Tiên Du 60 năm thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí minh

20/06/2019 22:09 View Count: 691

Trong quá trình xây dựng và phát triển, huyện Tiên Du luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh dành những tình cảm và sự quan tâm đặc biệt, ngày 14/9/1959, Bác Hồ đã về dự Hội nghị thủy lợi toàn miền Bắc họp tại xã Hiên Vân, huyện Tiên DuSau khi nghe đại biểu báo cáo thành tích công tác thủy lợi, Bác đã trao 10 huy hiệu tặng cho tập thể và cá nhân có thành tích trong công tác thủy lợi. Bác ân cần nhắc nhở: “Cán bộ phải đi đúng đường lối quần chúng, dựa vào nhân dân; trước hết phải tin tưởng vào lực lượng và trí tuệ của nhân dân là vô cùng vô tận. Những lời căn dặn, chỉ bảo của Người thể hiện tính nhân văn sâu sắc, là bài học, là động lực để Đảng bộ và nhân dân trong huyện phấn đấu, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh và phát triển.

Đồng chí Nguyễn Công Thắng, Tỉnh ủy viên - Bí thư Huyện ủy – Chủ tịch HĐND huyện Tiên Du

Sau giải phóng năm 1954, sản xuất nông nghiệp ở miền Bắc nói chung và huyện Tiên Du nói riêng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là hệ thống thủy nông phục vụ cho việc tưới tiêu chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất, ruộng đất chỉ canh tác được 01 vụ/năm. Quán triệt Nghị quyết của Trung ương, Huyện ủy Tiên Du đã tích cực lãnh đạo cán bộ, đảng viên và nhân dân tổ chức làm thủy lợi nhỏ, “Chôn nước”, “Giữ nước” để có nước tưới cho cây trồng. Là huyện lập thành tích xuất sắc nhất trên mặt trận thủy lợi, có 02 xã vinh dự được khen thưởng là xã Hạp Lĩnh được tặng Bằng khen của Chính phủ, xã Lạc Vệ được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Qua đó, cùng với các huyện khác trong tỉnh góp phần đưa Bắc Ninh trở thành một trong hai tỉnh có phong trào làm thủy lợi khá nhất miền Bắc. Do vậy, Trung ương, Tỉnh đã chọn huyện Tiên Du để tổ chức Hội nghị thủy lợi toàn Miền Bắc từ ngày 12 đến ngày 16 tháng 9 năm 1959. Tham dự hội nghị có các đại biểu của cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành Miền Bắc và các đại biểu tỉnh, huyện, 50 xã của Bắc Ninh. Ngày 13 tháng 9 năm 1959, các đại biểu dự hội nghị đã về 02 xã Lạc Vệ và Hạp Lĩnh tham quan công trình thủy nông. Nhìn đồng lúa bát ngát xanh tươi, trước kia phần lớn chỉ là đồng nước trắng mênh mông vì úng, mọi người rất vui mừng trước kết quả của công tác thủy lợi, thủy nông. Ngày 14 tháng 9 năm 1959, tại đình làng Ngang Kiều - xã Hiên Vân - huyện Tiên Du, Bác Hồ kính yêu đã về thăm và nói chuyện với Hội nghị thủy lợi toàn Miền Bắc. Người nêu rõ nhiệm vụ của công tác thủy lợi: “Bây giờ chúng ta xây dựng chủ nghĩa xã hội, đó là một công cuộc lâu dài, làm thủy lợi cũng vậy, phải lâu dài mới giành được thắng lợi lớn”. Người căn dặn: “Làm thủy lợi phải là phong trào của toàn dân…”. Thực hiện lời căn dặn của Người, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tiên Du dấy lên phong trào làm theo lời Bác, tiếp tục thi đua làm thủy lợi, quyết tâm chống úng, đẩy mạnh phong trào sạch làng, tốt ruộng, sản xuất nhiều phân bón cho lúa mùa bội thu. Vụ chiêm năm 1958 xã Minh Đạo xẻ đê Đuống mua máy bơm đưa nước vào đồng ruộng, biến 400 mẫu ruộng trước đây chỉ cấy một vụ thành 2 vụ; xã Lạc Vệ, Hạp Lĩnh đắp một con đập dài 1.500 m gọi là đập ngăn nước khu đồng ngoài đổ về cánh đồng Tiên Xá đến đồng sau Lạc Vệ; do đó vụ mùa Tiên Du vượt diện tích và sản lượng. Tổng hai vụ chiêm, mùa, toàn huyện thu hoạch được 25.199 tấn thóc (tăng 7.921 tấn so với năm 1958); bình quân đầu người được 460 kg (tăng hơn năm 1958 là 127 kg). Huyện Tiên Du được Ủy ban hành chính tỉnh Bắc Ninh trao tặng cờ luân lưu khá nhất về sản xuất nông nghiệp năm 1959 .

