109 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ (9/7/1912-9/7/2021)

09/07/2021 10:12 Số lượt xem: 250

     Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ thuộc thế hệ những chiến sĩ cộng sản đầu tiên của Đảng ta, một người cộng sản kiên trung, một nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông là một tấm gương tiêu biểu về tinh thần tự học tập, rèn luyện và trưởng thành qua quá trình đấu tranh cách mạng.

     TBT Nguyễn Văn Cừ sinh ngày 9/7/1912 trong một gia đình trí thức nghèo thuộc dòng họ Nguyễn Trãi, tại làng Phù Khê, tổng Nghĩa Lập, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay là thôn Phù Khê, xã Phù Khê, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). 

     Kế thừa truyền thống yêu nước, hiếu học của dòng họ, lớn lên trên mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của xứ Kinh Bắc, ngay từ nhỏ Nguyễn Văn Cừ đã thể hiện tư chất thông minh, bản lĩnh kiên cường bất khuất, lòng yêu nước thiết tha, sẵn sàng hy sinh vì nghĩa lớn.

     TBT Nguyễn Văn Cừ tham gia hoạt động từ khi mới 15 tuổi và được đi “vô sản hoá” vào tháng 8-1928 ở vùng mỏ Đông Bắc. Với tinh thần quyết tâm cách mạng, ông đã tổ chức nhiều cuộc mít tinh kêu gọi công nhân lao động mỏ đứng lên làm cách mạng để giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Tờ báo Than do Nguyễn Văn Cừ trực tiếp chỉ đạo và là người biên tập chính, với nội dung tuyên truyền Chủ nghĩa Mác - Lênin đã được phát hành rộng rãi ở Mạo Khê và vùng mỏ Đông Bắc.

     Chỉ một năm sau, ông đã trở thành người chỉ đạo trực tiếp phong trào công nhân, phong trào cộng sản ở khu vực có lực lượng công nhân đông đảo nhất lúc bấy giờ.

Năm 1930, Nguyễn Văn Cừ thành lập chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ở mỏ Mạo Khê – chi bộ Đảng đầu tiên của Đảng ta ở vùng mỏ Quảng Ninh. Sau khi thành lập chi bộ đảng tại đây, ông được tổ chức phân công nhiệm vụ mới. Với vai trò là Phái viên của Trung ương Đảng tại vùng mỏ và với sự hoạt động năng nổ, có hiệu quả của ông, các chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ở Hòn Gai, Cẩm Phả, Cửa Ông, Uông Bí, Vàng Danh lần lượt ra đời.

     Dưới sự lãnh đạo của các chi bộ đảng, phong trào đấu tranh của công nhân mỏ bước vào thời kỳ sôi động, rộng khắp với nhiều hình thức phong phú, hòa nhịp với phong trào đấu tranh cách mạng của cả nước. Để thực hiện sự thống nhất chỉ đạo, Nguyễn Văn Cừ đã cùng các đồng chí Ngô Gia Tự và Nguyễn Đức Cảnh chỉ đạo thành lập Đặc khu ủy mỏ Quảng Ninh. Ông được cử làm đại diện của Xứ ủy tại Đặc khu ủy mỏ.

     Trên cương vị này, ông trực tiếp truyền đạt các Chỉ thị của Xứ ủy đến Đặc khu ủy và giúp đỡ Đặc khu ủy chỉ đạo phong trào, nên phong trào ở đây bùng lên mạnh mẽ, như các cuộc đấu tranh ủng hộ Xô Viết – Nghệ Tĩnh, kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga, rải truyền đơn… Bọn thực dân hoảng sợ, ra sức đàn áp, khủng bố, đánh phá ác liệt các cơ sở cách mạng.  

     Trong lúc phong trào cách mạng ở vùng mỏ Đông Bắc đang dâng cao, thì ngày 15-2-1931, trên đường từ Cẩm Phả về Hòn Gai, Nguyễn Văn Cừ bị địch bắt và chuyển từ Hòn Gai về Hà Nội, giam ở Hỏa Lò. Tại đây, ông đã tích cực học tập lý luận, chính trị một cách kiên trì, tự giác. Trong thời gian này, do không thể khai thác được gì ở ông, nên thực dân Pháp buộc phải mang đồng chí ra tòa xét xử.

