Những người thầy, cô không trồng cây mà chăm sóc cây

21/11/2024 08:22 Số lượt xem: 31

Không qua trường lớp sư phạm, không được đào tạo chính quy về nghiệp vụ, không phấn trắng, bảng đen không có ngày lễ 20/11... nhưng những viên chức, người lao động của Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Bắc Ninh (trực thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) vẫn được kính trọng gọi bằng “thầy”, “cô”, bởi “học trò” là những học viên đang cai nghiện ma túy. Những thầy giáo ấy vẫn đang ngày đêm gieo mầm xanh của niềm tin và hy vọng, thắp sáng con đường trở về nẻo thiện của những mảnh đời lầm lỡ. Nhiệm vụ của những người “thầy”  này không chỉ đơn giản giúp học viên cắt cơn nghiện mà còn cảm hóa, giáo dục, dạy nghề để những mảnh đời “lầm lỡ” nhận thức được sai lầm và tìm lối hoàn lương trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. 

Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Bắc Ninh đóng trên địa bàn Xã Ngọc Xá- Thị Xã Quế Võ – Tỉnh Bắc Ninh. Đơn vị có nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý chữa trị, giáo dục, lao động, rèn luyện và phục hồi hành vi nhân cách cho người nghiện ma túy. Hiện nay, đơn vị đang quản lý, chữa trị, giáo dục gần 300 học viên bao gồm cả bắt buộc và tự nguyện, đến từ nhiều tỉnh, thành khác nhau, có sự khác nhau về trình độ văn hóa, tuổi tác, dân tộc, tín ngưỡng tôn giáo.... Đa phần họ đều là những người nghiện ma túy nhiều năm, nhiều người thuộc thành phần phức tạp ở ngoài xã hội. Chính vì vậy, ngay khi tiếp nhận, Cơ sở tiến hành lập hồ sơ và phân loại học viên dựa trên cơ sở độ tuổi, đặc điểm nhân thân, mức độ nghiện, tiền án, tiền sự để lên kế hoạch sắp xếp buồng ở cho phù hợp, thuận tiện trong công tác quản lý và giáo dục. Sau đó, học viên được kiểm tra sức khỏe ban đầu, phân loại, vào bệnh án để có hướng điều trị, theo dõi và thực hiện quy trình cắt cơn, giải độc, lao động trị liệu, học tập phù hợp với từng học viên.


Buổi lên lớp của những người thầy, cô tại Cơ sở

Nếu chúng ta coi người thầy đứng trên bục giảng nhà trường là “giáo dục đi” thì những người “thầy” trong Cơ sở được coi là “giáo dục lại” cho những con người mà nguy cơ chết dần bởi những thứ hư ảo". đó là chất ma túy. Không chỉ tự hào được khoác lên mình bộ trang phục oai nghiêm mà những viên chức nơi đây còn vinh dự hơn khi được các học viên hằng ngày vẫn gọi bằng hai tiếng thân thương  “người thầy". Dù bụi phấn không rơi trên vai áo, nhưng mồ hôi, tâm sức luôn đẫm trên bộ trang phục mà những người “thầy" “cô” vẫn mặc hàng ngày. Những lớp học viên cai nghiện được tu dưỡng và rèn luyện khép lại với quá khứ lỗi lầm để trở về với cuộc sống, tái hoà nhập cộng đồng đó chính là kết tinh từ những bàn tay, khối óc và cả trái tim đầy bao dung của biết bao thế hệ viên chức, những con người ngày đêm miệt mài gieo trồng những mầm thiện để trả lại cho đời những cây còn xanh mà nguy cơ chết dần bởi những chất hư ảo của ma túy.

