Quế Võ triển khai tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường

05/06/2019 08:00 Số lượt xem: 4176
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh hiệu quả trên đàn vật nuôi; đặc biệt là phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi đang tiếp tục có diễn biến phức tạp, UBND huyện Quế Võ đã triển khai Kế hoạch tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường trên địa bàn. Qua đó nhằm tiêu diệt mầm bệnh truyền nhiễm trong môi trường; đặc biệt là vi rút gây bệnh Dịch tả lợn Châu phi trên đàn lợn, hạn chế, ngăn chặn sự lây lan của bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, tiến tới khống chế dịch trên địa bàn huyện.

Theo chỉ đạo, việc tổ chức thực hiện phải có sự chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, các ngành và đoàn thể từ huyện đến cơ sở. Đảm bảo 100% các cơ sở, hộ chăn nuôi, chợ mua bán, điểm giết mổ gia súc, gia cầm và đường làng, ngõ xóm, khu phố trên địa bàn huyện được vệ sinh, khử trùng, tiêu độc.

Đối với cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung cần thực hiện phát quang cây cỏ xung quanh chuồng trại chăn nuôi; quét dọn thu gom phân rác để ủ hoặc đốt, chôn; khơi thông cống rãnh. Tiêu độc, phun khử trùng toàn bộ chuồng trại, khu vực chăn nuôi và vùng phụ cận mỗi ngày một lần. Vệ sinh, tiêu độc, khử trùng các phương tiện dùng vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm, thức ăn,...trước khi ra, vào cơ sở chăn nuôi.

Thực hiện tốt công tác vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường góp phần phòng ngừa dịch bệnh xảy ra trên đàn vật nuôi

Đối với chăn nuôi hộ gia đình, thực hiện quét dọn sạch sẽ khu vực chuồng nuôi nhốt gia súc, gia cầm; thu gom phân rác, chất độn chuồng để ủ hoặc đốt, chôn. Phun sát trùng toàn bộ khu vực nuôi nhốt gia súc, gia cầm và vùng phụ cận mỗi ngày một lần, vệ sinh sạch sẽ phương tiện, dụng cụ vận chuyển sau mỗi lần vận chuyển.

Đối với cơ sở ấp nở gia cầm, thủy cầm, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung thực hiện phát quang cây cỏ xung quanh và quét dọn sạch sẽ toàn bộ khu vực lò ấp, đường ra, vào cơ sở ấp nở; thu gom tiêu hủy vỏ trứng sau khi ấp nở. Phun tiêu độc, khử trùng hàng ngày toàn bộ diện tích cơ sở ấp trứng, đường ra vào cơ sở ấp trứng, các phương tiện vận chuyển thức ăn, trứng giống và gia cầm mới nở..., khu vực nhốt gia súc, gia cầm sau khi đưa gia súc, gia cầm đi giết mổ. Nơi giết mổ phải được vệ sinh tiêu độc, khử trùng sau mỗi ca sản xuất;

Chợ buôn bán gia súc, gia cầm sống, thực hiện quét dọn và phun thuốc khử trùng khu vực buôn bán động vật, sản phẩm động vật, khu giết mổ và các vật dụng liên quan cuối mỗi buổi chợ. Phương tiện, dụng cụ vận chuyển gia súc, gia cầm phải được phun khử trùng khi vào, ra khỏi chợ. Những quầy bán thịt gia súc, gia cầm phải được vệ sinh sạch sẽ và phun thuốc tiêu độc, sát trùng cuối mỗi buổi chợ. Tại các nơi công cộng, đường làng ngõ xóm, khu phố, phát động toàn dân tham gia quét dọn tổng vệ sinh môi trường nơi công cộng, đường làng, ngõ xóm; tổ chức các đội tiêu độc khử trùng môi trường đường làng, ngõ xóm một ngày một lần.

Toàn huyện thực hiện từ ngày 25-26/5/2019. Những trại chăn nuôi và cơ sở giết mổ tập trung, cơ sở ấp trứng gia cầm tự lo vật tư, hoá chất, kinh phí và tổ chức thực hiện theo sự giám sát của chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn. Các xã, thị trấn phát động các Tổ chức đoàn thể, học sinh, sinh viên và nhân dân tham gia quét dọn tổng vệ sinh môi trường nơi công cộng, đường làng, ngõ xóm, khu phố; tổ chức các đội rắc vôi, phun thuốc sát trùng khu vực chăn nuôi hộ gia đình, chợ buôn bán gia súc, gia cầm sống, đường làng, ngõ xóm, khu phố.

Các loại hoá chất để sử dụng phun khử trùng tiêu độc môi trường như đã áp dụng trong các lần vệ sinh tiêu độc, khử trùng trước. Việc phun hóa chất khử trùng chỉ được thực hiện sau khi đã được vệ sinh cơ giới như: quét dọn, cọ, rửa sạch sẽ… Ngoài việc sử dụng hoá chất sát trùng, các địa phương, cơ sở, hộ chăn nuôi cần thường xuyên sử dụng vôi bột hoặc dung dịch nước vôi 10% để tiêu độc, khử trùng môi trường, chuồng trại chăn nuôi.

UBND huyện giao Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện chuẩn bị đủ hóa chất khử trùng, phương tiện phục vụ cho Kế hoạch tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường trên địa bàn huyện; Hướng dẫn chỉ đạo chuyên môn, kỹ thuật về vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường theo đúng quy định; Phối hợp với các đơn vị, phòng liên quan kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện ở các xã, thị trấn; Phối hợp với Đài phát thanh huyện trong công tác tuyên truyền, đưa tin về công tác triển khai tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường trên địa bàn huyện nhắm nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng đối với công tác phòng, chống bệnh dịch gia súc, gia cầm nói chung và công tác phòng, chống dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi nói riêng.

Phòng Nông nghiệp &PTNT chủ trì, phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện hướng dẫn, thực hiện kế hoạch. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc triển khai, thực hiện công tác tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường ở các xã, thị trấn; Tổng hợp kết quả tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường báo cáo UBND huyện, Sở Nông nghiệp & PTNT theo quy định.

Đài phát thanh huyện đẩy mạnh tuyên truyền, đưa tin về công tác tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường để nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng đối với công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, đặc biệt là trong phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.

Đề nghị các tổ chức Đoàn thể huyện phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện tổ chức tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên tích cực tham gia và thực hiện tốt  công tác tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường.

UBND các xã, thị trấn tổ chức thông tin, tuyên truyền rộng rãi kế hoạch triển khai công tác tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường của huyện trên địa bàn; Phát động tổng vệ sinh môi trường, nơi công cộng, đường làng, ngõ xóm. Tổ chức lực lượng phun hóa chất khử trùng, tiêu độc đến từng hộ gia đình có chăn nuôi gia súc, gia cầm, chợ buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm, nơi công cộng, đường làng, ngõ xóm theo quy định: hỗ trợ vôi cho các thôn, xóm. Mỗi thôn sử dụng ít nhất 01 tấn vôi bột cho việc khử trùng các khu vực công cộng.

Vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường là biện pháp quan trọng nhằm tiêu diệt mầm bệnh ngoài môi trường, hạn chế, ngăn chặn các dịch bệnh xâm nhiễm và phát sinh trên đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt là dịch bệnh Dịch tả lợn châu phi. Do vậy các cơ quan, đơn vị, địa phương cần nghiêm túc triển khai thực hiện./.

Vui lòng nhập nhiều hơn 5 tin để hiển thị!