Toàn tỉnh xây dựng hơn 100 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

10/01/2018 13:46

(BNP) - Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được hơn 100 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, góp phần đưa giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2017 đạt 8.150 tỷ đồng, bằng 100,1% so với kế hoạch.

Mô hình trồng dưa trong nhà lưới tại xã Bồng Lai, Quế Võ cho hiệu quả kinh tế cao.

Trong đó, có 29 mô hình ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, 52 mô hình chăn nuôi, còn lại là mô hình về nuôi trồng thủy sản, tập trung chủ yếu trên địa bàn các huyện: Quế Võ, Gia Bình, Lương Tài, Tiên Du và Yên Phong.

Trên lĩnh vực trồng trọt, khoa học kỹ thuật áp dụng trong giống cây trồng, quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, công nghệ nhà lưới, nhà kính, làm đất, tưới tự động. Toàn tỉnh có 50% diện tích lúa chất lượng cao, 26 mô hình trồng hoa cao cấp, rau an toàn trong nhà lưới với tổng diện tích hơn 70.000m2; hình thành nhiều vùng cây màu chuyên canh như: khoai tây (Quế Võ, Yên Phong); cà rốt, hành tỏi, bí xanh, bí đỏ (Gia Bình, Lương Tài)… đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Trong chăn nuôi, công nghệ chuồng kín với hệ thống làm mát, điều khiển nhiệt độ chuồng nuôi, máng ăn, máng uống tự động đã được áp dụng ở hầu hết các trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Cùng với đó, các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất giống, xử lý chất thải chăn nuôi được các hộ sử dụng rộng rãi; 100% trang trại chăn nuôi lợn, trâu, bò sử dụng bể Bioga hoặc chế phẩm vi sinh; có 6 công ty áp dụng tự động hóa trong khâu sản xuất.

Nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao ngày càng phát triển, toàn tỉnh có 1.875ha nuôi cá thâm canh với mật độ nuôi cao có sử dụng các chế phẩm sinh học và dùng quạt nước oxy để xử lý môi trường ao nuôi, cho năng suất cao từ 8 - 10 tấn cá/ha.

Với mục tiêu hình thành hơn 200 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào năm 2020, tỉnh tiếp tục khuyến khích mở rộng các vùng trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao theo hướng tập trung, quy mô lớn, phù hợp với điều kiện, lợi thế của từng vùng. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học trong các khâu sản xuất, chế biến, bảo quản và xây dựng thương thiệu nông sản…góp phần nâng cao giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp bền vững.

 

H.T