Bác Hồ với Tổng tuyển cử bầu Quốc hội

08/05/2021 11:06 Số lượt xem: 508

Trải qua 75 năm, với 14 nhiệm kỳ hoạt động, Quốc hội nước ta đã không ngừng lớn mạnh, thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Các thế hệ đại biểu Quốc hội luôn thể hiện và phát huy tốt tinh thần trách nhiệm, phẩm chất, trí tuệ, xứng đáng là đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân…

  

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 06/01/1946, với tinh thần yêu nước nồng nàn và khí thế hào hùng của cách mạng Tháng Tám, tất cả công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên trên khắp mọi miền của Tổ quốc đã nô nức tham gia cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên để bầu Quốc hội của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Sự kiện trọng đại này đã đi vào lịch sử nước ta như một mốc son, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ, mở ra một thời kỳ phát triển mới của đất nước.

Ngày 3/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ  tịch Hồ Chí Minh đã nêu 6 vấn đề cấp bách nhất cần giải quyết. Một trong 6 vấn đề đó là tổ chức Tổng tuyển cử để bầu ra Quốc hội chính thức và cử ra Chính phủ của dân, đồng thời,  thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp. Để mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng bộ Việt Minh quyết định mời tất cả những người ngoài mặt trận Việt Minh cùng đứng chung danh sách ứng cử. Điều này chứng tỏ Việt Minh luôn tôn trọng quyền tự do, dân chủ của Nhân dân và thể hiện thiện chí vì quyền lợi tối cao của dân tộc.

Cùng với  quá  trình đấu tranh, đoàn kết, tạo không khí chính trị ổn định cho Tổng tuyển cử. Chính phủ đã nhanh chóng soạn thảo Hiến pháp và triển khai sâu rộng công tác Tổng tuyển cử trong cả nước, xem đây là cuộc vận động chính trị hết sức rộng rãi trong toàn dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà. Trong cuộc Tổng tuyển cử hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ứng cử, hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử, không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam đều có hai quyền đó. Vì lẽ đó nên Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng, tức là dân chủ, đoàn kết”.

Cùng với việc chuẩn bị chu đáo cho cuộc bầu cử Quốc hội khóa I, để cổ vũ, động viên Nhân dân cả nước tích cực thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ của mình, ngày 5/1/1946, trước Tổng tuyển cử một ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có lời kêu gọi toàn dân đi bỏ phiếu. “Ngày mai là một ngày đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ”, “Là ngày đầu tiên trong lịch sử Việt  Nam mà Nhân dân ta bắt đầu tận dụng, hưởng quyền dân chủ của mình… Ngày mai, Nhân dân ta sẽ tỏ rõ cho các chiến sĩ miền Nam rằng:  Về mặt trận quân sự thì các chiến sĩ dùng súng đạn mà chống quân thù. Về mặt chính trị thì Nhân dân dùng lá phiếu mà chống với quân địch, một lá phiếu cũng có sức nặng như một viên đạn”. Vì thế mà “Ngày mai, tất cả các bạn cử tri, đều phải nhớ đi bầu cử. Ngày mai, mỗi người dân đều vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do”.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Nhân dân Việt Nam được tham gia bầu cử với một thể thức dân chủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bỏ lá phiếu đầu tiên tại hòm phiếu số 10 đặt tại phố Hàng Vôi (nay là phố Lý Thái Tổ) trong tiếng hô vang chào đón không ngớt của cử tri. Vượt qua bao khó khăn, gian khổ do bọn phản động trong nước và thế lực xâm lược chống phá quyết liệt, cuộc Tổng tuyển cử đã giành thắng lợi trong cả nước.  Số cử tri tham gia bỏ phiếu là 89%, bầu được 333 đại biểu, trong đó, 57% số đại biểu thuộc  các đảng phái yêu nước và cách mạng khác nhau, 43% không đảng phái, có 10 đại biểu là nữ và 34 đại biểu các dân tộc thiểu số.

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên có ý nghĩa đặc biệt lớn.

- Tổng tuyển cử đã chính thức hóa, chính quy hóa bằng cách lập ra Quốc hội. Từ đó cử ra Chính phủ chính thức; ban hành Hiến pháp; tạo dựng một bộ máy chính quyền chính thức hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho Nhân dân Việt Nam về đối nội, đối ngoại. Đồng thời thể hiện sự tôn trọng và tin tưởng quyền làm chủ của Nhân dân, thực hiện chủ quyền Nhân dân.

- Tổng tuyển cử tuy là lần đầu tiên ở nước ta nhưng đã thể hiện một cách đầy đủ nội dung, yêu cầu của nguyên tắc bầu cử mới, tự do bầu cử, ứng cử, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín mà không phải bất kỳ một nước dân chủ ngay từ đầu có thể làm được.

- Việc tuyển cử, vận động bầu cử được tiến hành rộng rãi, dân chủ và thực chất. Bốn là: Quy trình tổ chức bầu cử dân chủ, tiến bộ nhất đến lúc này đã được quy định và áp dụng.

Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam nhằm mục đích và bảo đảm yêu cầu: Tuyên truyền sâu rộng về quá trình hình thành và phát triển của Quốc hội, thể hiện rõ lịch sử phát triển của Quốc hội, gắn liền với lịch sử cách mạng Việt Nam. Nhằm tăng cường sự hiểu biết của Nhân dân về vị trí, vai trò, nhiệm vụ của Quốc hội trong hệ thống chính trị của nước ta. Đồng thời để nâng cao vị thế, hình ảnh và uy tín của Quốc hội trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Ngày 6/1/1946 đã đi vào lịch sử của dân tộc ta. Qua 14 nhiệm kỳ, Quốc hội nước ta đã không ngừng lớn mạnh, thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của  Hiến pháp và pháp luật. Các thế hệ đại biểu Quốc hội luôn thể hiện và phát huy tốt tinh thần trách nhiệm.

Chủ nhật, ngày 23/5/2021, Quốc hội sẽ tiến hành bầu cử lần thứ 15 để bầu Quốc hội khóa XV và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026. Từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đến các kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp sau đó khẳng định mục tiêu bầu cử là lựa chọn những đại biểu có đủ đức và tài, xứng đáng, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân tại các cơ quan quyền lực Nhà nước, góp phần xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân.