Xây dựng thương hiệu tỏi An Thịnh
Cây tỏi từ lâu được người dân xã An Thịnh, huyện Lương Tài - địa phương chủ yếu gắn với sản xuất nông nghiệp, coi là cây màu chủ lực mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo. Tiếng thơm tỏi An Thịnh ngày càng được nhiều người biết tới và được UBND tỉnh lựa chọn là sản phẩm tiêu biểu để xây dựng chỉ dẫn địa lý đầu tiên tại Bắc Ninh.
Tỏi hun khô của gia đình ông Đỗ Danh Nhiệm.
Tỏi là cây màu truyền thống lâu đời được người dân trồng trên đồng đất An Thịnh từ thế hệ này qua thế hệ khác. Với chất đất thịt pha cát nhẹ nên tỏi ở đây củ to đều, nhánh mẩy bóng, đặc biệt, đây là loại cây không có sâu bệnh nên giữ được nguyên hương vị khi không bị phun tạp chất. Thứ làm nên đặc trưng của tỏi là mùi thơm nồng, cay, chất tinh dầu đậm đặc hơn các loại tỏi khác, ngoài làm dùng gia vị ăn hàng ngày có thể ngâm rượu để chữa các bệnh cảm mạo, viêm họng thông thường hoặc chế làm thuốc phòng sâu bệnh sinh học cho cây trồng.
Không chỉ chất lượng, tỏi An Thịnh còn có năng suất và giá trị kinh tế cao, từ 7 -8 tạ tỏi tươi/sào, sau khi hun, sấy, năng suất còn khoảng 3 tạ/sào, người dân có thể vừa bán tỏi tươi, vừa để dành bán khô. Bình quân thu nhập mang lại khoảng 3 - 5 triệu đồng/sào, lúc được giá có thể đạt đỉnh điểm từ 10 - 13 triệu đồng/sào.
Tỏi được trồng nhiều nhất tại thôn An Trụ bởi nơi đây có thổ nhưỡng phù hợp nhất. Có mặt tại nhà ông Nguyễn Tăng Tú, gia đình ông đang tất bật tách nhánh tỏi để chuẩn bị giống cho vụ mới. Ông vui vẻ chia sẻ: “Năm ngoái giá tỏi lúc đầu vụ được 13.000 đồng/kg, cao điểm lên tới 18.000 đồng/kg cân tươi tại ruộng, gia đình tôi chỉ trồng 2 sào nhưng cũng thu lãi khá, được 7 - 8 triệu/ sào, hơn nhiều 2 vụ trồng lúa, vì vậy, năm nay tôi chuẩn bị giống để sản xuất vụ sớm”.
Không chỉ chất lượng, tỏi An Thịnh còn có năng suất và giá trị kinh tế cao, từ 7 -8 tạ tỏi tươi/sào, sau khi hun, sấy, năng suất còn khoảng 3 tạ/sào, người dân có thể vừa bán tỏi tươi, vừa để dành bán khô. Bình quân thu nhập mang lại khoảng 3 - 5 triệu đồng/sào, lúc được giá có thể đạt đỉnh điểm từ 10 - 13 triệu đồng/sào.
Tỏi được trồng nhiều nhất tại thôn An Trụ bởi nơi đây có thổ nhưỡng phù hợp nhất. Có mặt tại nhà ông Nguyễn Tăng Tú, gia đình ông đang tất bật tách nhánh tỏi để chuẩn bị giống cho vụ mới. Ông vui vẻ chia sẻ: “Năm ngoái giá tỏi lúc đầu vụ được 13.000 đồng/kg, cao điểm lên tới 18.000 đồng/kg cân tươi tại ruộng, gia đình tôi chỉ trồng 2 sào nhưng cũng thu lãi khá, được 7 - 8 triệu/ sào, hơn nhiều 2 vụ trồng lúa, vì vậy, năm nay tôi chuẩn bị giống để sản xuất vụ sớm”.
Đang thoăn thoắt chọn củ rồi tách tỏi giống, ông Đỗ Danh Nhiệm, một người có diện tích trồng tỏi thuộc diện lớn nhất thôn An Trụ cho hay: “Mỗi năm nhà tôi có khoảng 8 sào trồng tỏi, nên phải trồng rải vụ. Tỏi đầu vụ thường bán có lãi hơn nên tôi phải khẩn trương làm giống. Như năm ngoái, sau khi trừ chi phí thuê máy làm đất, lên luống và nhân công đặt tỏi giống, cũng thu được hơn 60 triệu đồng”.
Hầu hết các nhà ở thôn An Trụ đều có một khu bếp để dành cho việc hun khô tỏi. Tỏi sau khi thu hoạch về mang phơi nắng là đem vào cho lên gác bếp, cứ thế dùng rơm khô hun vài ngày cho ra màu vàng rộm, khác hẳn màu vàng nhạt của tỏi được sấy công nghiệp.
Tỏi là cây màu truyền thống thế mạnh của xã chiếm hơn 1 nửa diện tích sản xuất vụ đông với diện tích 80ha, nhờ giá trị của cây tỏi đã biến vụ đông ở An Thịnh trở thành vụ sản xuất thứ 3 trong năm. Nhận thấy được tiềm năng của loại cây trồng này, đầu năm 2018, UBND tỉnh phê duyệt Đề án xây dựng, quản lý và quảng bá thương hiệu cho một số sản phẩm nông nghiệp và làng nghề tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2018 - 2020, trong đó xây dựng chỉ dẫn địa lý cho tỏi An Thịnh.
Theo ông Nguyễn Văn Đông, Trưởng phòng Quản lý chuyên ngành, Sở Khoa học và Công nghệ, hiện nay, Sở đang cùng đơn vị tư vấn khảo sát và bước đầu xây dựng kế hoạch phát triển tỏi An Thịnh. Ông Đông khẳng định, việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm tỏi An Thịnh là hết sức cần thiết khi chúng ta đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế bảo hộ sở hữu trí tuệ cho nông sản. Nếu các chỉ dẫn địa lý được khai thác tốt sẽ mang lại nguồn lợi rất lớn, thu hút doanh nghiệp về đầu tư, nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho người dân.
Tuy nhiên, hiện nay, việc tiêu thụ cây tỏi vẫn chưa ổn định, chưa có kênh bao tiêu sản phẩm mà chủ yếu được thương lái về thu mua tận nơi, giá cả còn bấp bênh. Mặc dù người dân để lại sấy khô bán dần, nhưng do bảo quản còn thô sơ nên vẫn có tỷ lệ hao hụt nhất định. Để chuẩn bị cho việc xây dựng thương hiệu tỏi An Thịnh, trong thời gian tới, xã An Thịnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức về việc gìn giữ uy tín, nâng cao năng suất, chất lượng cây tỏi, tích cực sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Đi liền với đó là quy hoạch vùng sản xuất theo quy mô tập trung, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất thay đổi tư duy canh tác nhỏ lẻ, manh mún; tích cực tổ chức cho các hộ dân tham gia hoạt động xúc tiến thương mại góp phần quảng bá sản phẩm địa phương.
Nguồn:
Cổng TTĐT tỉnh