Thủ tướng Chính phủ Chỉ thị tăng cường quản lý, tái chế và giảm thiểu chất thải nhựa

21/08/2020 09:38

(BNP) - Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa.

Các bệnh viện, cơ sở y tế triển khai kế hoạch phân loại chất thải và giảm thiểu chất thải nhựa.

Chỉ thị nêu rõ, ô nhiễm nhựa đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất mà các quốc gia đang phải đối mặt. Mỗi năm lượng chất thải nhựa do con người thải ra trên toàn cầu đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt trái đất, trong đó 13 triệu tấn chất thải nhựa được đổ ra đại dương. Việc lạm dụng sử dụng sản phẩm nhựa, nhất là túi ni-lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần đã và đang để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường. Vấn đề ô nhiễm nhựa, đặc biệt là ô nhiễm nhựa đại dương là vấn đề thực sự đáng báo động, đã, đang và sẽ gây thiệt hại to lớn cho môi trường sinh thái ở nước ta.

Nhằm tiếp tục tăng cường hiệu quả các hoạt động quản lý, xử lý, tái sử dụng, tái chế nhựa đã qua sử dụng, giảm thiểu chất thải nhựa ra môi trường, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành Chỉ thị hoặc Kế hoạch giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa trong ngành, lĩnh vực và địa bàn quản lý xong trước ngày 30/10/2020. Trong đó chỉ đạo, các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc tích cực giảm thiểu chất thải nhựa; hạn chế tối đa sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, nhất là tại công sở, trong các hội nghị, hội thảo, cuộc họp, lễ kỷ niệm và các sự kiện khác; ưu tiên các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường. Đồng thời, tiên phong, đi đầu trong việc phân loại rác thải tại nguồn; bố trí thùng phân loại rác thải tại các cơ quan, đơn vị. Khuyến khích xây dựng và thực hiện các mô hình kiểu mẫu để làm cơ sở nhân rộng cho các cơ quan, đơn vị trong lĩnh vực và địa bàn quản lý.

Đẩy mạnh truyền thông, tập huấn nâng cao nhận thức cho công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị về phân loại, thu gom, giảm thiểu chất thải nhựa. Phối hợp các tổ chức, cá nhân liên quan vận động người dân hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần để bảo vệ môi trường.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện chế định quản lý chất thải rắn trong dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) theo hướng coi chất thải và chất thải nhựa là tài nguyên; thúc đẩy phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn; xây dựng tài liệu hướng dẫn phân loại rác thải tại nguồn. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế hạn chế sản xuất, tiêu dùng và có lộ trình cấm sản xuất, tiêu dùng một số sản phẩm nhựa dùng một lần; xây dựng cơ sở dữ liệu về sử dụng nhựa và chất thải nhựa trên phạm vi toàn quốc. Đồng thời, xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án thành lập khu công nghiệp tái chế tập trung theo quy định của pháp luật để hình thành ngành công nghiệp, thị trường tái chế.

Cùng với đó, thực hiện nghiêm các quy định về nhập khẩu phế liệu nhựa, chỉ được nhập khẩu phế liệu nhựa làm nguyên liệu sản xuất ra các sản phẩm, hàng hóa (không bao gồm hạt nhựa tái chế thương phẩm), trừ các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đầu tư và cơ sở sản xuất đang hoạt động được phép nhập khẩu nhựa phế liệu để sản xuất ra hạt nhựa tái chế thương phẩm đến hết ngày 31/12/2024. Không cấp phép cho các cơ sở nhập khẩu phế liệu chỉ để sơ chế, xử lý và bán lại phế liệu.

Nâng cao vai trò của cộng đồng, doanh nghiệp trong hoạt động giảm thiểu chất thải nhựa; mở rộng các hình thức ưu đãi, hỗ trợ đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, phân phối, quảng bá, tiêu dùng các sản phẩm nhựa, túi ni-lông được gắn nhãn xanh; xây dựng, triển khai cơ sở dữ liệu về đăng ký, khai báo, quản lý việc sản xuất, sử dụng sản phẩm chứa chất thải nhựa, túi ni-lông.

Xây dựng và triển khai kế hoạch phân loại chất thải và giảm thiểu chất thải nhựa trong các bệnh viện, cơ sở y tế, trường học, cơ sở giáo dục; đưa nội dung phân loại chất thải và giảm thiểu chất thải nhựa thành một tiêu chí đánh giá cơ sở y tế, trường học xanh – sạch – đẹp – an toàn.

Bộ Công thương chỉ đạo thực hiện mục tiêu “Tiếp tục đẩy mạnh và sớm triển khai Kế hoạch thực hiện mục tiêu đến năm 2021 các cửa hàng, chợ, siêu thị ở đô thị không sử dụng không sử dụng đồ nhựa dùng một lần; đến năm 2025 cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần”. Đồng thời, nghiên cứu, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chất lượng, thiết kế sản phẩm nhựa bảo đảm phục vụ cho tái chế, tái sử dụng; quy định tỷ lệ tối thiểu về hàm lượng nhựa tái sinh trong sản phẩm nhựa, độ bền và công khai thông tin về độ bền của các sản phẩm nhựa...

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng phong trào, liên minh chống chất thải nhựa; vận động người dân, cộng đồng dân cư hạn chế hoặc không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần để bảo vệ môi trường. Đồng thời, vận động các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng, chợ dân sinh, các cơ sở sản xuất, kinh doanh... trên địa bàn cam kết giảm thiểu chất thải nhựa, hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần hoặc thay thế bằng các sản phẩm thân thiện môi trường; không cung cấp miễn phí túi ni-lông cho khách hàng hoặc chuyển từ sử dụng túi ni-lông khó phân hủy sang các loại túi khác thân thiện với môi trường.

Ngoài ra, tích cực nghiên cứu, học tập kinh nghiệm và triển khai thực hiện phân loại chất thải tại nguồn; chỉ đạo bố trí các thùng thu gom, phân loại rác và tập huấn, hướng dẫn phân loại rác tại các công sở, trường học, cơ sở y tế và các khu vực công cộng. Thực hiện thu phí dịch vụ thu gom rác đối với các tiểu thương tại các chợ dân sinh truyền thống. Thực hiện các biện pháp kỹ thuật để thu gom chất thải nhựa trên các sông, rạch, kênh, mương... để hạn chế chất thải nhựa đổ ra đại dương; thực hiện xã hội hóa các hoạt động thu gom, xử lý chất thải nhựa trên biển, sông, suối và các hồ, ao trong khu đô thị, khu dân cư.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ chính sách thuế bảo vệ môi trường, các quy định môi trường của các cơ sở cung cấp túi ni-lông cho các chợ dân sinh và cửa hàng buôn bán nhỏ; kiểm soát chặt chẽ các làng nghề, cơ sở tái chế nhựa không bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

T.L