60 năm qua thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh huyện Tiên Du đã có nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đã hình thành nhiều trang trại, gia trại, vùng sản xuất hàng hóa tập trung, mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch cho giá trị kinh tế cao, xây dựng nhiều thương hiệu sản phẩm góp phần tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích. Hiện nay, toàn huyện có 19 trang trại nông nghiệp, thu nhập bình quân 288 triệu đồng/trang trại/năm; có 03 vùng sản xuất chuyên canh với tổng diện tích khoảng 15 ha; xây dựng được một số mô hình điểm áp dụng công nghệ cao, mô hình trồng rau an toàn như: Khu công nghệ cao Việt Đoàn, hoa cây cảnh ở Phú Lâm, chăn nuôi tập trung xa khu dân cư ở Cảnh Hưng; trồng rau an toàn ở Liên Bão, Cảnh Hưng, Lạc Vệ…; tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất đạt 98%, khâu thu hoạch đạt 95%. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2017 ước đạt 908,6 tỷ đồng; giá trị trồng trọt ước 107 triệu đồng/ha canh tác. Trong lĩnh vực nông nghiệp đã xuất hiện nhiều tấm gương, điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo Bác như: Chi bộ thôn Đông Sơn, xã Việt Đoàn với nhiều mô hình, cách làm hay, đổi mới, sáng tạo trong học tập và làm theo Bác; Chi bộ thôn Tử Nê, Minh Đạo với mô hình trồng cây vụ đông, phát động phong trào mỗi gia đình đảng viên gieo trồng 01 sào.... ông Nguyễn Huy Hải, Đỗ Phú Thộc, Nguyễn Xuân Liệu hội viên Hội CCB xã Minh Đạo với mô hình xây dựng trang trại chăn nuôi lợn xa khu dân cư, doanh thu hàng năm đạt trên 800 triệu đồng .v.v.

Chương trình nông thôn mới, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được triển khai tích cực. Hạ tầng kỹ thuật, thủy lợi, đường điện, đường giao thông nội đồng và các cơ sở hạ tầng khác phục vụ sản xuất được đầu tư đồng bộ và khá hoàn chỉnh, hệ thống đê điều thường xuyên được tu bổ và nâng cấp đảm bảo ứng phó có hiệu quả với tình hình thiên tai do tác động của biến đổi khí hậu; gần 36,63 km kênh mương đã được cứng hóa, xây dựng 85 trạm bơm phục vụ tưới tiêu, hỗ trợ xây dựng hơn 139 bể biogas để xử lý chất thải từ chăn nuôi; Huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2016, hoàn thành trước 4 năm so với kế hoạch đề ra.

