Sở Tài chính quán triệt công tác bảo vệ bí mật nhà nước

11/10/2023 10:35 Số lượt xem: 23

Ngày 29/9/2023, Sở Tài chính ban hành Công văn số 1428/STC-VP về quán triệt công tác bảo vệ bí mật nhà nước.

Theo đó, để công tác bảo vệ bí mật nhà nước (BMNN) được thực hiện đảm bảo quy định, Giám đốc Sở yêu cầu các phòng, đơn vị tuyên truyền, quán triệt, triển khai, thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Chỉ thị, Quyết định của Thủ tướng Chỉnh phủ, quy định của UBND tỉnh về công tác bảo vệ BMNN đến toàn thể công chức, viên chức, người lao động (viết tắt là cán bộ) như: Luật số 29/2018/QH14 về Bảo vệ BMNN; Nghị định số 26/2020/NĐ-CP, ngày 28/2/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ BMNN; Nghị định số 144/2021/NĐ-CP, ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình; Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 04/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về công tác bảo vệ BMNN trên không gian mạng; Quyết định số 13/2023/QĐ-UBND ngày 13/02/2023 của UBND tỉnh Quyết định ban hành Quy chế bảo vệ bí mật nhà nước trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh; Văn bản số 13/BCĐ-CAT ngày 26/8/2023 của Ban Chỉ đạo công tác bảo vệ bí mật nhà nước tỉnh về quán triệt thực hiện công tác bảo vệ BMNN; Quyết định số 120/QĐ-STC ngày 29/6/2022 của Sở Tài chính về Nội quy Bảo vệ bí mật nhà nước.....

Bên cạnh đó, yêu cầu các phòng, đơn vị thực hiện nghiêm việc xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước. Trưởng các phòng, đơn vị chịu trách nhiệm về việc xác định nội dung soạn thảo thuộc danh mục bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước.

Soạn thảo và phát hành văn bản bí mật nhà nước: Cán bộ được giao soạn thảo văn bản bí mật nhà nước có trách nhiệm bảo vệ nội dung bí mật nhà nước trong quá trình soạn thảo, tạo ra. Dự thảo văn bản có nội dung bí mật nhà nước phải được quản lý, bảo vệ như văn bản ban hành chính thức từ khi soạn thảo và tiêu hủy ngay sau khi hoàn thành việc soạn thảo, tạo ra nếu thấy không cần thiết phải lưu giữ.

Tài liệu bí mật nhà nước phải thể hiện nơi nhận, số lượng bản phát hành, tên người soạn thảo, được phép hoặc không được phép sao, chụp ở mục nơi nhận của tài liệu.

Giao, nhận tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước: Các phòng, đơn vị phải mở sổ theo dõi việc giao, nhận tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước bằng "Sổ đăng ký bí mật nhà nước đến" và "Sổ đăng ký bí mật nhà nước đi" theo quy định.

Tuyệt đối không soạn thảo, lưu giữ tài liệu có chứa nội dung bí mật nhà nước trên máy tính hoặc thiết bị khác đã kết nối hoặc đang kết nối với mạng Internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, trừ trường hợp lưu giữ bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật về cơ yếu.

Giao Văn phòng Sở tham mưu, đề xuất, thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở các phòng, đơn vị triển khai việc thực hiện công tác bảo vệ bí mật nhà nước theo quy định. Không phát hành văn bản mật trong trường hợp văn bản không đúng thể thức và không có phiếu đề xuất của các phòng, đơn vị có phê duyệt của Lãnh đạo Sở.

Văn thư khi gửi, nhận văn bản qua Hệ thống quản lý văn bản và điều hành cần xem xét, rà soát kỹ, đảm bảo tuyệt đối không để tài liệu có nội dung bí mật nhà nước chưa được mã hóa theo Luật cơ yếu được lưu giữ, truyền đưa trên Hệ thống quản lý văn bản và điều hành. Khi gửi tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước qua dịch vụ bưu chính phải được thực hiện theo quy định của pháp luật về bưu chính (dịch vụ bưu chính KT1).

(Kèm theo Công văn số 1428/STC-VP)