Hội làng Xuân Ái

05/11/2024 12:29 Số lượt xem: 6

Làng Xuân Ái xưa còn gọi là làng Xói, thuộc tổng Châm Khê, huyện Yên Phong, nay là khu phố Xuân Ái, thuộc phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh.

Người làng Xuân Ái xưa sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nước. Ngoài ra còn có nghề trồng dâu, nuôi tằm và dệt vải khổ hẹp. Trong quá trình lao động xây dựng làng xóm, họ xây dựng nên những công trình kiến trúc tiêu biểu. Đình, chùa Xuân Ái nằm ở giữa làng theo hướng chếch tây bắc, tương truyền được xây dựng vào thời Lê. Hiện trong đình còn giữ được thần phả và 21 sắc phong do các đời vua Lê và Nguyễn phong tặng cho các vị Thành hoàng được thờ là Quí Minh Đại Vương, Đức thánh Tam Giang; ba ngai thờ gỗ chạm trổ rồng mây cùng nhiều đồ thờ khác. Chùa Xuân Ái còn có tên là Tháp Hoa tự, đã qua nhiều lần tu sửa, đợt tu sửa lớn nhất gần đây là vào năm 1992. Chùa có mặt bằng kiến trúc chữ đinh gồm 5 gian tiền đường và 3 gian thượng điện. Hiện vật ở chùa khá phong phú bao gồm hệ thống tượng gỗ có niên đại thời Nguyễn, nồi hương gốm cổ thời Lê và cây hương đá dựng năm 1913. Hằng năm, người Xuân Ái thực hiện các tiết lệ: Lễ khai xuân ngày 4 tháng Giêng; Hội chùa ngày 12 tháng Giêng; Lễ Kỳ Yên ngày mùng 2 tháng 2; Giỗ Đức Thánh Tam Giang ngày 10 tháng 4;  Hội đình ngày 10 tháng 8. Để thực hiện các lệ tiết trên, hằng năm làng luân phiên cử ra 2 ông cai đám, 2 ông hóa và 12 ông xôn để lo việc làng. Những người đứng ra lo việc làng, theo tập tục đều là đàn ông từ 49 tuổi trở xuống và không vướng tang trở. Còn tất cả các ông từ 50 tuổi trở lên vào hàng các cụ, được tôn trọng dự hàng cố vấn. Theo lệ, làng Xuân Ái mở hội xuân vào ngày 12 tháng Giêng. Đó là ngày hội chùa. Hội bắt đầu vào ngày 11, nhà chùa nhờ hai ông đám dựng cây phướn để cúng Phật. Đến tối có thầy cúng cùng các vãi làm lễ, tổ chức làm trò nhà Phật. Ngày 12, các vãi tập trung làm cơm chay và đón khách thập phương đến lễ Phật. Làng cho dựng cây đu ở trước đình từ trong Tết để ra Giêng cho thanh niên chơi, hết hội chùa mới hạ. Đặc biệt, trong ngày hội có tục hát Quan họ do các bọn Quan họ trong làng và các làng xung quanh đến góp vui. Trong ngày hội xuân xưa ở Xuân Ái có các bọn Quan họ ở các làng xung quanh như Xuân Viên, Xuân Đồng, Viêm Xá (Diềm), Y Na, Đẩu Hàn đi chơi hội, vào chùa lễ Phật, họ gặp nhau và mời nhau ca hát ở sân chùa, cứ từng cặp, một bọn nam với một bọn nữ gọi là Quan họ hát hội. Ngày hội xuân là dịp để các bọn Quan họ Xuân Ái mời các bọn Quan họ bạn đến vui hội, ca hát. Đó là các bọn Quan họ nữ Điều Thôn, Đẩu Hàn, Quan họ nam Yên Mẫn, Đặng Xá, Đẩu Hàn. Tại chùa, Quan họ chủ đợi sẵn, hai bên gặp nhau, họ cùng nhau hát chào, rồi Quan họ chủ dẫn bạn vào thắp hương lễ Phật. Sau đó Quan họ chủ mời bạn về nhà chứa tiếp trầu nước, cơm. Đến tối, hát canh mới chính thức được mở ra. Họ hát tới đêm khuya mới chia tay nhau. Hội đình làng Xuân Ái mở vào ngày 10 tháng 8 âm lịch. Xưa kia, chỉ những năm được mùa mới mở hội, những năm khác chỉ làm “lệ”. Mỗi khi mở hội, làng tổ chức rước nước từ giếng đất đầu làng về đình làm lễ nhập tịch vào ngày mồng 9. Đám rước có đầy đủ cờ quạt, kiệu bát cống, phường bát âm. Các cụ quan viên tập trung ở đình ra giếng đất đầu làng lấy nước rước về cúng cả năm. Khi đám rước đến giếng, đôi Chóe được đặt gần bờ giếng, hai ông Hóa lấy gáo múc nước khiêng lên kiệu rước về đình. Ngày mùng 10 tháng 8 là ngày chính hội. Trong ngày này, làng cho thịt trâu, thịt lợn làm cỗ đám còn các ngày 9, 11, 12, 13, 14 chỉ có xôi gà làm lễ. Cũng trong ngày 10, làng tổ chức rước cụ Thượng ra đình để tỏ sự tôn vinh của dân làng Xuân Ái trọng xỉ hơn trọng tước. Ở làng Xuân Ái, chỉ cụ thượng mới mặc áo đỏ, ông đám mặc áo màu tím, quan viên mặc áo màu xanh. Bên cạnh những nghi thức lễ, làng cho mời đoàn chèo Ngang Nội hát ở sân đình. Các bọn Quan họ Xuân Ái mời Quan họ kết bạn đến chơi hội và hát hội.

Nguồn: Báo Bắc Ninh