Năm 2017, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tiên Du đoàn kết, nỗ lực thi đua, phấn đấu đạt được nhiều thành tích quan trọng trên tất cả các lĩnh vực: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 11,9%; Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm  68,7%; thương mại dịch vụ 25,8%; nông, lâm nghiệp, thuỷ sản 5,5%. Tổng thu ngân sách huyện đạt 1.330 tỷ đồng; Thu nhập bình quân đầu người đạt 52,1 triệu đồng/người/năm… Công tác quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị được thực hiện theo hướng phát triển đô thị gắn với phát triển công nghiệp và dịch vụ, nhiều trung tâm xã đã bước đầu hình thành các thị tứ của vùng như: Việt Đoàn, Hoàn Sơn, Đại Đồng, Tân Chi, Lạc Vệ. Cùng với QL1A mới, QL38, TL276, TL295B, TL287 được đầu tư nâng cấp thì toàn bộ đường huyện, đường liên xã, liên thôn và đường làng ngõ xóm đều được nhựa hóa, bê tông hóa. Các tuyến đường trong các khu công nghiệp, đường nội thị được hình thành và phát triển; hệ thống đường lên đê, mặt đê được mở rộng và cứng hóa… Hệ thống điện, bưu chính viễn thông, trung tâm thương mại, ngân hàng… được đầu tư đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh của các khu, cụm công nghiệp, phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân. Từng bước đầu tư nâng cấp một số khu du lịch nhằm thu hút khách thập phương về thăm quan học tập, như khu vực đồi Lim, chùa Phật Tích, Bách Môn… Bên cạnh những thành tựu trong phát triển kinh tế, hoạt động văn hóa- xã hội cũng đạt nhiều kết quả nổi bật: Chất lượng Giáo dục - Đào tạo luôn đứng trong tốp đầu của tỉnh, có 51/52 trường đạt chuẩn quốc gia; 100% giáo viên có trình độ đạt chuẩn, trên chuẩn đạt 91,3%; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98%; 14/14 Trạm Y tế xã, thị trấn được kiên cố hóa và đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã. Bệnh viện đa khoa huyện được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, trang thiết bị hiện đại, đạt tiêu chuẩn bệnh viện hạng 2, triển khai thành công nhiều kỹ thuật cao, chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên rõ rệt; tỷ lệ hộ nghèo là 1,04%; thực hiện tốt chính sách an sinh và phúc lợi xã hội, đã hỗ trợ 157 hộ nghèo xây dựng nhà ở, với kinh phí 7,1 tỷ đồng; 178 gia đình có công với cách mạng được hỗ trợ xây dựng nhà ở, với kinh phí 7,2 tỷ đồng. Các công trình phúc lợi công cộng như đình, đền, chùa, nhà văn hóa, khu vui chơi thể dục, thể thao ở các thôn, làng được đầu tư sửa chữa, xây dựng mới; từng bước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân; thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào “Toàn dân xây dựng nông thôn mới”. Tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 94%, làng văn hóa 93,7%, công sở văn hoá 87%. Thực hiện khá tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Phong trào văn hóa thể thao quần chúng ngày càng phát triển. Cải cách hành chính được đẩy mạnh, quốc phòng, an ninh, được giữ vững. Hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị có nhiều đổi mới đạt hiệu quả thiết thực. Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), gắn với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị đã góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể vững mạnh.

