Tín ngưỡng thờ Mẫu trong đời sống văn hóa
Bắc Ninh là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa với tín ngưỡng dân gian phong phú, đặc sắc, trong đó có tín ngưỡng thờ Mẫu. Qua thời gian, tín ngưỡng thờ Mẫu ở Bắc Ninh luôn được nhân dân bảo tồn, phát huy trong đời sống văn hóa, góp phần tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ Việt truyền thống, hướng về cội nguồn, thể hiện tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng.
Vẻ đẹp văn hóa thờ Mẫu ở Bắc Ninh
Mang vẻ đẹp chung của văn hóa thờ Mẫu người Việt, các Mẫu ở Bắc Ninh chứa đựng tinh thần yêu nước, yêu hòa bình, đấu tranh bảo vệ những người lương thiện, trừ gian diệt ác. Các vị Tiên Thiên Thánh mẫu: Bà Tồ Cô (Phật Tích, Tiên Du); bà Đổng Mẫu (Thị Cầu, thành phố Bắc Ninh); mẫu Tam Phủ (Nguyệt Bàn, Gia Bình); Thánh mẫu Liễu Hạnh (Mẫu nghi thiên hạ) được thờ ở các đền, phủ hoặc các chùa; các nữ thần nông nghiệp ở vùng Dâu (Thanh Khương, thị xã Thuận Thành) gồm Thánh mẫu Man Nương, Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện hóa thân thành các bà Dâu, bà Đậu, bà Dàn, bà Tướng); bà chúa Dâu Tằm (vùng Yên Phong), bà Chúa Kho (Cổ Mễ, Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh); các thần mẫu hóa thân thành con gái các vua Hùng như Thánh Tiên-Ngọc Dung (bà chúa Giếng ở Diềm, Hòa Long, thành phố Bắc Ninh); các mẫu tiêu biểu: Âu Cơ, Thánh mẫu Tam Giang, Thánh mẫu Phạm Thị, Phật mẫu Ỷ Lan; bà chúa Sành sáng tạo nghề gốm; Dân ca Quan họ có Đức Vua Bà…
Toàn tỉnh có hơn 720 di tích thờ mẫu, trong đó có 598 điện, ban thờ mẫu trong chùa; 84 ngôi đền, miếu của cộng đồng; 423 am, điện, ban… thờ mẫu trong các tư gia. Trong các công trình thờ Mẫu có nhiều di tích được nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử-văn hóa cấp tỉnh và cấp quốc gia. Các di tích tập trung nhiều nhất ở các địa phương sinh sống ven sông Cầu, sông Đuống, một số di tích ở vùng đồi núi như vùng núi Phật Tích, núi Quả Cảm, núi Thiên Thai…
Các nghi lễ gắn với thờ mẫu chủ yếu là nghi lễ hầu đồng với hàng nghìn buổi mỗi năm, điều này cho thấy thực hành tín ngưỡng thờ mẫu thể hiện sâu đậm trong đời sống văn hóa tâm linh của người dân Bắc Ninh và có vai trò quan trọng trong đời sống cộng đồng dân cư, nơi con người tìm kiếm sức khỏe, sinh kế, vận may, điểm tựa tinh thần… Thông qua các lễ hội truyền thống như hội Diềm (phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh); hội đền bà Chúa Kho (phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh); lễ hội vùng Dâu (thị xã Thuận Thành)… giúp con người hướng tới chân-thiện-mỹ để cộng đồng dân cư sống đoàn kết, nghĩa tình hơn, biết thờ phụng ông bà tổ tiên, biết ơn những người anh hùng, những người có công với đất nước.
Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Bắc Ninh tập trung vào các hoạt động thờ cúng, tế lễ trong dịp lễ hội gắn với nghi thức diễn xướng dân gian hát chầu văn hoặc hầu đồng khắc họa cuộc đời, công lao của các vị thần thông qua sự nhập vai vào các thanh đồng với lời ca phong phú sắc màu. Với quan niệm mẫu là mẹ là người chở che, yêu thương và bảo vệ, phù hộ cho những đứa con của mình tránh bất trắc, rủi ro trong cuộc sống. Vì vậy, những người tìm đến với mẫu thường để có được sự cân bằng trong tâm hồn sau những bộn bề của cuộc sống thường nhật. Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Bắc Ninh có đặc trưng riêng song vẫn mang vẻ đẹp chung của văn hóa thờ mẫu người Việt, tôn vinh truyền thống yêu nước, hướng về cội nguồn.
Đền Bà Chúa Kho là một điển hình của tín ngưỡng thờ mẫu ở Bắc Ninh.
Bảo tồn, phát huy tín ngưỡng thờ Mẫu
Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Bắc Ninh có những giải pháp bảo tồn, phát huy như: Tuyên truyền, giáo dục, quảng bá giá trị của di sản; tổ chức hội thảo khoa học giá trị di sản văn hóa tín ngưỡng thờ mẫu và định hướng công tác quản lý trong đời sống đương đại; vinh danh các nghệ nhân trong thực hành tín ngưỡng thờ mẫu; khuyến khích các nghệ nhân mở lớp truyền dạy sử dụng đạo cụ âm nhạc trong nghệ thuật hát chầu văn; tổ chức kiểm kê, sưu tầm tư liệu hóa tài liệu các di tích đền, điện, miếu, phủ, chùa… có tín ngưỡng thờ mẫu trong tỉnh. Đặc biệt những năm gần đây, các di tích thờ mẫu dần được khôi phục bề thế, tu sửa khang trang, đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân. Nhiều di tích, công trình còn bảo lưu được kiến trúc cổ thờ mẫu như: Chùa Bút Tháp, chùa Dâu, chùa Tổ… Ngoài giá trị về kiến trúc, các di tích thờ Mẫu còn bảo lưu được bảo vật quốc gia gồm: Tượng nghìn mắt nghìn tay chùa Bút Tháp; tượng Tứ pháp vùng Dâu (Thuận Thành) cùng hàng nghìn cổ vật như hệ thống tượng thờ, bia đá, hoành phi, câu đối, sắc phong, đồ thờ tự… có giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật đặc sắc.
Ông Nguyễn Hữu Mạo, Giám đốc Ban Quản lý Di tích tỉnh cho biết: Từ những thực trạng và loại hình kiến trúc của các di tích gắn với tín ngưỡng thờ mẫu ở Bắc Ninh, thời gian tới, Ban tiếp tục rà soát, đánh giá hiện trạng cảnh quan, đất đai, các công trình kiến trúc để có phương án tu bổ, tôn tạo; điều tra chuyên sâu hơn nữa về các loại hình kiến trúc gắn với thờ mẫu bao gồm cả quy mô, loại hình, ban thờ, nghệ thuật trang trí, phương pháp bài trí ban thờ, sắp đặt đồ thờ tự gắn với tín ngưỡng thờ mẫu; tổ chức tuyên truyền, quảng bá ý nghĩa, giá trị về tín ngưỡng thờ mẫu để nhân dân, du khách hiểu và tích cực chung tay bảo tồn, phát huy những giá trị gắn với thờ Mẫu-một loại hình tín ngưỡng dân gian mang sắc thái nguyên thủy của người Việt.
Giá trị nổi bật của di tích thờ Mẫu là giá trị văn hóa phi vật thể, đó là các nghi lễ, các sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, tâm linh… gắn liền với di tích. Việc bảo tồn, phát huy tín ngưỡng thờ mẫu của Bắc Ninh thể hiện truyền thống yêu nước, uống nước nhớ nguồn của người dân, góp phần tạo ra sợi dây tinh thần liên kết các cộng đồng, thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa, nơi mà yếu tố nghệ thuật như trang phục, đạo cụ, âm nhạc đóng vai trò quan trọng giúp cho việc sáng tạo và làm giàu vốn văn hóa truyền thống.