Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh: Chính phủ chỉ đạo sát sao, chuẩn bị kỹ càng trong xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025

26/07/2021 08:21
Sáng 24/7, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận, biểu quyết thông qua việc điều chỉnh Chương trình kỳ họp; nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Đồng chí Đào Hồng Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu trong phiên thảo luận ở Tổ về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, sáng ngày 24/7.

Theo Tờ trình của Chính phủ, tổng mức vốn ngân sách Nhà nước thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 2,87 triệu tỷ đồng. Trong đó, 1,5 triệu tỷ đồng là vốn ngân sách Trung ương và 1,37 triệu tỷ đồng vốn ngân sách địa phương. 

Cụ thể, số vốn các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ chi tiết tối đa là 2,72 triệu tỷ đồng (ngân sách Trung ương 1,35 triệu tỷ đồng, ngân sách địa phương 1,37 triệu tỷ đồng). Mức dự phòng vốn ngân sách Trung ương là 10% (150.000 tỷ đồng), bằng với mức dự phòng giai đoạn 2016-2020. Mức dự phòng ngân sách địa phương do Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định theo quy định tại khoản 6 Điều 51 Luật Đầu tư công.

Phương án Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 phải bố trí theo thứ tự ưu tiên của pháp luật. Tổng số dự án thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 dưới 5.000 dự án, giảm hơn một nửa so với giai đoạn 2016-2020, trong đó thu hồi dứt điểm số vốn ứng trước kế hoạch, hoàn thành các dự án chuyển tiếp, khởi công mới khoảng 2.236 dự án. Mức vốn bố trí bình quân cho 1 dự án là 210,4 tỷ đồng, cao gấp 2,4 lần so với giai đoạn 2016-2020 (88 tỷ đồng/dự án).

Chính phủ trình Quốc hội thông qua danh mục và mức vốn đầu tư cho các chương trình, dự án trọng điểm quốc gia và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành và đáp ứng yêu cầu tiến độ để cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đường vành đai 3, 4 của khu vực động lực Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, kết nối vùng đồng bằng sông Cửu Long, tuyến nối Tây Nguyên với Nam Trung Bộ, khu vực miền núi phía Bắc, tuyến đường ven biển, hành lang kinh tế Đông - Tây. Trong đó, tổng vốn ngân sách Trung ương cho 3 Chương trình mục tiêu quốc gia là 100.000 tỷ đồng. Cụ thể, chương trình phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số là 50 nghìn tỷ đồng; chương trình xây dựng nông thôn mới là 30.000 tỷ đồng; chương trình giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững là 20.000 tỷ đồng.

Đối với các dự án quan trọng quốc gia, Chính phủ đề nghị thông qua danh mục và mức vốn bố trí cho 2 dự án chuyển tiếp và khởi công mới 1 dự án đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư là 65.795,847 tỷ đồng; khoảng 38.738 tỷ đồng để đầu tư các đoạn tuyến thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam (giai đoạn 2). Số vốn còn lại (khoảng 78.719 tỷ đồng) để đầu tư các dự án đường bộ cao tốc, dự án trọng điểm khác, Chính phủ đề xuất dành cho các trường hợp phát sinh tiêu chí dự án quan trọng quốc gia. Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội cho phép kéo dài kế hoạch vốn các năm 2017, 2018 sang giai đoạn 2021-2025 của 12 dự án với số vốn là 4.118,884 tỷ đồng .

Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đặt mục tiêu xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội, hoàn thành các công trình quan trọng quốc gia, trọng điểm về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu, hạ tầng thông tin, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số…

Sau khi nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về kế hoạch Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. 

Thảo luận tại Tổ 11, đồng chí Đào Hồng Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh thống nhất quan điểm của Chính phủ trong Tờ trình, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách và cho rằng: Chính phủ chỉ đạo rất sát sao, chuẩn bị kỹ càng trong xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn trình Quốc hội. Kế hoạch lần này đã rút kinh nghiệm, khắc phục những hạn chế trong Kế hoạch nhiệm kỳ trước. Về điều kiện, tiêu chí, nguyên tắc phân bổ, thứ tự ưu tiên rất rõ. Trong đó, đã chỉ đạo các tỉnh rà soát danh mục dự án dự kiến bố trí Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025. Kiên quyết cắt bỏ các dự án chưa thực sự cần thiết. Về hiệu quả, cắt giảm số lượng dự án khởi công mới, hiện số lượng dự án khởi công mới đưa vào rất ít, cố gắng hoàn thành các dự án còn dở dang. Những chương trình trọng điểm mang tính động lực, lan tỏa, liên kết vùng được ưu tiên đầu tư. Tăng cường kiểm soát chặt chẽ về phạm vi, quy mô dự án theo đúng quy hoạch, định hướng, mục tiêu đã được duyệt và đảm bảo hiệu quả đầu tư của dự án trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc, tiêu chí về định mức, thứ tự ưu tiên để bố trí nguồn vốn theo Luật Đầu tư công và các Nghị quyết của Quốc hội…

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh Đào Hồng Lan cho biết: Trong Nghị quyết số 63 ngày 29-6-2021 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021, đầu năm 2022 và các văn bản chỉ đạo của các bộ, ngành quy định: Đến cuối năm tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 95% đến 100%; đến 30-9, tỉnh, thành phố nào chưa giải ngân được 60% thì sẽ cắt giảm nguồn vốn năm đó chuyển cho các đơn vị khác. Tuy nhiên, thời điểm này ảnh hưởng rất lớn của dịch COVID-19, vì vậy tiến độ thực hiện các dự án sẽ bị chậm. Vì vậy, đề xuất điều chỉnh thời hạn giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 kéo dài sang đầu năm 2022 cho phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời, thống nhất điều chuyển nguồn bảo đảm thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 vì tình hình diễn biến dịch COVID-19 vẫn đang rất phức tạp.

Nguồn: Báo Bắc Ninh