Nghiên cứu toàn diện những giá trị của Di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh

05/12/2024 21:52 Số lượt xem: 33

Dân ca Quan họ Bắc Ninh - nét đặc trưng riêng có của văn hóa Bắc Ninh trở thành biểu tượng, đặc điểm “nhận diện” về văn hóa, vùng đất, con người Bắc Ninh - Kinh Bắc và là một đại diện tiêu biểu góp phần xây dựng, làm giàu bản sắc văn hoá Việt Nam. Năm 2009, Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là dấu mốc lịch sử, ghi nhận thành tựu và sự nỗ lực trong công tác bảo tồn di sản văn hóa của tỉnh nhà. Kể từ khi được ghi danh đến nay, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh liên tục được quan tâm.

Dân ca Quan họ Bắc Ninh - nét đặc trưng riêng có của văn hóa Bắc Ninh trở thành biểu tượng, đặc điểm “nhận diện” về văn hóa, vùng đất, con người Bắc Ninh - Kinh Bắc và là một đại diện tiêu biểu góp phần xây dựng, làm giàu bản sắc văn hoá Việt Nam. Năm 2009, Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là dấu mốc lịch sử, ghi nhận thành tựu và sự nỗ lực trong công tác bảo tồn di sản văn hóa của tỉnh nhà. Kể từ khi được ghi danh đến nay, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh liên tục được quan tâm.

Phong phú hình thức diễn xướng tuyên truyền, quảng bá di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh.

     UBND tỉnh ban hành và triển khai thực hiện quy chế “Đãi ngộ nghệ nhân” năm 2015; xây dựng hệ thống các Nhà chứa Quan họ phục vụ sinh hoạt gắn với Quan họ; cấp bằng công nhận cho 44 làng Quan họ gốc và 150 làng Quan họ thực hành trên địa bàn tỉnh; đến nay tỉnh đã thực hiện 3 lần xét tặng danh hiệu nghệ nhân và phong tặng 156 danh hiệu nghệ nhân Quan họ. Bên cạnh đó, công trình Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh với mức đầu tư 240 tỉ đồng cũng được khánh thành và đi vào hoạt động từ năm 2019.

    Hiện nay, ngoài các làng Quan họ gốc, làng Quan họ thực hành thì còn hàng trăm câu lạc bộ Quan họ thực hành đang hoạt động tốt, tri thức văn hóa quan họ được trao truyền và lan tỏa. Sự thành công trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh là tiền đề và động lực để ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục triển khai các dự án khác liên quan đến bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của tỉnh nhà.

    Sau 15 năm được ghi danh (2009-2024), công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh đạt được nhiều thành tựu, tiêu biểu như: Làm tốt công tác tham mưu cơ chế, chính sách, các Dự án, Đề án, Kế hoạch làm căn cứ bảo tồn di sản: Ngay sau khi Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO ghi danh, Bắc Ninh ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù; triển khai nhiều đề án, dự án, kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị của Dân ca Quan họ Bắc Ninh qua các giai đoạn; tổ chức thường kỳ Festival “Về miền Quan họ”...

    Hỗ trợ đầu tư tu bổ, xây dựng thiết chế văn hoá và đầu tư trang thiết bị liên quan phục vụ nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị Di sản: Trong đó, quy hoạch chi tiết quần thể văn hóa khu Thủy tổ Quan họ Bắc Ninh, phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh với diện tích 247.394m2; xây dựng 6 chòi hát Dân ca Quan họ trên khuôn viên di tích đồi Lim, huyện Tiên Du; xây dựng 11 Nhà chứa Quan họ; đầu tư trang thiết bị cho 45 Câu lạc bộ Quan họ thuộc 44 làng Quan họ gốc…

    Công tác truyền dạy, đào tạo Dân ca Quan họ Bắc Ninh ngày càng chất lượng, hiệu quả. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức và chỉ đạo cơ quan chuyên môn mở hàng chục lớp truyền dạy Dân ca Quan họ cho nhiều lứa tuổi trong cộng đồng, góp phần giáo dục Đức - Trí - Thể - Mỹ và tuyển chọn, bồi dưỡng những năng khiếu, tài năng Dân ca Quan họ. Đặc biệt, từ năm 2011, Dân ca Quan họ được đưa vào giảng dạy tại trường học từ Mầm non đến phổ thông; Truyền dạy, đào tạo Dân ca Quan họ tại Trường Trung cấp Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch tỉnh và nhiều hình thức truyền dạy khác như trên sóng truyền hình, trên các nền tảng số...

