Ngày Thế giới phòng chống Đái tháo đường 14/11

08/11/2022 14:05 Số lượt xem: 148

Đái tháo đường là một bệnh chuyển hóa, biểu hiện bằng tình trạng tăng lượng đường trong máu một thời gian dài. Các triệu chứng của đường huyết cao bao gồm: ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều và sụt cân nhiều. Nếu không chữa trị, bệnh đái tháo đường có thể gây ra nhiều biến chứng. Các biến chứng cấp tính bao gồm: hạ đường huyết, hôn mê nhiễm toan ceton, thậm chí tử vong. 

Các biến chứng bệnh đái tháo đường

Biến chứng mạn tính bao gồm: bệnh tim mạch, đột quỵ, suy thận mạn tính, loét chân, bệnh lý võng mạc. 

Bệnh đái tháo đường là do tuyến tụy không sản xuất đủ insulin hoặc các tế bào của cơ thể không đáp ứng với insulin. Có 3 loại đái tháo đường:

- Đái tháo đường típ 1: là tuyến tụy không sản xuất đủ insulin, do vậy trước đây còn gọi là “đái tháo đường phụ thuộc insulin”.

- Đái tháo đường típ 2: là do sự đề kháng với insulin, các tế bào không đáp ứng với insulin, do đó còn gọi là “đái tháo đường không phụ thuộc insulin”.

- Đái tháo đường thai kỳ: xảy ra khi phụ nữ một phụ nữ chưa hề mắc bệnh đái tháo đường mà trong khi mang thai lại có nồng độ đường trong máu cao.

Làm sao để biết mình có bệnh đái tháo đường hay không?

- Xét nghiệm máu sau 8 giờ nhịn đói (đường huyết lúc đói) để biết được chính xác tình trạng đường huyết của mình. Sau đó dựa vào trị số đường huyết lúc đói, bác sĩ sẽ kết luận tình trạng đường huyết:

+ Đường huyết đói: < 100mg/dl: bình thường

+ Đường huyết đói: 100-126mg/dl: tiền đái tháo đường

+ Đường huyết đói >126mg/dl: đái tháo đường.

Ngoài trị số đường huyết lúc đói, xét nghiệm HbA1c sẽ cho biết mức đường huyết trung bình trong 2-3 tháng gần nhất. Ngoài ra, đây là xét nghiệm tốt nhất để theo dõi sự kiểm soát đường huyết của người bệnh, giúp các bác sĩ biết được đường huyết có được kiểm soát tốt hay không trong thời gian 2-3 tháng vừa qua.

+ HbA1c: < 6,5%: kiểm soát đường huyết tốt.

+ HbA1c: 6,5% - 7,5%: kiểm soát đường huyết chấp nhận được.

+ HbA1c: >7,5%: kiểm soát đường huyết kém.

Những ai dễ mắc bệnh đái tháo đường?

Khác với đái tháo đường típ 1 và đái tháo đường thai kỳ hiện nay vẫn chưa rõ nguyên nhân, đái tháo đường típ 2 có những yếu tố nguy cơ:

Yếu tố nguy cơ can thiệp được:

+ Thừa cân béo phì

+ Ít hoạt động thể lực

+ Tăng huyết áp

+ Rối loạn mỡ máu

+ Tiền đái tháo đường

+ Rối loạn đường huyết lúc mang thai

Yếu tố nguy cơ không can thiệp được:

+ Trên 40 tuổi

+ Gia đình từng có người bị đái tháo đường

Phòng ngừa và điều trị đái tháo đường

Việc phòng ngừa và điều trị liên quan chặt chẽ đến chế độ ăn uống và tập luyện. Nên ăn đa dạng các loại thực phẩm, trong đó chú ý nhiều rau quả và trái cây; hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn (fast food), thực phẩm nhiều tinh bột; tránh thực phẩm nội tạng động vật, thức uống nhiều đường (nước ngọt); luyện tập thể dục ít nhất 30 phút/ngày trong ít nhất 5 ngày/tuần; kiểm soát cân nặng BMI từ 18-25. Trong đó, quan trọng nhất là việc khám tầm soát ít nhất 1 năm/lần đối với người chưa mắc bệnh (6 tháng/lần đối với người có yếu tố nguy cơ) và điều trị thường xuyên đối với người đã mắc bệnh.

Để dự phòng, kiểm soát bệnh đái tháo đường, cần tăng cường thực thi Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, Luật An toàn thực phẩm, Luật Bảo vệ môi trường. Bộ Y tế cũng đã trình Quốc hội phê chuẩn Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia; ban hành các chính sách, hướng dẫn để tăng cường dinh dưỡng hợp lý và hoạt động thể lực cho người dân.

Bên cạnh đó, hệ thống y tế cũng cần được củng cố, tiếp tục nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị tại các bệnh viện, đồng thời chú trọng phát triển y tế dự phòng, y tế cơ sở, mạng lưới bác sĩ gia đình để truyền thông vận động cộng đồng thay đổi hành vi, phòng chống yếu tố nguy cơ, cung cấp các dịch vụ dự phòng, tư vấn đầy đủ cho người dân, đồng thời bảo đảm người nguy cơ cao, người mắc bệnh đái tháo đường được phát hiện sớm, quản lý điều trị liên tục và lâu dài tại cộng đồng./.

Nguồn: Sở y tế