Với những thành tích đã đạt được, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân huyện Tiên Du đã vinh dự được Đảng và Nhà nước ghi nhận, tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, như: Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2003; Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2010; Huân chương Độc lập hạng Ba năm 2014 và nhiều Bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành trao tặng.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, bảo vệ Tổ quốc, có 21.074 thanh niên ưu tú huyện Tiên Du đã lên đường nhập ngũ, trong số đó có 2.272 người con ưu tú đã anh dũng hy sinh. Để tưởng nhớ công ơn của các Anh hùng liệt sỹ, những người con ưu tú của quê hương Tiên Du đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập tự do của tổ quốc; đồng thời, để ghi dấu sự kiện Bác Hồ về thăm Tiên Du. Huyện đã quy hoạch, chuẩn bị đầu tư xây dựng công trình Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ và đền thờ Bác Hồ tại núi Lim (đồi Lim) của thị trấn Lim, huyện Tiên Du. Núi Lim là vị trí phù hợp nhất cho việc nghiên cứu chọn địa điểm đầu tư xây dựng Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ và đền thờ Bác Hồ, bởi nơi đây là cửa ngõ ra vào thị trấn, trung tâm hành chính Huyện ủy, UBND đặt tại địa bàn; là nơi có địa hình cao ráo rất đặc trưng cho khu vực, gắn liền với các lễ hội văn hóa, dân gian, truyền thống lâu đời và cũng chính là vị trí thuận lợi để thực hiện các nghi lễ trang trọng nhất, đặc biệt là các sự kiện lớn trọng đại của huyện như công tác tuyển quân, Đại hội thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ kỉ niệm các ngày lễ lớn, hội trại... Núi Lim có tên chữ “Hồng Vân Sơn”, trên núi có chùa Hồng Ân - một di tích lịch sử quý là điểm hội tụ đông đảo quý khách muôn phương trong và ngoài nước yêu làn điệu dân ca Quan họ Bắc Ninh mỗi độ xuân về khi người vùng Lim tưng bừng mở hội, hát xướng. Từ xưa, núi Lim (Hồng Vân Sơn) là nơi đất đẹp, cảnh vật thanh kỳ, đột khởi giữa miền quê Quan họ trù phú được người xưa ghi nhận “Hồng Vân là quả núi tương đối bằng phẳng, không cao, nơi có nhiều đất đẹp, cảnh vật thanh kỳ. Ngước lên nhìn bầu trời lơ lửng một đóa mây hồng. Người đời lấy đó đặt tên cho núi với ý nghĩa rằng: đây là nơi địa linh nhân kiệt, nảy sinh những danh hiền vang tiếng thế gian, mọi người ngưỡng vọng” rồi khắc vào bia đá đặt tên cho núi là Hồng Vân vào cuối thế kỷ XVIII. Theo thuyết xưa thì thế núi này hình con cá vọng trăng, đầu hướng về sông Nguyệt Đức (tức sông Cầu), đuôi về phía Nam, nơi có núi Nguyệt Hằng. Chùa Hồng Ân được đặt ở nơi đầu cá và được xây cất khá quy mô với nhiều hạng mục công trình và tượng phật. Đến thế kỷ XVIII, chùa Hồng Ân liên tục được trùng tu mở rộng. Núi Lim - Chùa Hồng Ân là di tích có giá trị được Nhà nước cấp bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa theo Quyết định số 05/1999/QĐ-BVHTT ngày 12 tháng 02 năm 1999. Đây cũng là trung tâm lễ hội Quan họ vùng Lim, nơi hội tụ đông đảo nhất các liền anh, liền chị của tất cả 44 làng Quan họ gốc đều đến Hội Lim (ngày12, 13 tháng Giêng) để giao lưu. Đồng thời, còn là di tích cách mạng, nơi diễn ra sự kiện lịch sử trọng đại của tỉnh nhà. Tại đây, ngày 4/8/1929, Đảng bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Bắc Ninh - Bắc Giang được thành lập. Và là nơi qua lại hoạt động của các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của cách mạng Việt Nam như Ngô Gia Tự...

Bên cạnh đó, thị trấn Lim là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hoá xã hội của huyện Tiên Du. Thị trấn Lim (truớc đây là xã Vân Tương) có bề dày truyền thống văn hiến, yêu nước và cách mạng. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị trấn Lim được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ngày 14/3/1963 theo Quyết định của Hội đồng Chính phủ, hai huyện Tiên Du và Từ Sơn sáp nhập thành huyện Tiên Sơn, huyện lỵ Tiên Sơn đóng trụ sở tại chân núi Lim xã Vân Tương. Ngày 10/12/1998 Chính phủ đã ra Nghị định số 101 thành lập thị trấn Lim; ngày 9/8/1999 thực hiện Nghị định số 68 của Chính phủ, huyện Tiên Sơn chia tách thành 2 huyện Tiên Du và Từ Sơn. Huyện Tiên Du được tái lập, huyện lỵ đóng tại chân núi Lim. Thị trấn Lim có ưu thế về vị trí địa lý, nằm cách trung tâm thủ đô Hà Nội 24 km, có quốc lộ 1A, 1B, tuyến đường sắt Hà - Lạng chạy qua là huyết mạch giao thông quan trọng nối thủ đô Hà Nội với các tỉnh phía bắc Tổ quốc. Tỉnh lộ 270 giao thông nối liền liên xã Phú Lâm - Liên Bão - Hiên Vân - Việt Đoàn - Phật Tích - Cảnh Hưng - Minh Đạo. Năm 2017, UBND huyện Tiên Du đã tổ chức lập Chương trình phát triển đô thị Tiên Du giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030 với phạm vi bao gồm thị trấn Lim và các xã Nội Duệ, Liên Bão, Hiên Vân, Việt Đoàn với quy mô diện tích khoảng 2.403ha. Đến nay đã được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt, UBND huyện Tiên Du đã tổ chức công bố công khai Chương trình phát triển đô thị đến các xã, thị trấn nằm trong phạm vi lập Chương trình. Trên cơ sở đồ án Quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND huyện đã tổ chức rà soát, cập nhật điều chỉnh một số khu vực có vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng yêu cầu nâng cấp lên đô thị loại I vào năm 2022. Theo đó điều chỉnh quy hoạch phân khu Phú Lâm để xây dựng khu đô thị, du lịch sinh thái văn hóa, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí; rà soát quy hoạch chung nông thôn mới các xã Liên Bão, Hiên Vân, Việt Đoàn, Phật Tích, Hoàn Sơn, Cảnh Hưng, Minh Đạo để bố trí quỹ đất đấu giá quyền sử dụng đất tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng địa phương và đảm bảo quỹ đất để lập quy hoạch khu đô thị du lịch Phật Tích. Ban Thường vụ Huyện ủy xác định nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2018-2019 là nâng cấp đô thị Lim trở thành đô thị loại IV, đến năm 2022 sẽ cùng thành phố Bắc Ninh, thị xã Từ Sơn phát triển thành trục lõi đô thị Bắc Ninh - Tiên Du - Từ Sơn với tâm điểm Tiên Du trở thành Quận thuộc thành phố Bắc Ninh trực thuộc Trung ương vào năm 2022.

