Bảo đảm an toàn trong mọi tình huống thiên tai xảy ra
Biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến phức tạp, bất thường là nguyên nhân chính khiến chúng ta không thể chủ quan, buông lỏng trong công tác phòng, chống thiên tai, nâng cao khả năng phòng, chống mưa, bão, lũ để bảo đảm an toàn tài sản, tính mạng nhân dân trong mọi tình huống, nhất là an toàn trong sản xuất nông nghiệp.
Ghi nhận lớn nhất trong công tác phòng, chống thiên tai của tỉnh đó là việc tu bổ hoàn thiện về cao trình, mặt cắt, cải tạo nâng cấp và cứng hóa mặt đê; gia cố hoàn chỉnh, kéo dài các kè xung yếu, làm mới, bổ xung và xây lại các cống dưới đê, tăng khả năng chống lũ… được Chính phủ, các Bộ, Ngành Trung ương và tỉnh quan tâm đầu tư đồng bộ, kiên cố. Các công trình chống úng gồm 676 trạm bơm (hệ thống Bắc Đuống 408 trạm, hệ thống Nam Đuống 268 trạm), kênh mương nội đồng 4.600 tuyến, tổng chiều dài là 4.448,2km thường xuyên được đầu tư cải tạo nâng cấp, xây mới, bảo đảm khả năng chống úng ở mức cao nhất.
Tuy nhiên do hệ thống đê đi qua nhiều vùng, khu vực có nền địa chất mềm yếu, đất đắp đê có hàm lượng pha cát lớn, không đồng nhất, một số khu vực ven đê còn ao, hồ, thùng đấu nên tiềm ẩn rủi ro khó lường, ảnh hưởng đến an toàn của đê, nhất là khi có lũ cao, ngâm lâu và gặp tổ hợp gió bão lớn dễ dẫn đến sụt, lún, lứt và sạt lở. Đối với các công trình chống úng, do tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hoá nhanh và chuyển dịch cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp kết hợp với tình trạng vi phạm Luật Thủy lợi như lấn chiếm thu hẹp lòng kênh, xả thải vào kênh tiêu gây bồi lắng, ắch tắc, đặc biệt là các tuyến kênh đi qua các khu công nghiệp chưa được xử lý triệt để… sẽ dẫn đến ngập úng cục bộ khi mưa lớn xảy ra, gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp. Một số trạm bơm tiêu xuống cấp. chưa được tu bổ kịp thời nên khả năng tiêu nước ở một số diện tích sản xuất bị hạn chế.
Với phương châm “Chung tay xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai”” nhằm giảm nhẹ đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra; giữ vững hệ thống đê sông chính gồm 4 tuyến: Tả, hữu sông Đuống, hữu sông Cầu, hữu sông Thái Bình, hữu sông Cà Lồ; kiên quyết không để vỡ các tuyến đê bối (đê cấp V) đột ngột vào ban đêm; chủ động kịp thời tiêu nước đệm, bơm tiêu úng khi có mưa lớn xảy ra, hạn chế tối đa diện tích úng ngập mất trắng, đảm bảo an toàn cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh... các cấp, ngành, địa phương tích cực triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống thiên tai, bão lũ.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và PTNT khẳng định: Chi cục chủ động nắm bắt kịp thời diễn biến thời tiết, tham mưu với Sở Nông nghiệp và PTNT triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, tránh và khắc phục hậu quả do bão, mưa, lũ gây ra sát với tình hình thực tế. Tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức, trách nhiệm trong nhân dân về thực hiện phòng, chống thiên tai, bão, lũ, nhất là nhân dân sinh sống ven đê, trong vùng bối. Phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý Khu công nghiệp tỉnh, các đơn vị chức năng giải quyết triệt để tình trạng ách tắc dòng chảy qua các KCN và tình trạng lấn chiếm hành lang công trình thủy lợi, bảo đảm hiệu quả sản xuất và an toàn tài sản, tính mạng nhân dân trong mùa mưa bão.
Toàn tỉnh xác định 15 trọng điểm cấp tỉnh, yêu cầu các địa phương rà soát các điểm xung yếu và phân giao trách nhiệm cho các xã, phường ven đê dự kiến tình huống sự cố, chuẩn bị đầy đủ điều kiện thiết yếu để chủ động xử lý khi có sự cố xảy ra. Hiện đã hoàn thành khối lượng tu bổ đê, kè, cống do Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh giao, bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình. Công tác quản lý, bảo vệ công trình chống lũ, chống úng được nâng cao một bước. Thực trạng vi phạm công trình chống lũ, chống úng đang được xử lý mạnh tay: Tình trạng xe quá tải trọng đi lại trên đê; xây dựng nhà, công trình phụ vi phạm hành lang bảo vệ đê; đổ rác thải lấn chiếm lòng kênh tiêu… đang được giải quyết triệt để. Nhận thức cộng đồng trong việc thực hiện Luật phòng, chống thiên tai, Luật Đê điều, Luật Thủy lợi có nhiều chuyển biến… Những kết quả tích cực này là cơ sở vững chắc cho một xã hội an toàn trước thiên tai.