Tháo gỡ vướng mắc, tăng tốc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
Xác định giải ngân vốn đầu tư công được là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm đảm bảo thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, ngày 17-2-2023 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 170/QĐ-UBND về việc thành lập, phân công nhiệm vụ Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 và các năm tiếp theo.
Tổ công tác do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Tân Phượng làm Tổ trưởng; thành viên là lãnh đạo các sở, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng UBND tỉnh, Kho bạc Nhà nước, lãnh đạo UBND tỉnh các huyện, thành phố… Trên cơ sở nhiệm vụ được phân công, các thành viên Tổ công tác có trách nhiệm xây dựng kế hoạch thực hiện, tích cực phối hợp với thành viên trong Tổ, báo cáo kịp thời kết quả hoạt động tới Tổ trưởng. Tổ công tác duy trì họp 1 lần/tháng.
Công tác giải ngân vốn đầu tư công 3 tháng qua có nhiều chuyển biến. Cả 4 dự án Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được HĐND tỉnh, UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư. Trong đó, Dự án đầu tư các tuyến đường tỉnh ĐT.295C, ĐT.285B kết nối thành phố Bắc Ninh qua các KCN với QL3 mới, ĐT.277B kết nối với cầu Hà Bắc 2, đường Vành đai 4 (kế hoạch là 2.110 tỷ đồng) được phân bổ vốn 900 tỷ đồng; các dự án còn lại chưa đủ điều kiện để được phân bổ vốn. Đa số các dự án được phân bổ vốn chuẩn bị đầu tư năm 2023 đã được phê duyệt chủ trương đầu tư. Những dự án không phải điều chỉnh, chủ đầu tư tổ chức lập, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, lập, trình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
Kết quả cụ thể: Số vốn giải ngân so với Kế hoạch vốn Chính phủ giao là 420/8.022 tỷ đồng, đạt 5,2%; Số vốn giải ngân so với Kế hoạch vốn HĐND tỉnh giao là 420/8.238 tỷ đồng, đạt 5,2%; Số vốn giải ngân so với Kế hoạch vốn UBND tỉnh giao cho UBND cấp huyện và phân bổ chi tiết cho chủ đầu tư các dự án ngân sách cấp tỉnh quản lý là 420/6.502 tỷ đồng, đạt 6,5%. Điều đáng ghi nhận hơn cả đó là, số vốn giải ngân so với số vốn 3 cấp tỉnh-huyện- xã phân bổ chi tiết đến từng dự án đạt tỷ lệ 10,5%. Trong đó ngân sách tỉnh đạt 3,2%, nhưng ngân sách huyện, xã đạt tỷ lệ 50,7% (các địa phương đạt kết quả cao là Tiên Du 89,75%, Thuận Thành 99%; Lương Tài 86,3%; thành phố Bắc Ninh 66,9%... thấp nhất là Yên Phong đạt 29,3%).
Nhà thầu thi công thảm áp-phan Dự án Đầu tư xây dựng đường giao thông từ TL.277 đến khu lưu niệm đồng chí Nguyễn Văn Cừ, thành phố Từ Sơn.
Tuy có những chuyển biến nhất định, nhưng xét về tổng thế tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm so với kế hoạch đề ra. Nguyên nhân chính là do các dự án gặp một số vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, một số chủ đầu tư và đơn vị chưa thật sự quyết liệt trong giải phóng mặt bằng; sự phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa các đơn vị chưa tốt. “Nút thắt” làm chậm việc giải ngân vốn đầu tư công là vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, cần sớm được tháo gỡ trong thời gian tới.
Trước hết, cần tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về đất đai, tài nguyên. Giải quyết tốt công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, công tác dân vận kịp thời, đúng quy định, bảo đảm đúng pháp luật và hài hòa lợi ích của Nhà nước và người dân, không để xảy ra khiếu kiện, phát sinh thành điểm nóng về an ninh, trật tự. Lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án và tuân thủ nghiêm kế hoạch theo từng tháng, quý. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ. Có chế tài xử lý nghiêm khắc theo quy định pháp luật các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang yêu cầu Tổ công tác phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Xây dựng kế hoạch kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tăng tốc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo những khó khăn, vướng mắc, đề xuất các giải pháp tháo gỡ đẩy nhanh tỷ lệ giải ngân; chủ động chuẩn bị các nội dung để họp với các Bộ, ngành Trung ương. Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng quy chế phối hợp về công tác đền bù, giải phóng mặt bằng giữa các sở, ngành, đơn vị và UBND các huyện, thành phố. Các địa phương, chủ đầu tư chuẩn bị các thủ tục sớm khởi công dự án; xây dựng kế hoạch chi tiết hoạt động giải ngân, tiến độ dự án và tích cực phối hợp trong công tác giải phóng mặt bằng. Phân công cụ thể lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện, bám sát kịp thời tháo gỡ khó khăn và chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án, coi đây là căn cứ đánh giá xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao trong năm 2023. Liên quan đến công tác đền bù giải phóng mặt bằng trách nhiệm chủ yếu thuộc về chủ đầu tư, vì vậy chủ đầu tư cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương vào cuộc tích cực đặc biệt đối với các công trình phúc lợi xã hội.