Nông nghiệp công nghệ cao trên vùng quê Lương Tài

20/07/2018 14:43 Số lượt xem: 244

  Về huyện Lương Tài vào những ngày đầu xuân, chúng tôi cảm nhận được sự “thay da đổi thịt” mạnh mẽ của vùng đất thuần nông. Dọc hai bên đường những dãy nhà cao tầng san sát rực rỡ cờ hoa; xa xa là những cánh đồng xanh mát, những trang trại hiện đại ứng dụng công nghệ cao mang lại một diện mạo mới cho sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị kinh tế và đời sống người dân trong huyện.

Được đầu tư xây dựng từ năm 2016, trang trại nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trồng tía tô xuất khẩu sang Nhật Bản tại xã Lâm Thao (Lương Tài) của Công ty CP Tập đoàn Hồ Gươm có diện tích 11,3ha, tổng vốn đầu tư khoảng 150 tỷ đồng, trong đó 8,2 ha nhà kính trồng tía tô, 3 ha xây dựng các công trình phụ trợ khác như: Nhà xưởng, ao hồ, đường đi, cây xanh… Từ giữa năm 2017, những lô hàng lá tía tô đầu tiên đã được xuất khẩu sang Nhật Bản với giá thành từ 700 đến 1.000 đồng/lá, đem lại doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Cùng với mô hình trang trại trồng tía tô xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, tại Lương Tài đã hình thành khoảng 20 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

       Trưởng phòng Nông nghiệp& PTNT huyện Phạm Xuân Sản cho biết: “Xác định ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân, nên huyện Lương Tài luôn mạnh dạn đầu tư để phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Nhiều tiến bộ khoa học, kỹ thuật được ứng dụng vào thực tiễn như: Lúa lai Syn6, GS9, Qưu số 1... ngô lai NK4300, HN88... cà rốt lai Ti 103, VL 444 F1... khoai tây Atlantic, Diamant... lạc L14, L18... đậu tương DT84, DT 99; Các mô hình trồng hoa lily trong nhà lưới, măng tây xanh theo tiêu chuẩn Viet GAP, hệ thống tưới tiết kiệm tự động cho rau màu... được triển khai đã nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác.

 

  

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp& PTNT thăm mô hình trồng cà rốt tại xã Minh Tân (Lương Tài).

         Cùng với việc tăng cường ứng dụng các biện pháp kỹ thuật trong thâm canh như: kỹ thuật che phủ nilon cho mạ, cấy theo phương pháp hàng rộng - hàng hẹp, trồng khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu, phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM... huyện còn quan tâm đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa vào các khâu sản xuất như: gieo cấy, tưới, tiêu, chăm sóc, thu hoạch... góp phần giải phóng sức lao động, hạ giá thành sản phẩm, đẩy nhanh quá trình CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn.

        Trong chăn nuôi, công nghệ chuồng kín với hệ thống làm mát, máng ăn và nước uống tự động, xử lý chất thải bằng công nghệ bể bioga, đệm lót sinh học, các tiến bộ kỹ thuật về giống vật nuôi như lợn siêu nạc cao sản 3-4 máu, gà, vịt, ngan siêu thịt, siêu trứng... được triển khai rộng rãi. Nhiều hộ áp dụng công nghệ nuôi cá thâm canh, sử dụng chế phẩm vi sinh trong xử lý môi trường ao nuôi, một số hộ dân nuôi thành công cá lồng trên sông Đuống, sông Thái Bình...

         Theo Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Thị Hà, với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, Lương Tài đã triển khai xây dựng một số mô hình sản xuất nông nghiệp sạch mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Sản xuất lúa theo quy trình VietGAP ở Quảng Phú; mô hình rau chuyên canh ứng dụng công nghệ cao gắn với sơ chế bảo quản ở Minh Tân; sản xuất hoa cao cấp trong nhà lưới, nhà kính ở Lôi Châu (An Thịnh)... Đồng thời thu hút được một số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp như: Công ty Cổ phần Tập đoàn Hồ Gươm, Công ty cổ phần thực phẩm sạch Lương Tài, Công ty TNHH xuất nhập khẩu nông sản Hải Phong, Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Hưng Gia Nguyễn, Công ty TNHH xuất nhập khẩu Vĩnh Cửu, Công ty TNHH lợn giống DABACO Lương Tài...

 

  

Sơ chế, đóng gói lá tía tô xanh xuất khẩu tại trang trại của Công ty CP Tập đoàn Hồ Gươm tại xã Lâm Thao (Lương Tài).

         Tích cực ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, sản xuất nông nghiệp của Lương Tài chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế và chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần làm tăng khối lượng cũng như chất lượng nông sản. Tuy nhiên, do sản xuất nông nghiệp của huyện vẫn còn manh mún; trình độ kỹ thuật của nông dân được cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng kịp đòi hỏi thực tế; vốn đầu tư cho sản xuất còn thấp và chưa tập trung nên việc áp dụng, nhân rộng những mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.

        Thời gian tới, huyện chủ trương đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao một cách toàn diện, phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm từ 20 đến 30% giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện. Để đạt được các mục tiêu trên, giải pháp trọng tâm được xác định là: Quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp với điều kiện, lợi thế từng địa phương; khuyến khích nông dân, các tổ chức cá nhân tích tụ ruộng đất để phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Tạo điều kiện thuận lợi nhất về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để các tổ chức, cá nhân có điều kiện pháp lý vay vốn đầu tư phát triển nông nghiệp. Tuyên truyền rộng rãi các chính sách của tỉnh, của Trung ương về khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường hợp tác với các đơn vị, các nhà khoa học, các doanh nghiệp để chuyển giao công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp. Đồng thời rút kinh nghiệm của các địa phương khác, lựa chọn công nghệ cao áp dụng một cách linh hoạt vào điều kiện cụ thể của huyện.

Nguyễn Tuấn
Nguồn: http://baobacninh.com.vn