Bởi lẽ, công tác điều trị, quản lý, giáo dục lối sống hành vi nhân cách học viên là một công việc không hề đơn giản, bởi không chỉ thực hiện công tác chuyên môn dựa trên những quy định của pháp luật mà những viên chức còn như người thầy gieo những điều thiện cho những mảnh đời lầm lỗi tìm lối hoàn lương bằng lòng nhân ái và sự bao dung của mình. Ở mỗi học viên đều mang trong lòng một nỗi buồn riêng, một số phận riêng biệt, nên tính cách của mỗi học viên cũng không hề giống nhau đãn đến công tác quản lý, giáo dục lối sống nhân cách cũng gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, viên chức ở cơ sở phải linh hoạt trong giáo dục, luôn chủ động tìm hiểu, nắm bắt tâm lý để có biện pháp tiếp cận giáo dục phù hợp. Bởi vậy, không có giáo án chung nào cho một lớp học, mà mỗi học viên cần có cách tiếp cận riêng. Công việc của viên chức nơi đây là sát cánh 24h/24h với học viên, động viên học viên thắp sáng niềm tin, hy vọng cho những con người lầm lỡ để sớm trở về với gia đình, với cộng đồng xã hội. Vậy nên, nếu ví những ngày tháng ở Cơ sở để cai nghiện là một dòng sông thì nhữngviên chức nơi đây họ được ví như những người lái đò đặc biệt, chèo lái học viên từ chỗ có lối sống buông thả, đua đòi, thích cảm giác lạ trở thành những người biết sống, biết tuân thủ pháp luật, sống tốt đời, đẹp đạo có ích cho gia đình và xã hội.

Ông Nguyễn Hoàng Tùng – Bí thư chi bộ; Giám đốc Cơ sở chia sẻ: “ Nhiệm vụ của những viên chức tại Cơ sở không chỉ đơn thuần là quản lý, điều trị cai nghiện cho người nghiện ma túy mà nhiệm vụ quan trọng hơn đó là giáo dục, cảm hóa, làm thức tỉnh nhân cách, giúp học viên tìm lại được những suy nghĩ tích cực yên tâm cai nghiện, tích cực học tập, lao động, rèn luyện..  sớm được trở về với gia đình và xã hội để viết tiếp những ước mơ hoài bão còn dang dở”.

Và một điều không thể phủ nhận rằng, trên hành trình về con đường lương thiện của những người đã từng một thời lầm lỗi chót xa chân vào ma túy, luôn có sự quan tâm giáo dục, động viên, hướng dẫn của những viên chức Cơ sở. Để rồi khi ở ngoài xã hội khi vô tình gặp lại nhau, một nụ cười, một lời chào, hay một câu hỏi thăm cũng sẽ trở thành động lực để những viên chức Cơ sở vững tin hơn trên con đường mình đã và đang bước tiếp. Công việc vất vả, căng thẳng là vậy nhưng niềm vui và hạnh phúc cũng thật giản đơn và thầm lặng là học viên cai nghiện tại Cơ sở nhận ra lầm lỗi, ăn năn hối cải, hay khi được gọi là hai tiếng “người thầy” hay khi một học viên về gia đình, tái hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội.

Vẫn những trang giáo án, vẫn đứng lớp như bao giáo viên khác, nhưng các viên chức ở các Cơ sở cai nghiện lại không được vinh danh trong Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. Nhân dịp ngày 20/11 sắp đến, xin mạn phép được gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến những người đồng chí, đồng đội của tôi trên mọi miền tổ quốc đã và đang làm công tác quản lý, điều trị, giáo dục lối sống nhân cách cho học viên cai nghiện ma túy những “người thầy đặc biệt” “Những người thầy, cô không trồng cây mà chăm sóc cây” lời chức sức khỏe, hạnh phúc, luôn giữ vững tình yêu nghề; giữ vững bản lĩnh nghề nghiệp, làm việc tận tâm, tận lực; không ngừng trau dồi, nâng cao năng lực và đổi mới, sáng tạo phương pháp trong quản lý, điều trị, giáo dục lối sống nhân cách cho học viên tại Cơ sở./.

Nguyễn Văn Tú
Nguồn: Phòng Tuyên truyền - Tư vấn & CNCĐ