Hát canh Quan họ

09/06/2023 13:53 Số lượt xem: 7

Là hình thức diễn xướng đặc sắc và tiêu biểu của sinh hoạt văn hóa Dân ca Quan họ Bắc Ninh, hát canh hội tụ những giá trị độc đáo và tinh túy nhất của “Nghề chơi Quan họ có tinh mới tường”.

Tác giả Dương Đức Thắng (đứng) trong một chương trình tái hiện canh hát truyền thống của Quan họ làng Hoài Trung (Liên Bão, Tiên Du).

Theo truyền thống, hát canh là hát vào ban đêm, từ 19h đến 21h là canh Một; 21h đến 23h là canh Hai; 23h đến 1h là canh Ba; 1h đến 3h là canh Tư; 3h cho đến 5 giờ sáng là canh Năm. Người hát và người nghe đồng nhất, bên này ca lên những lời ca Quan họ để biểu hiện tình cảm, tâm tư của mình cho bạn nghe rồi mình lại trở lại làm khán giả để nghe bạn mình thể hiện, nếu có tán thưởng thì cũng chỉ hai bên khen lẫn nhau, bộc lộ thái độ kính mến và trân trọng nhau.
Trong canh hát không thể thiếu những đồ dùng của người Quan họ, như là cơi giầu, nước, ô lục soạn, nón quai thao, đĩa muối, gừng và chanh. Trình tự khi hát canh, bao giờ Quan họ chủ cũng phải ca câu mời nước, nếu Quan họ bạn mang theo cơi giầu thì Quan họ bạn sẽ ca bài mời giầu, nếu Quan họ bạn không mang cơi giầu theo thì Quan họ chủ phải ca cả hai câu mời nước mời giầu.
Hát canh bắt buộc phải ca đủ ba chặng thì mới gọi là một canh Quan họ.
CHẶNG THỨ NHẤT: Ca các giọng lề lối năm trên, năm dưới. Giọng năm trên có các bài lần lượt như sau: Hừ la, La rằng, Bạn kim lan, Tình tang, Cây gạo. Giọng năm dưới lần lượt ca các bài: Phong thư, Lên núi, Xuống sông, Gió mát, Cái hời cái ả.
CHẶNG THỨ HAI: Ca các giọng vặt giọng lẻ, tức là hát giao duyên, chặng này bài ca rất phong phú và đa dạng, nội dung bài ca đa phần là nói đến tình yêu và nỗi nhớ.
CHẶNG THỨ BA: Ca các giọng giã bạn, tức là ca để chia tay nhau, nội dung bài ca là thương nhớ và mong được ngày tái ngộ, chặng này là bắt buộc Quan họ bạn phải ca trước để xin về, Quan họ chủ ca câu giữ bạn.
Quan họ làng Hoài Trung xã Liên Bão, huyện Tiên Du thường tổ chức những canh đơn giản hơn, giọng lề lối cũng ít hơn chỉ ca sáu câu trong giọng lề lối, lần lượt là: Hừ la, La rằng, Bạn kim lan, Tình tang, Gió mát, Cái hời cái ả. Xưa kia các cụ hát canh đến 36 giọng ra và 36 giọng đối tổng cộng là 72 câu.
Trước khi vào canh hát đôi bên Quan họ có nhời thưa gửi với nhau, sau đó Quan họ liền chị được ca trước gọi là nam tòng nữ, cách thức ca như sau: Nữ ra - nam đối - nam ra - nữ đối - nữ ra nam đối cho đến khi hết canh.
Một số câu giao tiếp của đương Quan họ đôi bên. Quan họ chủ sẽ có nhời trước: Dạ! Đã lâu ngày đương Quan họ liền chị không sang chơi bên chúng em, hôm nay tết đến xuân về, làng chúng em mở hội cầu vui, các liền chị sang chơi, trước là đương Quan họ trọng việc thờ, sau nữa là cho anh em chúng em học đòi đôi ba lối, chúng em mời Quan họ liền chị ăn khẩu giầu xơi chén nước, rồi đương Quan họ liền chị người cất câu ca sự trước, để cho anh em chúng em cất bước theo sau đấy ạ.
Quan họ khách đỡ nhời: Dạ! Chị em chúng em xin đỡ nhời đương Quan họ liền anh, hôm nay tết đến xuân về, nhớ ngày lệ cũ của làng Quan họ liền anh.
Dạ! Chị em chúng em sang chơi, trước là kính lễ sau nữa là chị em chúng em vào thăm thầy thăm mẹ đương Quan họ liền anh.
Dạ! Chị em chúng em lại được đương Quan họ liền anh cho chúng em ăn giầu, xơi nước thì chị em chúng em xin nhận đấy ạ.
Dạ! Thưa đương Quan họ liền anh vốn nhiều thì đi chợ đường xa, chị em chúng em vốn ít thì đi 5 đi 7 cái phiên chợ gần, đương Quan họ liền anh đã nhường cho chị em chúng em ca trước thì chị em chúng em xin được ca đấy ạ.
Sau khi Quan họ đôi bên thưa gửi xong thì bắt đầu vào canh hát, hát cho đến khi chia tay nhau thì Quan họ bạn có nhời xin phép ra về, Quan họ chủ có nhời giữ Quan họ bạn và có nhời cảm ơn, mong được một ngày gần nhất lại được đón tiếp Quan họ bạn.
(Ghi theo lời của cụ: Dương Văn Quyến làng Hoài Trung và một số nghệ nhân của các làng Quan họ khác)

Dương Đức Thắng
Nguồn: Báo Bắc Ninh