Phấn đấu 70% công nhân, người lao động được tập huấn kiến thức và kỹ năng sơ cấp cứu
Đây là một trong những mục tiêu nằm trong Quyết định số 1281/QĐ-UBND về ban hành Kế hoạch tuyên truyền, đào tạo, tập huấn sơ cấp cứu dựa vào cộng đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2025-2030 vừa được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Xuân Lợi ký, ban hành.
Tổ chức tập huấn sơ cấp cứu trong phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ cho lực lượng dân phòng trên địa bàn tỉnh.
Việc ban hành Kế hoạch nhằm tuyên truyền sâu rộng đến đông đảo các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của công tác sơ cấp cứu nhằm góp phần giảm thiểu các thương tích, nguy cơ tử vong trong tình huống tai nạn giao thông, cháy nổ, đuối nước, tai nạn trong lao động, sản xuất, sinh hoạt,… góp phần xây dựng cộng đồng an toàn. Bên cạnh đó, vận động đông đảo người dân tham gia đào tạo, tập huấn sơ cấp cứu, để có kiến thức, kỹ năng cần thiết, góp phần đảm bảo an toàn, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân.
Phấn đấu đến năm 2030, 50% các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh cơ bản được đào tạo, tập huấn về kiến thức và kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu. Đối với các doanh nghiệp, 70% công nhân, người lao động phải được tập huấn kiến thức và kỹ năng sơ cấp cứu theo Nghị định số 44/2016/NĐ-CP; Thông tư 19/2016/TT-BYT.
Công tác tuyên truyền sẽ tập trung vào sự cần thiết, ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của công tác sơ cấp cứu trong các tình huống tai nạn giao thông, cháy nổ, đuối nước, lao động sản xuất, sinh hoạt; chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quyền lợi, nghĩa vụ của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân trong xây dựng cộng đồng an toàn, đào tạo, tập huấn về kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu; cung cấp kiến thức, kỹ năng, quy trình sơ cấp cứu ban đầu cho người dân.
Để thực hiện những nội dung đề ra, Hội Chữ Thập đỏ tỉnh chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn kiến thức và kỹ năng sơ cấp cứu. Đồng thời, tuyên truyền về sự cần thiết, ý nghĩa, vai trò của công tác sơ cấp cứu ban đầu trên các phương tiện thông tin đại chúng, băng rôn, panô, áp phích, đồng thời vận động mọi người tích cực tham gia đào tạo, tập huấn về kiến thức và kỹ năng sơ cấp cứu.
Các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị, trường học, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp… trên địa bàn tỉnh xây dựng kế hoạch tuyên truyền, đào tạo, tập huấn về kiến thức và kỹ năng sơ cấp cứu hàng năm, xác định chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể, lập danh sách người đăng ký đào tạo, tập huấn của đơn vị mình, đồng thời có lịch đào tạo, tập huấn cụ thể hàng quý, năm gửi về Hội Chữ thập đỏ tỉnh để tổng hợp và phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nhân đạo Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức các lớp, khóa đào tạo, tập huấn sơ cấp cứu đạt kết quả cao. Khuyến khích các đơn vị tổ chức đào tạo, tập huấn thành nhiều đợt trong năm với quy mô vừa nhỏ, theo cụm xã, khu công nghiệp, từng doanh nghiệp để tạo thuận lợi cho người được đào tạo, tập huấn.
Công an tỉnh phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh xây dựng và triển khai kế hoạch và tổ chức đào tạo, tập huấn kiến thức và kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu cho lực lượng cảnh sát giao thông, phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ; tuyên truyền, hướng dẫn phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức và các biện pháp, kỹ năng sơ cấp cứu; phối hợp diễn tập sơ cấp cứu trong phòng cháy chữa cháy, xây dựng phong trào toàn dân tham gia cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn.
Báo Bắc Ninh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Cổng Thông tin điện tử tỉnh phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền về sự cần thiết, ý nghĩa, vai trò của công tác sơ cấp cứu ban đầu trong các tình huống tai nạn giao thông, cháy nổ, đuối nước, lao động sản xuất, sinh hoạt… và các hoạt động sơ cấp cứu ban đầu cho người dân tại cộng đồng; tôn vinh các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào tuyên truyền, đào tạo, tập huấn kiến thức và kỹ năng sơ cấp cứu.