong những năm gần đây, nhận thức của xã hội về vấn đề đọc sách và phát triển văn hóa đọc trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến tích cực. Hơn nữa, người dân cũng dần có xu hướng chọn lựa sách báo chất lượng và phù hợp với nhu cầu học tập, nghiên cứu, công tác chuyên môn, lao động, sản xuất và giải trí để đọc. Có được kết quả đó là do sự thay đổi tích cực cả vệ cơ sở vật chất cũng như nội dung phụ vụ bạn đọc của các thư viện trên địa bàn huyện.
Chỉ với một không gian chừng hơn 20m2 trong khuôn viên của nhà văn hóa thôn, nhưng thư viện Đại Mão, xã Hoài Thượng (Thuận Thành) luôn có đông đảo bạn đọc đến tìm mượn sách để nghiên cứu, giải trí. Đa phần là học sinh của trường Tiểu học, THCS Hoài Thượng và các cán bộ, giáo viên, hưu trí, người cao tuổi…Được thành lập năm 2013, đều đặn mở cửa một tuần 3 buổi vào chiều thứ Ba, thứ Năm và thứ Bảy, thư viện đã góp phần quan trọng vào việc phát triển văn hóa đọc tại vùng quê thuần nông này. Ông Lê Nho Thu chủ nhiệm thư viện thôn Đại Mão xã Hoài Thượng cho biết: “ Đến nay, thư viện đã tích lũy được hơn 2.000 đầu sách, gần 30 đầu báo, tạp chí cùng một dàn máy vi tính có kết nối internet. Để có được nguồn sách, ông Ban chủ nhiệm Thư viện và chính quyền địa phương đã vận động quyên góp, tài trợ ở nhiều nơi, như: Từ thư viện tỉnh, thư viện huyện đến các cá nhân, tập thể, con em địa phương công tác ở xa…Sách báo ở đây rất đa dạng, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như: chính trị, khoa học, y tế, lịch sử, tôn giáo, văn học, sách tham khảo, sách thiếu nhi, sách về Bác Hồ…”
Phát triển văn hóa đọc là một trong những động lực thúc đẩy sự hình thành nên con người mới, những công dân có hiểu biết, có trí tuệ để có thể thích ứng với sự phát triển của xã hội hiện đại. Bởi vậy, để tạo cho các em học sinh có được thói quen tiếp xúc hàng ngày với tri thức mới qua những trang sách, thì việc xây dựng không gian văn hóa đọc trong trường học là hết sức quan trọng. Ý thức được điều đó, ngành Giáo dục và Đào tạo, cũng các nhà trường trên địa bàn tỉnh đã có những phương pháp tổ chức thiết thực để khơi dậy văn hóa đọc trong học sinh, trong đó đặc biệt được chú trọng là việc phát triển và đổi mới hệ thống thư viện học đường. Thầy giáo Nguyễn Hà Hải, Phụ trách Thư viện trường THCS An Bình cho biết “ Nhiều năm trở lại đây, Trường THCS An Bình (đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền để mỗi học sinh nhận thức được vai trò của sách đối với việc học tập và cuộc sống; giúp các em hiểu rằng sách là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, một cuốn sách tốt giống như một người bạn hiền…Xuất phát từ mục đích đó, nhà trường đã đầu tư và xây dựng hệ thống thư viện nhằm đưa văn hóa đọc tới gần hơn từng học sinh. Hiện tại, thư viện trường có gần 5.000 đầu sách báo, đáp ứng một cách đa dụng nhu cầu tìm đọc của các em trong trường. Để nâng cao chất lượng văn hóa đọc, các thầy cô còn hướng dẫn cho các em các kỹ năng đọc sách cơ bản cũng như định hướng cho học sinh cách chọn lựa các đầu sách hay. Và những hoạt động thực tiễn này đã giúp văn hóa đọc trong trường lan tỏa mạnh hơn, từ đó hỗ trợ tích cực cho việc học tập của học sinh…”
Nhìn chung, trong bối cảnh bùng nổ của công nghệ thông tin, mạng xã hội và rất nhiều kênh khoa giáo – giải trí, nhưng văn hóa đọc trên địa bàn huyện vẫn được duy trì và phát triển. Đến nay mạng lưới thư viện phát triển rộng khắp từ huyện đến cơ sở. Tuy nhiên, thẳng thắn thừa nhận thì thực trạng văn hoá đọc của chúng ta hiện nay còn nhiều hạn chế. Chính vì vậy, ngày 15/3/2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Qua đó, nhằm xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là trong thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên.