Quyết định số 22/2024/QĐ-UBND ngày 05/9/2024 của UBND tỉnh

02/12/2024 17:22 Số lượt xem: 14

Quyết định số 22/2024/QĐ-UBND ngày 05/9/2024 của UBND tỉnh về Quy chế bảo đảm an toàn thông tin mạng trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 18 tháng 9 năm 2024. Quyết định này thay thế Quyết định số 21/2019/QĐ-UBND ngày 22 tháng 10 năm 2019 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy chế bảo đảm an toàn thông tin mạng trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Nội dung cơ bản của Quy chế:

Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng:

1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định các chính sách quản lý và các biện pháp nhằm bảo đảm an toàn thông tin (sau đây gọi tắt là ATTT) của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

2. Đối tượng áp dụng

Quy chế này áp dụng đối với các sở, ban, ngành, đơn vị thuộc UBND tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn; các đơn vị sự nghiệp sử dụng ngân sách nhà nước; các cơ quan Trung ương trên địa bàn tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội được ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động có sử dụng các hệ thống thông tin do UBND tỉnh triển khai và các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin (sau đây gọi tắt là CNTT) của các cơ quan nhà nước tỉnh Bắc Ninh (sau đây gọi tắt là cơ quan, đơn vị); cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị nêu trên.

Những hành vi bị nghiêm cấm

1. Các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 7 Luật An toàn thông tin mạng.

2. Tự ý đấu nối thiết bị mạng, thiết bị cấp phát địa chỉ mạng, thiết bị phát sóng như điểm truy cập mạng không dây của cá nhân vào mạng nội bộ; trên cùng một thiết bị thực hiện đồng thời truy cập vào mạng nội bộ và truy cập Internet bằng thiết bị kết nối Internet của cá nhân (modem quay số, USB 3G/4G, điện thoại di động, máy tính bảng, máy tính xách tay).

3. Tự ý thay đổi, gỡ bỏ biện pháp an toàn thông tin cài đặt trên thiết bị công nghệ thông tin phục vụ công việc; tự ý thay thế, lắp mới, tráo đổi thành phần của máy tính phục vụ công việc.

4. Tạo ra, cài đặt, phát tán phần mềm độc hại.

5. Cản trở hoạt động cung cấp dịch vụ của hệ thống thông tin; ngăn chặn việc truy nhập đến thông tin của cơ quan, cá nhân khác trên môi trường mạng, trừ trường hợp pháp luật cho phép.

6. Bẻ khóa, trộm cắp, sử dụng mật khẩu, khóa mật mã và thông tin của cơ quan, cá nhân khác trên môi trường mạng.

7. Các hành vi khác làm mất an toàn, bí mật thông tin của cơ quan, cá nhân khác được trao đổi, truyền đưa, lưu trữ trên môi trường mạng.

Quản lý phòng chống phần mềm độc hại

1. Tất cả các máy trạm, máy chủ phải được trang bị phần mềm phòng chống phần mềm độc hại. Các phần mềm phòng chống phần mềm độc hại phải được thiết lập chế độ tự động cập nhật; chế độ tự động quét phần mềm độc hại khi sao chép, mở các tập tin.

2. Hệ điều hành, phần mềm cài đặt trên máy chủ, máy trạm phải được cập nhật vá lỗ hổng bảo mật thường xuyên, kịp thời.

3. Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động không được tự ý gỡ bỏ các phần mềm phòng, chống phần mềm độc hại trên máy tính khi chưa có sự đồng ý của người có thẩm quyền trong cơ quan.

4. Tất cả các máy tính của đơn vị phải được cấu hình vô hiệu hóa tính năng tự động thực thi (autoplay) các tập tin trên các thiết bị lưu trữ di động.

5. Các máy tính xách tay, thiết bị di động (điện thoại thông minh, máy tính bảng,...) trước khi kết nối vào mạng LAN nội bộ của cơ quan, đơn vị phải bảo đảm đã được cài chương trình phòng chống phần mềm độc hại và đã được kiểm duyệt về các phần mềm độc hại.

6. Tất cả các tập tin, thư mục phải được quét phần mềm độc hại trước khi sao chép, sử dụng.

7. Máy chủ chỉ được dùng để cài đặt các phần mềm, dịch vụ dùng chung của cơ quan, đơn vị; không cài đặt phần mềm không rõ nguồn gốc, phần mềm phục vụ mục đích cá nhân và mục đích khác, không phục vụ công việc.

8. Khi phát hiện ra bất kỳ dấu hiệu nào liên quan đển việc bị nhiễm phần mềm độc hại trên máy trạm như: máy hoạt động chậm bất thường, cảnh bao từ phân mềm phòng chống phần mềm độc hại, tình trạng này lặp đi lặp lại nhiều lần, ở các vị trí khác nhau; quan trọng nhất là có dấu hiệu mất dữ liệu..., người sử dụng phải tắt máy, ngắt kết nối từ máy tính đến mạng LAN nội bộ, mạng WAN nội tỉnh, mạng Internet,... và báo trực tiếp cho bộ phận có trách nhiệm của đơn vị để xử lý.

Trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước

1. Nghiêm chỉnh thi hành quy chế này và các quy định khác của pháp luật về bảo đảm ATTT.

2. Khi phát hiện sự cố ảnh hưởng đến an toàn hệ thống thông tin, phải thông báo ngay đến cán bộ, công chức chuyên trách CNTT của đơn vị.

3. Các thông tin, tài liệu, văn bản có tính mật theo quy định, phải dự thảo, lưu trữ đúng theo quy định về bảo mật và ATTT.

4. Cán bộ, công chức, viên chức chuyên trách CNTT:

a) Theo nhiệm vụ được Thủ trưởng cơ quan, đơn vị phân công, chịu trách nhiệm tham mưu chuyên môn và vận hành bảo đảm an toàn hệ thống thông tin tại cơ quan, đơn vị;

b) Hướng dẫn, hỗ trợ người dùng tại cơ quan, đơn vị giải pháp phòng, chống vi rút, mã độc máy tính. Thực hiện việc đánh giá, báo cáo các rủi ro và mức độ các rủi ro ảnh hưởng đến hoạt động hệ thống thông tin của đơn vị, các giải pháp cơ bản khắc phục các rủi ro.

c) Phối hợp với các cá nhân, tổ chức có liên quan trong việc kiểm tra, phát hiện, phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn xâm phạm ATTT; tham gia khắc phục các sự cố mất ATTT.

 

Nguồn: cổng thông tin điện tử Bắc Ninh