    Quan tâm đến cơ chế, chính sách tôn vinh, đãi ngộ nghệ nhân, nghệ sĩ, đến nay, Bắc Ninh là địa phương đầu tiên và duy nhất của cả nước thực hiện tôn vinh và có cơ chế độ đãi ngộ nghệ nhân Dân ca Quan họ. UBND tỉnh phong tặng 156 nghệ nhân Dân ca Quan họ, trong đó: Chủ tịch nước phong tặng 9 Nghệ nhân nhân dân, 37 Nghệ nhân ưu tú, 2 Nghệ sĩ nhân dân, 17 Nghệ sĩ ưu tú. UBND tỉnh công nhận 44 làng Quan họ gốc, 150 làng Quan họ thực hành (đợt 1 - năm 2019). Thực hiện cơ chế hỗ trợ làng Quan họ gốc 30 triệu đồng/làng/năm; làng Quan họ thực hành 20triệu/làng/năm; riêng CLB Quan họ ngoài tỉnh 20 triệu đồng/CLB/lượt thăm.

    Đa dạng các hình thức tuyên truyền quảng bá di sản, cùng với việc tổ chức nhiều sự kiện lớn, gắn các hoạt động văn hóa đa dạng, phong phú mục đích nhằm quảng bá Di sản Dân ca Quan họ gắn với phát triển du lịch, Bắc Ninh tăng cường tuyên truyền, quảng bá trực quan; tuyên truyền, quảng bá trên các kênh truyền thông của tỉnh và của Trung ương. Đặc biệt, tổ chức giao lưu, giới thiệu và quảng bá Dân ca Quan họ Bắc Ninh trong và ngoài nước. Trong 15 năm, có tổng số gần 1.600 buổi biểu diễn giới thiệu, quảng bá Dân ca Quan họ phục vụ nhân dân trong tỉnh, trong nước và quốc tế.

   Từ năm 2009 đến nay tổ chức được 12 kỳ Hội thi Dân ca Quan họ đầu Xuân (3 năm không tổ chức do dịch Covid-19); tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, trưng bày chuyên đề về Dân ca Quan họ, hát Dân ca Quan họ trên thuyền và Canh hát đêm Rằm…

   Chú trọng công tác sưu tầm, chỉnh lý, bảo tồn Dân ca Quan họ, từ năm 2013 đến nay, Nhà hát Dân ca Quan họ tiến hành ký âm được 160 bài, sưu tầm được 110 bài Quan họ cổ, phục dựng các hình thức hát Quan họ truyền thống. Thực hiện gần 40 chuyên đề nghiên cứu về văn hóa sinh hoạt và lời ca trong Quan họ. Tổ chức biên soạn, xuất bản, tái bản, chỉnh lý và phát hành 10 đầu sách về Dân ca Quan họ...

  Thời gian tới, để tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Dân ca Quan họ ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục tham mưu với tỉnh tích cực triển khai một số giải pháp và kế hoạch cụ thể:

   Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá Dân ca Quan họ Bắc Ninh với nhiều hình thức đa dạng, sáng tạo.

   Hai là, thông qua các hoạt động xúc tiến du lịch đưa di sản văn hóa phi vật thể Dân ca Quan họ Bắc Ninh trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút du khách trong và ngoài nước, tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của di sản.

   Ba là, tiếp tục hoàn thiện chính sách tôn vinh, đãi ngộ nghệ nhân; tiếp tục hướng dẫn lập hồ sơ đề nghị, xét công nhận Làng Quan họ thực hành đợt 2, các câu lạc bộ loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian tỉnh Bắc Ninh; thực hiện hiệu quả cơ chế đãi ngộ đặc thù làng Quan họ gốc, Quan họ thực hành.

    Bốn là, tiếp tục sưu tầm, nghiên cứu toàn diện về Dân ca Quan họ Bắc Ninh. Bổ sung, làm rõ những giá trị mới của di sản. Tập trung hoàn thiện 3 tập sách Bách khoa thư Dân ca Quan họ Bắc Ninh (năm 2023-2024) - công trình chứa đựng tri thức tổng thể, đáp ứng yêu cầu tra cứu, học tập, gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

   Năm là, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, truyền dạy Dân ca Quan họ Bắc Ninh trong trường học; phát huy vai trò của các nghệ nhân đã được phong tặng tham gia truyền dạy tại cộng đồng.

   Sáu là, xây dựng dự án quy hoạch tổng thể không gian các làng Quan họ gốc, gồm toàn bộ những gì liên quan đến sự tồn tại của Quan họ, từ không gian tự nhiên đến xã hội, nơi Quan họ ra đời, biểu diễn. Trong đó, chú trọng bảo tồn lễ hội truyền thống tại các làng Quan họ gốc. Bên cạnh đó, cần tiếp tục xây dựng mới, hoặc phục dựng kiến trúc các “nhà chứa Quan họ”. Phục dựng không gian văn hóa Quan họ cổ. Khai thác giá trị di sản để phát triển du lịch; đẩy mạnh việc khai thác Dân ca Quan họ với du lịch cộng đồng theo định hướng phát triển hài hòa giữa bảo tồn và phát triển kinh tế, xã hội.

TS. Nguyễn Văn Đáp, Phó Giám đốc. Sở VHTTDL Bắc Ninh
Nguồn: https://svhttdl.bacninh.gov.vn/