Đài tưởng niệm được xây dựng sẽ là công trình kiến trúc nghệ thuật có tính biểu tượng cao. Quy mô công trình đề xuất là một tượng đài trong phạm vi diện tích khoảng 21.279,31 m2. Chiều cao công trình được thiết kế hài hòa trong tổng thể không gian chung. Trong đó: Sân nghi lễ đặt Đài tưởng niệm rộng 2.458 m2 (giai đoạn 1 là 2.002 m2); diện tích xây dựng công trình Đền thờ Bác Hồ rộng 104,58 m2; Đài tưởng niệm và phù điêu rộng 260 m2 và một số công trình xây dựng, công trình phụ trợ khác; đất mặt nước, hồ bán nguyệt rộng 365 m2; sân, vườn cây xanh, giao thông nội bộ khoảng 14.865 m2 v.v..

Việc xây dựng đài tưởng niệm trong khuôn viên phía Nam đồi Lim nhằm hoàn chỉnh không gian văn hóa, tâm linh đậm đà bản sắc; tạo cảnh quan kết nối giữa khu vực Chùa Lim hiện hữu với không gian mới phía Nam đồi Lim; tạo sự liên kết không gian hài hòa, hợp lý về sử dụng đất; tạo ra không gian mới hiện đại, nâng cao chất lượng hình ảnh khu vực; xây dựng thành khu văn hóa nghệ thuật tâm linh gắn kết với bảo vệ môi trường, gìn giữ và tôn tạo cảnh quan thiên nhiên, tạo nên sự hài hòa giữa cuộc sống với văn hóa truyền thống Việt Nam; là nơi để giao lưu, hoạt động văn hóa, nghỉ ngơi, giải trí kết hợp với các chức năng phụ trợ cho người dân và du khách thập phương tới thăm vùng đất địa linh nhân kiệt; một quần thể công trình văn hóa tâm linh, nơi tưởng niệm và không gian tổ chức lễ hội với bố cục không gian, kiến trúc cảnh quan phong phú, hiện đại, có giá trị cao về quy hoạch đô thị và là điểm nhấn trong quy hoạch phát triển không gian đô thị thị trấn Lim.

Dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến 93,024 tỷ đồng giai đoạn 1 bằng nguồn Ngân sách tỉnh, ngân sách huyện và các nguồn vốn hợp pháp khác. Thời gian thực hiện dự án dự kiến trong năm 2018 - 2019. Được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND-UBND tỉnh và các Sở, Ban, Ngành của tỉnh, đến nay dự án đã được Hội đồng thẩm định chủ trương của tỉnh xem xét thông qua chủ trương đầu tư. Chủ đầu tư UBND huyện Tiên Du đang tập trung chỉ đạo Ban quản lý các dự án xây dựng, Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện, Đảng ủy, UBND thị trấn Lim và các cơ quan có liên quan triển khai một số công việc chuẩn bị cho công tác giải phóng mặt bằng, trong đó tập trung thực hiện việc di chuyển Nhà máy số 3 của Chi nhánh Công ty cổ phần thiết bị bưu điện và một số hộ dân trong khu vực thực hiện dự án để triển khai công tác đầu tư xây dựng.

