Định vị thương hiệu “Về miền Quan họ” trên bản đồ du lịch quốc gia

31/12/2024 11:24 Số lượt xem: 6

Với niềm tự hào vùng đất cổ ngàn năm văn hiến, có nền văn hóa rực rỡ của những niêm luật, lễ nghĩa, thi thư tài hoa... Bắc Ninh đang chú trọng khai thác giá trị di sản văn hóa trong phát triển du lịch, gia tăng trải nghiệm khác biệt dựa trên nền tảng truyền thống và những tiềm năng sẵn có nhằm định vị thương hiệu điểm đến “Về miền Quan họ” trên bản đồ du lịch quốc gia và thế giới.

Bắc Ninh có 4 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh là: Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Ca trù, Nghi lễ và trò chơi kéo co; thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt; có 8 di sản trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 62 làng nghề thủ công; gần 600 lễ hội truyền thống và phong phú các loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian như: Tuồng, chèo, múa rối nước, ca trù, hát trống quân... Ngoài ra, trải khắp các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh có gần 1.600 di tích, trong đó 5 di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, 206 di tích xếp hạng quốc gia, 463 di tích xếp hạng cấp tỉnh cùng 19 nhóm Bảo vật Quốc gia có giá trị đặc sắc tiêu biểu.

Liền anh Quan họ mời trầu du khách quốc tế.

Theo thời gian, những trầm tích, di sản văn hóa quê hương được kết tinh, hình thành nét đặc sắc, giá trị đặc trưng riêng biệt và hòa vào dòng chảy của lịch sử dân tộc, tạo dựng nền văn hóa giàu bản sắc, hiện hữu trong mọi mặt đời sống vật chất, tinh thần của người dân, được các thế hệ nối tiếp trân trọng trao truyền, bảo tồn và phát huy trong đời sống đương đại. Nguồn lực vô giá này cũng đang giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế du lịch của tỉnh.
Quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, thời gian qua, Bắc Ninh ban hành nhiều chủ trương, chính sách, điển hình là Nghị quyết 71/NQ-TU ngày 28-9-2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”; Đề án “Phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030”... Đặc biệt, tháng 5-2024, Đề án “Xây dựng thí điểm sản phẩm OCOP du lịch tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2023 - 2025” đã được UBND tỉnh phê duyệt với tổng kinh phí hơn 60 tỷ đồng nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế tài nguyên du lịch nông nghiệp, làng nghề, làng nghề truyền thống, hệ thống các di sản văn hóa của tỉnh để hình thành các sản phẩm du lịch theo hướng du lịch xanh, bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa con người Bắc Ninh - Kinh Bắc.

Chương trình xúc tiến quảng bá du lịch Bắc Ninh tại Phú Quốc, Kiên Giang tháng 12-2024.

Từ định hướng ưu tiên phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế xanh của tỉnh, Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã và đang đẩy mạnh quảng bá thương hiệu du lịch, tiếp cận thị trường mục tiêu, trong đó tập trung vào thị trường du lịch trọng điểm ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Dấu ấn nổi bật trong năm 2024 là các hoạt động mở rộng, gia tăng sự hiện diện của di sản văn hóa và quảng bá hình ảnh điểm đến, tiêu biểu như: Sự kiện hai Thủ tướng Việt Nam và Trung Quốc cùng thưởng lãm di sản Dân ca Quan họ, tranh dân gian Đông Hồ tại trụ sở Chính phủ; Chương trình đón tiếp đoàn Phó Chủ tịch nước gặp mặt các nữ Đại sứ, trưởng ban đại diện tổ chức Quốc tế tại khu di tích đình, chùa Đồng Kỵ (thành phố Từ Sơn); Trưng bày “Không gian văn hóa, du lịch Bắc Ninh trong lòng Hà Nội” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam; Liên hoan du lịch, ẩm thực-làng nghề tỉnh Bắc Ninh; Hội nghị xúc tiến đầu tư, phát triển du lịch - “Bắc Ninh hành trình kết nối”; Chương trình “Không gian văn hóa Bắc Ninh tại Phú Quốc, Kiên Giang”... Ngoài ra còn tăng cường phối hợp tuyên truyền, quảng bá du lịch gắn với các chương trình, sự kiện lớn của tỉnh tại Ấn Độ, Nepal, Khu vực Đông Kazakhstan, Hàn Quốc, Nhật Bản, một số nước châu Âu...

Di sản Dân ca Quan họ - sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn của Bắc Ninh.

 

Đáng chú ý, đối tượng khách du lịch tới Bắc Ninh đang có xu hướng mở rộng, ngoài lượng khách du xuân trảy hội và tìm hiểu di tích lịch sử văn hóa còn có khách công vụ, hội nghị, hội thảo, nghiên cứu thị trường kinh doanh, đầu tư, tìm kiếm đối tác kết hợp tham quan, thưởng thức Dân ca Quan họ, trải nghiệm di sản văn hóa... Chính sự cộng hưởng từ vẻ đẹp di sản Dân ca Quan họ cùng những nét văn hóa truyền thống tiêu biểu khác của quê hương Bắc Ninh tạo thiện cảm, ấn tượng sâu sắc với du khách trong và ngoài nước.

Mặc dù đang có bước khởi sắc nhưng rõ ràng du lịch Bắc Ninh còn khiêm tốn so với tiềm năng, nguồn lực đang có và kỳ vọng của xã hội. Thị trường khách du lịch nội địa vẫn chiếm chủ yếu, trung bình khoảng 95,6% tổng lượng khách đến Bắc Ninh hằng năm; thời gian lưu trú tương đối ngắn, khó giữ chân khách lưu lại qua đêm, mức chi tiêu cho các hoạt động dịch vụ du lịch rất hạn chế do đó cần tiếp tục nghiên cứu, phát triển các loại hình dịch vụ phụ trợ nhằm kích cầu tăng mức chi tiêu của du khách.
Tạo tiền đề đưa Bắc Ninh trở thành một trong những trung tâm du lịch văn hóa lớn của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng và của cả nước vào năm 2030, đồng thời phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, ngành du lịch Bắc Ninh đang tập trung tham mưu, xây dựng cơ chế nhằm phát triển đa dạng sản phẩm du lịch từ nguồn tài nguyên di sản văn hóa; tiếp tục tổ chức các hoạt động văn hóa, giải trí đẳng cấp quốc tế; phát triển hệ sinh thái du lịch xanh, thông minh; huy động mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ du lịch...
Tiềm năng, lợi thế đã sẵn sàng, cùng định hướng đúng đắn và các chương trình kế hoạch hành động cụ thể, Bắc Ninh đang dần “thức tỉnh” nguồn lực du lịch văn hóa, từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành điểm đến hấp dẫn, lọt vào “mắt xanh” của du khách trong nước và quốc tế...

Việt Thanh

Nguồn: Báo Bắc Ninh

Vui lòng nhập nhiều hơn 5 tin để hiển thị!