Mô hình “Biến rác thành tiền” của chi hội phụ nữ khu 10 phường Đại Phúc.

02/11/2024 12:57 Số lượt xem: 21

Duy trì tháng 01 lần, trên con đường quê sạch sẽ lại tấp nập bóng dáng của các bà, các mẹ, các chị em hội viên phụ nữ khu phố 10 truyền tay nhau những hộp bìa các tông, vỏ lon, chai chựa. Người thì làm nhiệm vụ phân loại, người thì làm nhiệm vụ rỡ bìa hộp, gập lại thành từng bó, người thì phân loại vỏ lon, chai nhựa vào từng chiếc túi, loại nào ra loại đấy. Sau đó, buộc lên xe máy, chở đến nơi thu mua vật liệu tái chế để cân, bán lấy tiền gây quỹ tình thương.

Để thực hiện có hiệu quả mô hình, Chi hội phụ nữ khu 10 đã tập hợp hội viên phụ nữ tự thu gom, phân loại rác thải tại hộ gia đình và trên các tuyến đường làng, ngõ xóm như: Vỏ lon bia, lon nước ngọt, chai nhựa, hộp nhựa, vỏ hộp giấy, báo... Hằng tuần, chị em mang đến điểm tập kết tại nhà của Chi hội trưởng phụ nữ khu phố 10, bỏ vào thùng đựng rác tái chế để bán. Trong quá trình làm, các chị vừa thu gom phân loại xử lý rác thải, vừa tuyên truyền, vận động Nhân dân bỏ rác đúng nơi quy định, làm đẹp môi trường sống.

Hình ảnh thu gom phế liệu của Chi hội phụ nữ

Mô hình “biến rác thải thành tiền” có ý nghĩa rất nhân văn. Sau gần hai năm triển khai thực hiện, mô hình đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của hội viên và nhân dân trong khu phố. Các thùng gom rác được đặt tại nhà văn hóa, chùa và tuyến đường chính của khu. Trung bình hàng tháng thu được từ mô hình biến rác thải thành tiền là 400.000 đến 600.000 đồng. Số tiền bán được hàng tháng sẽ được chi hội gây quỹ tặng quà cho nhiều trẻ em mồ côi và các hội viên, phụ nữ nghèo, khó khăn.

Hình ảnh thu gom phế liệu của Chi hội phụ nữ

Giờ đây việc phân loại và thu gom rác tái chế đã thành thói quen của mỗi hội viên, lan tỏa mạnh mẽ trong các tầng lớp phụ nữ. Có mặt tại một buổi thu gom “Biến rác thành tiền” tại chi hội phụ nữ khu 10, phường Đại Phúc mới thấy được không khí vui vẻ và tích cực khi đông đảo hội viên mang rác đến góp. Chị Nguyễn Thị Vân - Chi hội trưởng CHT phụ nữ khu 10 cho  biết: “Nói vận động ủng hộ tiền thì đơn giản, nhưng gom rác vô cơ tái chế bán, vừa ý nghĩa, vừa tốt cho môi trường, ai ai cũng ủng hộ. Gia đình tôi cũng đã thực hiện phân loại rác thải tại nguồn 2 năm nay. Tham gia mô hình, bên cạnh thùng rác vô cơ, hữu cơ, tôi để thêm 1 thùng đựng vỏ lon bia, chai nhựa. Hàng tháng vào ngày 30, tôi mang ra góp cùng chị em”.

Những mô hình phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình; chống rác thải nhựa cụ thể hóa với mô hình “Biến rác thành tiền” và bảo vệ môi trường của các cấp Hội  đã mang lại hiệu quả thiết thực. Điều đáng ghi nhận, từ những mô hình này đã lồng ghép được việc thực hành tiết kiệm với các hoạt động xã hội, từ thiện, từ đó tạo sợi dây gắn bó với các hội viên phụ nữ trên địa bàn phường với nhau, cùng nhau xây dựng tổ chức hội ngày càng lớn mạnh./.

Trần Thị Thúy Diệp - CB văn hóa xã hội

UBND phường Đại Phúc
Vui lòng nhập nhiều hơn 5 tin để hiển thị!