Trong 60 năm thực hiện lời căn dặn của Bác, bên cạnh những thành tựu đạt được huyện cũng còn một số khó khăn, hạn chế như: kinh tế mặc dù tăng trưởng cao nhưng còn thiếu bền vững; hiệu quả sản xuất, sức cạnh tranh của sản phẩm chưa cao; nguồn kinh phí đầu tư cho việc xây dựng các công trình phúc lợi còn hạn chế; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp; năng lực quản lý điều hành và tổ chức thực hiện của chính quyền các cấp có mặt hiệu quả chưa cao…

Để xứng đáng với những tình cảm đặc biệt mà Bác Hồ đã dành cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tiên Du, trong thời gian tới huyện Tiên Du tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt những lời Bác căn dặn, với một số nhiệm vụ trọng tâm sau: 

 Một là, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền kỷ niệm 60 năm Bác Hồ 5 lần về thăm Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Bắc Ninh và về thăm huyện Tiên Du (14/9/1959), phát động các phong trào thi đua yêu nước ở các cấp, các ngành; biểu dương nhân rộng các điển hình tiên tiến, các mô hình sản xuất kinh doanh, nông, lâm nghiệp, thủy sản… Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, tăng tỷ trọng chăn nuôi, thuỷ sản, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất. Đầu tư phát triển vùng lúa sản xuất hàng hoá (khoảng 30% diện tích) ở các xã Phú Lâm, Liên Bão, Nội Duệ, Lạc Vệ, Hiên Vân. Phát triển cây trồng vụ đông và cây màu có giá trị kinh tế cao ở Hiên Vân, Tân Chi, Việt Đoàn, Cảnh Hưng, Minh Đạo... Tập trung thâm canh, phân vùng sản xuất ổn định lâu dài, đẩy mạnh cải tạo giống lúa. Phấn đấu đến năm 2020, diện tích trồng lúa ổn định 2.183,10 ha/năm, năng suất bình quân đạt 65 - 70tạ/ha/năm, sản lượng 28.000 - 30.000 tấn, được quy hoạch thành 35 vùng sản xuất lúa tập trung có quy mô từ 20 ha trở lên ở các xã Lạc Vệ, Phú Lâm, Tân Chi, Minh Đạo, Cảnh Hưng, Hiên Vân, Liên Bão, Việt Đoàn... Khai thác triệt để đất ven bãi, ven sông, đất úng trũng nội đồng sang nuôi trồng thuỷ sản gắn với đa canh theo mô hình gia trại, trang trại với quy mô lớn. Cây ngô: dự kiến đến năm 2020 diện tích toàn huyện 430 ha, năng suất bình quân đạt 55 tạ/ha, sản lượng 5.480 tấn, tập trung ở các xã Cảnh Hưng,Việt Đoàn và Minh Đạo. Cây rau đậu, thực phẩm: khoảng 1.000 ha, tập trung chủ yếu các xã Hiên Vân, Cảnh Hưng, Việt Đoàn,… Tiếp tục chuyển đổi một số diện tích đồng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi cá đồng trũng kết hợp phát triển kinh tế trang trại ở các xã Phú Lâm, Lạc Vệ, Cảnh Hưng, Việt Đoàn... Dự kiến đến năm 2020 diện tích nuôi trồng thuỷ sản là 396 ha, trong đó vùng nuôi tập trung khoảng 196 ha, ở các xã Phú Lâm, Lạc Vệ, Hiên Vân, Cảnh Hưng,… Phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng trang trại, sớm đưa chăn nuôi gia trại, trang trại ra vùng quy hoạch tập trung xa khu dân cư bảo đảm môi trường sinh thái và điều kiện chăn nuôi. Dự kiến đến năm 2020:  Đàn bò đạt 3.400 con, trong đó tập trung 2.700 con chủ yếu ở Cảnh Hưng, Minh Đạo, Tri Phương. Đàn lợn 52.500 con, trong đó vùng tập trung ở Cảnh Hưng, Tân Chi, Việt Đoàn, Lạc Vệ,... Đàn gia cầm dự kiến đạt 790 nghìn con, trong đó nuôi vùng tập trung ở Phú Lâm, Lạc Vệ, Việt Đoàn,... Tiếp tục trồng rừng, bảo vệ và chăm sóc diện tích rừng đã trồng, dự kiến đất lâm nghiệp đến năm 2020 là 190 ha, được phân bố chủ yếu ở các xã Phật Tích, Việt Đoàn, Hoàn Sơn và Hiên Vân.

