UBND phường Đại Phúc tổ chức lễ Hội Đền thờ danh nhân Nguyễn Phúc Xuyên

17/05/2024 09:47 Số lượt xem: 11

Hàng năm cứ vào dịp 10/4 (âm lịch) UBND phường Đại Phúc tổ chức Lễ Hội Đền thờ danh nhân Nguyễn Phúc Xuyên nhằm thể hiện tấm lòng thành kính của người trong họ, của dân làng Đại phúc với công lao hành nghề chữa bệnh cứu người của ông. Đồng thời với việc hành nghề chữa bệnh cứu người, ông cũng thực hành liệu pháp An Tâm, hướng con người đến sự giải thoát khỏi những dục vọng bản thân - điều quan trọng nhất khiến tâm sinh bệnh, và những hành vi sai trái của con người trong cuộc sống. Lễ Hội được diễn ra trong 2 ngày (mùng 9,10 tháng 4 (âm lịch) hàng năm tại khu phố 7, phường Đại Phúc, Thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.

Đền thờ danh nhân Nguyễn Phúc Xuyên

Theo gia phả thì ban đầu đền là ngôi nhà do cụ Nguyễn Phúc Xuyên xây dựng, sau khi cụ mất ngôi nhà đã trở thành đền thờ. Năm 1768, cháu bốn đời ngành quý chi Nguyễn Quốc Giám cho sửa chữa lại. Di tích có quy mô bề thế qua nhiều lần sửa chữa, công trình hiện nay gồm: Toà thờ chính, lăng mộ của Nguyễn Phúc Xuyên, các dãy nhà Tả vu, Hữu vu, Cổng tam môn, vườn cây, ao cá. Di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia. Số 28 – VH/QĐ ngày 18/1/1988

Cũng theo thế phả: Thánh tổ Nguyễn Phúc Xuyên lúc mới sinh diện mạo khôi ngô, lớn lên tư phong đĩnh đạc, khí chất thông minh, là người điềm tĩnh, trong sạch, đoan chính, không làm việc gì khác ngoài việc học hành. Qua đó, tri thức dần mở rộng, vượt xa hẳn người thường. Nhưng ông không lấy đó làm đường tiến thân, mà chuyên chăm theo đạo Phật, sớm chiều đèn nhang thành kính. Cùng với đó, việc để tâm nghiên cứu về triết học Lão Tử đã cho ông sự thông tuệ những huyền vi của tạo hoá, và biết nhiều phương pháp thần bí trong hành thuật chữa bệnh cứu người sau này. Ông được triều đình Lê - Trịnh phong là Hộ quốc Thiền sư Thánh tổ Bồ Tát, được người đời tôn là Hoạt Phật (tức Phật sống). Sách Đại Nam nhất thống chí có chép: “Đời Lê có người trong thôn (thôn Đồng Phá, xã Đại Vũ, huyện Võ Giàng) họ Nguyễn tên Xuyên, khi mới sinh ra có sắc sáng chiếu rực nhà, lớn lên ứng vào triệu “thần kê”, bèn có phép thiêng, nhân dân xa gần ai có bệnh tật đến cầu liền được khỏi bệnh, người ta đều gọi là Phật sống. Sau khi mất, thường hiển hiện anh linh, nhân dân địa phương lập đền thờ”.

Chính tư tưởng nhân nghĩa, chủ trương tu - tề - trị - bình của Nho đạo; đạo đức và tinh thần cứu nhân độ thế của đạo Lão; chủ nghĩa từ bi bác ái của đạo Phật mà Nguyễn Phúc Xuyên vận dụng linh hoạt trong Gia đạo; cũng như việc nhập thế cứu dân, chữa bệnh bằng linh đan, mật chú cộng với cầu cúng theo đạo giáo dân gian... đã khiến ông tập hợp được lòng tin của đông đảo quần chúng đương thời. Theo gia phả dòng họ: Thời kỳ chính đạo (Gia đạo của Nguyễn Phúc Xuyên) đang thịnh, con cháu chi nhánh phồn vinh, ba vị đại sư (tức là ba người con của ông, mà ông lập gọi Trưởng cả, Trưởng hai và Trưởng ba) đều phát triển Thiền tâm, đạo thông tế độ, trải qua nhiều năm tiếng tăm lẫy lừng, nhiều đạo tràng ở khắp mọi nơi theo về, kể có hàng vạn người. Sự nổi danh của Nguyễn Phúc Xuyên chính là bởi sự kết hợp giữa Đạo và Y. Chính ông đã tổng hợp được những tôn giáo chính thống đương thời với tín ngưỡng dân gian, trên cơ sở vận dụng được những mặt tích cực nhất của nó phục vụ cho cuộc sống con người.

Lễ Hội Đền thờ danh nhân Nguyễn Phúc Xuyên được tổ với nhiều hoạt động văn hoá tín ngưỡng mang đậm nét văn hoá tinh hoa của người Việt như: Các nghi thức lễ, rước thánh, hát quan họ trên thuyền, giao lưu văn hoá văn nghệ và vô số các trò chơi dân gian… Lễ Hội thể hiện tấm lòng thành kính của người trong họ và đạo tràng các nơi vẫn thường trực được bày tỏ trong hương thơm thắp trước anh linh của ông. Đó là điều mà trong rất nhiều danh nhân lịch sử, không phải ai cũng có được.

Trần Thị Thuý Diệp - Cán bộ văn hoá xã hội

UBND phường Đại Phúc
Vui lòng nhập nhiều hơn 5 tin để hiển thị!