PHÒNG CHỐNG BỆNH GIUN SÁN SỨC KHOẺ CHO MỌI NGƯỜI

06/11/2023 16:37 Số lượt xem: 44

Bệnh nhiễm giun sán là vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng, bệnh chiếm khoảng một phần tư dân số thế giới, tập trung chủ yếu ở các nước vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Hiện nay đã xác định được trên 100 loại giun tròn và 140 loại sán có khả năng gây bệnh cho người.

Nhiễm giun sán đường tiêu hóa là một vấn đề của những nước đang phát triển đặc biệt là ở vùng có khí hậu nhiệt đới ẩm nóng như ở nước ta.

 Hằng năm có khoảng 3,5 triệu trường hợp có triệu chứng liên quan đến các bệnh giun tròn. Tình trạng nhiễm ký sinh trùng tại Việt Nam nói riêng và nhiều nước trên thế giới nói chung đã trở thành vấn đề sức khỏe cộng đồng cần được quan tâm đúng mức. 


Ở Việt Nam có khí hậu nhiệt đới gió mùa nắng nóng ẩm mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho giun sán đường tiêu hóa phát triển và lây lan. Tỷ lệ nhiễm giun sán cũng rất cao nhiều trường hợp gây biến chứng nguy hiểm có thể tử vong như: thiếu máu nặng do giun móc, giun chui ống mật, tắc ruột do giun, viêm tắc đường mật do sán lá gan nhỏ, ho ra máu do sán lá phổi, áp xe gan do sán lá gan lớn, viêm não. Hầu hết giun sán không gây được miễn dịch bảo vệ, nên sau khi khỏi người bệnh vẫn bị tái nhiễm.

Bệnh giun sán phân bố rộng rãi trong cả nước với tỉ lệ nhiễm khác nhau ở các vùng miền.

Khi nhiễm giun sán cơ thể bị tác động một cách âm ỉ kéo dài ảnh hưởng tới sức khỏe và tình trạng dinh dưỡng, làm giảm sự phát triển về thể chất, tinh thần và trí tuệ của con người, ảnh hưởng đến quá trình học tập và làm việc, gây trở ngại tới sự phát triển kinh tế.

Với phụ nữ trưởng thành và phụ nữ ở độ tuổi sinh sản, nhiễm giun sán ảnh hưởng tới thời kỳ mang thai, gây thiếu máu ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con cái họ, có thể gây đẻ non, trẻ thiếu cân, tử vong mẹ và trẻ sơ sinh.

Do đó trẻ em và phụ nữ độ tuổi sinh sản được coi là nhóm đích của chương trình phòng chống các bệnh giun giun sán tại cộng đồng.

  1. Dấu hiệu chung của bệnh giun sán

Thông thường, người bệnh nhiễm bệnh giun sán có những biểu hiện như:

– Đau bụng, có khi nhầm lẫn với đau dạ dày

– Táo bón hoặc tiêu chảy, có thể tiêu chảy kèm máu

– Đầy bụng khó tiêu

– Buồn nôn, nôn

– Chán ăn; tắc ruột ở trẻ nhỏ do lòng ruột bị tắc vì chứa quá nhiều giun

– Đau bụng dưới, đau thượng vị, đau quanh rốn.

– Dị ứng (phát ban, nổi mề đay)

– Thiếu máu (xanh xao, mệt mỏi)

– Ảnh hưởng thần kinh (kém tập trung, giảm trí nhớ, lo âu)

– Trẻ em có một số triệu chứng như: nghiến răng, quấy khóc vào ban đêm, suy dinh dưỡng, bụng to, chậm lớn, ngứa hậu môn, học kém.

  1. Cách phòng bệnh giun sán

– Tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần ở trẻ em và người lớn. Sử dụng các loại thuốc tẩy giun theo hướng dẫn của bác sĩ.

– Rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

– Giữ vệ sinh cá nhân như: cắt móng tay, móng chân  ngắn, sạch.

– Thực hiện ăn chín, uống sôi, rau sống cần rửa sạch trước khi ăn.

– Đi giày, dép, găng tay khi tiếp xúc với đất ẩm.

– Vệ sinh môi trường xung quanh. Không phóng uế bừa bãi.

  1. Hậu quả khi nhiễm bệnh giun sán

Nếu như không được chữa kịp thời sẽ dẫn tới một số bệnh lý khác như: viêm phúc mạc, viêm ruột thừa, gây chứng thiếu máu nhược sắc, giảm protein máu kèm theo rối loạn tim mạch… Trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong.

Thực hiện kế hoạch của Trung tâm Y tế TP Bắc Ninh, Ban chăm sóc sức khỏe ban đầu phường Khắc Niệm tổ chức cấp phát thuốc tẩy giun cho phụ nữ độ tuổi từ 15 đến 45 tuổi trên địa bàn.

Thời gian từ 7h30 đến 10h ngày 05/11/2023 tại nhà văn hóa các khu phố.

Lưu ý phụ nữ có thai và cho con bú không được sử dụng.

Vậy đề nghị phụ nữ trong độ tuổi nói trên ra tại nhà văn hóa khu phố theo thời gian và địa điểm trên để được uống thuốc đầy đủ.

Nguyễn Thuý Đạt- Trưởng đài truyền thanh phường
Nguồn: Sưu tầm
Vui lòng nhập nhiều hơn 5 tin để hiển thị!