Hai là, đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch. Đổi mới tư duy và có những định hướng đột phá về phát triển dịch vụ trong quá trình quy hoạch Tiên Du trở thành khu vực quan trọng trong đô thị Bắc Ninh trên cơ sở phát triển chuỗi hành lang thương mại thành phố Bắc Ninh - Từ Sơn; định hướng phát triển thương mại, dịch vụ trục đô thị Từ Sơn - Nam Sơn; phát triển dịch vụ gắn với các khu đô thị mới đang triển khai xây dựng. Kết nối di sản Tiên Du - Thuận Thành; hình thành các khu dịch vụ gắn với khu công nghiệp và đô thị tập trung; khu du lịch. Quy hoạch khu du lịch sinh thái Phật Tích kết nối với khu trung tâm văn hóa đồi Lim, khuyến khích các nhà đầu tư vào xây dựng và khai thác. Trùng tu, tôn tạo các khu di tích lịch sử văn hoá; phát huy thế mạnh di sản văn hoá phi vật thể dân ca quan họ Bắc Ninh để phát triển dịch vụ du lịch. Thực hiện tốt công tác quản lý, điều hành ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản. Đảm bảo lộ trình nâng cấp đô thị, đảm bảo thực hiện quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, khu đô thị Tiên Du sẽ là đô thị văn hóa, lịch sử; trung tâm cấp vùng về giáo dục đào tạo, du lịch; trung tâm cấp đô thị về thương mại, dịch vụ. (Hiện nay, huyện đang lập đề án để trở thành đô thị loại IV vào năm 2019 và trở thành Quận thuộc thành phố Bắc Ninh trực thuộc Trung ương vào năm 2022). Phối hợp với tỉnh Bắc Ninh đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng cầu Phật Tích - Đại Đồng Thành, Dự án khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng, dịch vụ, du lịch tại xã Phú Lâm... Triển khai các bước để xây dựng các công trình chào mừng kỷ niệm 20 năm tái lập huyện; các công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025... Đặc biệt, tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện đầu tư xây dựng công trình Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ, Đền thờ Bác Hồ để công trình sớm được khởi công xây dựng và dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng đúng vào dịp kỷ niệm 20 năm tái lập huyện Tiên Du năm 2019. Qua đó, từng bước xây dựng hoàn thiện quần thể không gian văn hóa tâm linh, sinh thái đồi Lim... Công trình là nơi để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tưởng nhớ tới công ơn to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sỹ. Cũng là góp phần thiết thực vào việc thực hiện tốt Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", gắn với việc thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2016 – 2020”.

Ba là, tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên, môi trường. Tập trung chỉ đạo giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng 04 lò đốt rác, phấn đấu hoàn thành trong năm 2018. Nâng cao hiệu quả hoạt động các lĩnh vực về văn hóa - xã hội. Thực hiện nghiêm các quyết định, kết luận sau thanh tra, kiểm tra; giải quyết kịp thời đơn khiếu nại, tố cáo. Đảm bảo vững chắc quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tích cực phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Trung tâm hành chính công cấp huyện, cơ chế một cửa liên thông cấp xã. Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể, gắn với triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các Nghị quyết, kết luận Hội nghị lần thứ 5, 6, 7 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2015-2020.

Đồng chí: Nguyễn Công Thắng – Bí thư Huyện ủy Tiên Du   

Please enter more than 5 news to display!