Thảo luận thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội
Ngày 28- 10, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về Báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”.
Ngày 28- 10, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về Báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”.
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Anh Tuấn, Tổ trưởng Tổ thảo luận số 13.
Sau gần một ngày thảo luận sôi nổi, trách nhiệm đã có 24 lượt đại biểu phát biểu ý kiến và 9 lượt đại biểu tranh luận. Các ý kiến đều khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến việc phát triển ổn định, bền vững thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội cho người dân. Giai đoạn 2015- 2023, việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản, phát triển nhà ở xã hội mang lại nhiều kết quả tích cực, thay đổi bộ mặt đất nước, đô thị và nông thôn; thị trường bất động sản giúp cho các ngành sản xuất, dịch vụ phát triển, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, tăng trưởng kinh tế của đất nước…
Các ý kiến tập trung phân tích kết quả, bất cập, hạn chế nguyên nhân, trách nhiệm, đóng góp nhiều giải pháp để hoàn thiện chính sách, pháp luật; khắc phục bất cập, hạn chế trong tổ chức thực hiện với mục tiêu phát triển thị trường bất động sản, phát triển nhà ở xã hội an toàn, lành mạnh, bền vững; cân đối cung cầu, đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho người dân, người lao động, đối tượng chính sách…
Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiêm túc rút kinh nghiệm về việc chậm ban hành và chỉ đạo việc ban hành các văn bản cụ thể hóa Luật Đất đai và các luật có liên quan theo Nghị quyết của Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo Đoàn giám sát và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết giám sát trình Quốc hội xem xét, thông qua.
*Sau đó, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Thảo luận ở Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Anh Tuấn, Tổ trưởng Tổ thảo luận số 13.
Tham gia thảo luận tại Tổ, đại biểu Trần Thị Vân, Đoàn ĐBQH tỉnh đồng tình với việc nâng hạn tuổi sĩ quan phục vụ tại ngũ. Cụ thể, tuổi cao nhất của sĩ quan phục vụ tại ngũ theo các cấp bậc quân hàm như: Cấp úy là 50 tuổi, Thiếu tá 52, Trung tá là 54, Thượng tá 56, Đại tá 58 và Cấp tướng là 60.
Đại biểu Trần Thị Vân đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.
Theo đại biểu việc nâng hạn tuổi sẽ sử dụng được nguồn nhân lực đã qua đào tạo, có kinh nghiệm, có bản lĩnh và giảm áp lực cho đào tạo cán bộ cũng như là phù hợp với tính chất nhiệm vụ của quân đội là ngành lao động đặc biệt phải trực tiếp chỉ huy, quản lý, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu trong mọi tình huống, mọi lúc, mọi nơi… Theo cơ cấu độ tuổi trên thì thời gian phục vụ tại ngũ của sĩ quan cấp Trung tá trở xuống (chiếm đa số trong đội ngũ sĩ quan) sẽ tăng thêm 3- 4 năm so với luật hiện hành, điều này không chỉ tận dụng nguồn nhân lực như phân tích nêu trên, mà còn bảo đảm tính thống nhất đối với Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội. Ngoài ra còn giải quyết được vấn đề chế độ, chính sách khi sĩ quan thôi phục vụ tại ngũ được hưởng mức lương hưu cao nhất là 75 %.
Đồng thời, đề nghị là cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xem xét, bổ sung quy định mức hưởng phụ cấp đặc thù đối với các đơn vị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, lực lượng làm nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu ở các cơ quan, đơn vị trong lực lượng của quân đội và lực lượng dự bị động viên khi được huy động. Theo Thông tư 168 quy định rõ là những người được hưởng lương khi ăn tại bếp của quân đội phải nộp tiền ăn (trừ vào lương). Thực tế, sĩ quan mới ra trường, ở các cấp bậc thấp nếu trừ tiền ăn đi thì lương chỉ còn khoảng từ 7,5 đến 8 triệu đồng/tháng, mức lương này chỉ bằng mức lương của công nhân. Trong khi đó, sĩ quan phải rèn luyện rất là vất vả, nhiệm vụ thì khó khăn và quan trọng. Do vậy, cần phải quan tâm và có quy định mức trợ cấp phù hợp nhất, để đảm bảo mức tiền ăn mà khi trực làm nhiệm vụ 24/24h tách ra ngoài lương.