Tiếp tục xây dựng, phát huy vai trò đội ngũ trí thức trong giai đoạn mới

27/11/2024 17:38 Số lượt xem: 1

(BNP) - Thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện nhiều giải pháp để phát triển đội ngũ trí thức cả về số lượng và chất lượng, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của địa phương.

Các lớp đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, các kĩ năng mềm cho cán bộ, công chức, viên chức được quan tâm tổ chức.

 

Tỉnh đã ban hành một số chính sách về tuyển chọn, đào tạo, đãi ngộ nhằm thu hút những người có trình độ cao, trong đó có sinh viên tốt nghiệp Đại học loại xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ về cơ quan, đơn vị, địa phương công tác được đặc biệt quan tâm. Triển khai tốt công tác thi đua, khen thưởng; tổ chức các hội thi sáng tạo kỹ thuật, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, sáng tạo và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào lao động, sản xuất; tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, các kĩ năng mềm cho cán bộ, công chức, viên chức… Giai đoạn 2011-2020, toàn tỉnh cử hơn 71.000 lượt người đi bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; cử cán bộ tham gia các lớp bồi dưỡng về ngoại ngữ, tin học; chương trình quản lý nhà nước và 503 lượt người đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài, trong đó có 30 người học sau đại học.

 

Theo thống kê, đến nay, tổng số trí thức của tỉnh đang công tác tại các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội hơn 60.000 người, trong đó trình độ chuyên môn đại học trở lên chiếm gần 50%. Đội ngũ trí thức làm việc trong lĩnh vực khoa học và công nghệ khoảng 700 người. Ngoài ra, Bắc Ninh có nhiều trí thức trình độ cao đang làm việc trong các khu công nghiệp, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

 

Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển, đội ngũ trí thức vẫn còn thiếu, nhất là đội ngũ có trình độ chuyên môn cao. Chính sách phát triển đội ngũ trí thức còn dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm nên chưa tạo ra sự thay đổi rõ nét về số lượng và chất lượng. Nhiều trí thức trẻ phải làm việc trái với ngành nghề đào tạo, không phát huy được sở trường, năng lực, kiến thức đã được đào tạo…

Liên hoan Sáng tạo Khoa học - Kỹ thuật trẻ tỉnh được Tỉnh Đoàn, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Giáo dục và Đào tạo, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp tổ chức.

 

Nhằm tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới, tại Chương trình hành động 72-CTr/TU, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể cần triển khai trong thời gian tới.

Trong đó, mục tiêu hướng đến phát triển đội ngũ trí thức về số lượng và chất lượng, nhất là đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực then chốt, trọng yếu, lĩnh vực mới đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đảm bảo sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh theo hướng phát triển các lĩnh vực khoa học - công nghệ cao, tiếp cận nền kinh tế tri thức.

 

Nâng cao chất lượng đào tạo của hệ thống các trường Đại học, cao đẳng, trung cấp nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh. Quản lý chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, đảm bảo có trình độ chuyên môn cao, năng lực thực tiễn tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

 

Phấn đấu 100% công chức, viên chức được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng theo tiêu chuẩn ngạch, chức danh nghề nghiệp, vị trí việc làm; 100% đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ đào tạo của cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên; ít nhất 70% cơ sở giáo dục nghề nghiệp và 100% chương trình đào tạo các ngành, nghề trọng điểm đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng. Phấn đấu khoảng 90% ngành, nghề đào tạo được xây dựng, cập nhật chuẩn đầu ra theo Khung trình độ quốc gia.

 

Tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 90% (trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 55%, tỷ lệ lao động có kỹ năng công nghệ thông tin đạt 95%); khoảng 90% cán bộ quản lý được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng quản lý - quản trị hiện đại.

Việc thành lập Trung tâm đào tạo Công nghệ Kỹ thuật Goertek Vina giúp phát triển lực lượng lao động nòng cốt có chuyên môn và trình độ cao cho doanh nghiệp nói riêng và tỉnh Bắc Ninh nói chung.

Để thực hiện đạt các mục tiêu trên, Chương trình hành động đề ra 5 nhiệm vụ và giải pháp cần tập trung thực hiện. Trong đó, trọng tâm là đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức, trọng dụng nhân tài. Tập trung xây dựng cơ chế, chính sách và đầu tư nguồn lực để phát triển một số cơ sở giáo dục đại học, cơ sở nghiên cứu có đủ năng lực, điều kiện để giữ vai trò nòng cốt trong đào tạo, nghiên cứu, đóng góp của đội ngũ trí thức. Có cơ chế, chính sách ưu tiên trong thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ nhân tài, nhất là chính sách tuyển dụng, tiền lương, tạo môi trường làm việc, tập trung vào các nhà khoa học giỏi, có trình độ chuyên môn cao. Quan tâm xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ cho trí thức trẻ và trí thức là nữ.

Tăng cường quản lý nhà nước, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách đối với đội ngũ trí thức. Tăng cường nguồn lực xây dựng đội ngũ trí thức chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển, chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ; tạo điều kiện cho các nhà khoa học, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ lõi, công nghệ nguồn, công nghệ mũi nhọn được tham gia các chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm, phát triển sản phẩm mới, công nghệ mới. Xây dựng, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trên cơ sở đẩy mạnh hợp tác giữa doanh nghiệp và đội ngũ trí thức, giữa các tập đoàn kinh tế với các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở nghiên cứu, hội trí thức thông qua mô hình trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo...

 

Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của các hội trí thức, nhất là Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh theo hướng sát thực tiễn, động viên, phát huy tối đa vai trò, tiềm năng to lớn của đội ngũ trí thức.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh