Đăng ký khai sinh - Quyền của trẻ em Nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền đăng ký Hộ tịch

08/05/2017 15:13 Số lượt xem: 2194

Đăng ký khai sinh cho trẻ em là quyền đồng thời là nghĩa vụ và trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức có thẩm quyền.

       Tại điều 15 - Luật Hộ tịch quy định: “Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con; trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông, bà, người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em. Công chức Tư pháp - Hộ tịch thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc đăng ký khai sinh cho trẻ em trên địa bàn trong thời hạn quy định; trường hợp cần thiết thì thực hiện đăng ký khai sinh lưu động”. Cũng theo quy định của pháp luật về Hộ tịch, ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức Tư pháp - Hộ tịch ghi nội dung khai sinh vào Sổ hộ tịch; cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, trình Lãnh đạo UBND xã ký cấp giấy khai sinh. Nội dung Giấy khai sinh xác định những thông tin về bản thân người được đăng ký khai sinh như họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, dân tộc, quốc tịch, nơi sinh và thông tin về cha, mẹ của người được đăng ký khai sinh. Trong các loại giấy tờ hộ tịch thì Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc, gắn liền với mỗi cá nhân từ khi sinh ra đến khi chết đi. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung ghi về họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; giới tính, dân tộc; quốc tịch; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với Giấy khai sinh của người đó.

          Quyền được khai sinh là một trong những quyền nhân thân quan trọng của trẻ em không chỉ được pháp luật quốc tế quy định và bảo vệ mà pháp luật nước ta cũng đã thể chế hóa quyền được khai sinh này. Điều 30, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định “Cá nhân khi sinh ra có quyền được khai sinh”  và Điều 11 của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 quy định “Trẻ em có quyền được khai sinh và có quốc tịch”. Quyền khai sinh của cá nhân được pháp luật quy định là việc khẳng định sự bảo vệ của Nhà nước đối với giá trị của quyền khai sinh. Quyền được khai sinh là quyền đầu tiên khẳng định trẻ em là một công dân một quốc gia, là một công dân bình đẳng như mọi công dân khác và đây là cơ sở phát sinh các quyền và nghĩa vụ của công dân, mà quyền đầu tiên ở đây của trẻ em là quyền được chăm sóc và bảo vệ.

          Để bảo đảm quyền khai sinh cho trẻ em trong những trường hợp đặc biệt như trẻ em bị bỏ rơi; trẻ em chưa xác định được cha, mẹ; trẻ em sinh ra do mang thai hộ, pháp luật nước ta đã quy định cụ thể thẩm quyền đăng ký khai sinh trong các trường hợp này tại Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch. Theo các quy định này, với các trình tự, thủ tục khác nhau, các tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm xác minh, đăng ký khai sinh cho trẻ để đảm bảo quyền được khai sinh theo quy định của pháp luật.

         Trên thực tế, có rất nhiều trường hợp trẻ em sinh ra khi bố mẹ chưa hoặc không đăng ký kết hôn (con ngoài giá thú) do tâm lý e ngại nên nhiều người thân thường chậm hoặc không làm thủ tục khai sinh cho trẻ, ảnh hưởng đến quyền lợi của trẻ dẫn đến nhiều trẻ đủ tuổi đi học vẫn chưa có giấy khai sinh. Trong khi đó, Luật Hộ tịch và các văn bản liên quan đã quy định thủ tục khai sinh cho con ngoài giá thú cũng giống như thủ tục đối với trẻ em sinh ra có bố mẹ, tuy nhiên khi khai sinh, phần khai về người cha trong tờ khai và giấy khai sinh của trẻ để trống. Tại thời điểm đăng ký khai sinh, nếu có người nhận con thì cán bộ Tư pháp - Hộ tịch thực hiện kết hợp việc đăng ký khai sinh và nhận cha, mẹ, con và tên người cha đã được công nhận sẽ được ghi ngay vào giấy khai sinh của trẻ.

          Quyền khai sinh của trẻ còn được cụ thể hóa tại Thông tư 15/2015/TT-BTP ngày 16/11/2015 với quy định đăng ký khai sinh lưu động. Trường hợp trẻ em sinh ra mà cha mẹ bị khuyết tật, ốm bệnh không thể đi đăng ký khai sinh cho con; cha mẹ bị bắt, tạm giam hoặc đang thi hành án phạt tù mà không còn ông bà nội, ngoại và người thân thích khác hoặc những người này không có điều kiện đi đăng ký khai sinh cho trẻ thì Ủy ban nhân dân xã tiến hành đăng ký khai sinh lưu động. Ủy ban nhân dân xã có trách nhiệm bố trí thời gian, kinh phí, nhân lực để thực hiện đăng ký khai sinh lưu động theo quy định của pháp luật với hình thức phù hợp, đảm bảo quyền khai sinh của trẻ em được đảm bảo kịp thời.

           Tăng cường công tác quản lý hộ tịch tại địa phương; nâng cao trách nhiệm, năng lực và trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác Hộ tịch được quy định tại điều 72 - Luật Hộ tịch;  thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về Hộ tịch đặc biệt là các quy định về đăng ký khai sinh là một giải pháp hữu hiệu để quy định “Cá nhân sinh ra có quyền đăng ký khai sinh” được thực hiện, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân./.

Vũ Thị Tố Thanh
Nguồn: PTP