     Ngày 13/5/1931, Hội đồng đề hình Bắc Kỳ đã kết án Nguyễn Văn Cừ 20 năm biệt xứ và đày ra Côn Đảo. Tại đây, ông gặp các đồng chí Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Hạ Bá Cang và nhiều đồng chí khác. Nguyễn Văn Cừ tham gia chi bộ Đảng ở Côn Đảo và cùng với các đồng chí của mình tham gia vào nhiều cuộc đấu tranh chống chế độ hà khắc của nhà tù và đòi cải thiện đời sống; tham gia vào việc dịch một số tác phẩm kinh điển ra tiếng Việt và chép vào những tập giấy thuốc lá, để phổ biến rộng rãi cho anh em khác. 

     Năm 1936, ở Việt Nam và Pháp nổi lên phong trào đấu tranh đòi nhà cầm quyền Pháp thả các tù chính trị ở Đông Dương. Cuộc đấu tranh đã mang lại kết quả, ngày 29/9/1936, nhà cầm quyền Pháp ở Đông Dương buộc phải thả tự do cho một số tù chính trị, trong đó có Nguyễn Văn Cừ.

     Trải qua gần sáu năm ở Côn Đảo, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã biến nhà tù thành trường học đấu tranh cách mạng và học tập văn hóa, nâng cao trình độ lý luận. Sự thông minh và tinh thần say mê học tập đã tôi luyện, giúp đồng chí  trưởng thành nhanh chóng.

     Đồng chí trở thành tấm gương mẫu mực về ý chí chiến đấu và khí tiết người cộng sản, về tấm lòng kiên trung với Đảng, với dân tộc, đặc biệt là tinh thần tự học, tự rèn luyện. Những năm tháng trong nhà tù đế quốc là giai đoạn đặc biệt quan trọng trong đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Cừ, có điều kiện nghiền ngẫm, soi xét kinh nghiệm hoạt động thực tiễn để làm sáng tỏ những vấn đề lý luận, gắn lý luận với thực tiễn và lấy thực tiễn để kiểm nghiệm lý luận.

     Đây là giai đoạn chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho giai đoạn kế tiếp của đồng chí Nguyễn Văn Cừ trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng.

     Đầu năm 1937, đồng chí Nguyễn Văn Cừ dự họp Ủy ban Sáng kiến và được phân công phụ trách công tác móc nối liên lạc với các đồng chí ở Trung Kỳ, đồng thời trực tiếp tham gia khôi phục và phát triển các cơ sở đảng ở khu vực Hà Nội và các vùng phụ cận.

     Tháng 3/1937, đồng chí Nguyễn Văn Cừ tham gia Hội nghị thành lập Xứ ủy Bắc Kỳ lâm thời và được cử vào Ban Thường vụ, rồi được phân công làm đại diện của Xứ ủy bên cạnh Trung ương, đồng thời theo dõi công tác tuyên truyền.

      Cuối tháng 8/1937, tại Hội nghị Trung ương mở rộng ở Sài Gòn có đồng chí Lê Hồng Phong, Nguyễn Chí Diểu, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai… tham dự, do đồng chí Hà Huy Tập chủ trì. Tại Hội nghị này, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương. Thực hiện sự phân công của Trung ương, đồng chí trở ra Bắc triệu tập Hội nghị thành lập Liên Xứ ủy Bắc – Trung Kỳ và được bầu vào Ban Thường vụ. Hội nghị đưa ra các biện pháp đẩy mạnh các hình thức đấu tranh công khai và bán công khai cho phù hợp với tình hình mới.

      Tháng 3/1938, đồng chí Nguyễn Văn Cừ bí mật rời Hà Nội vào Sài Gòn, để dự Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được triệu tập tại Hóc Môn, Gia Định. Ngày 30/3/1938, Hội nghị đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Đảng và đồng chí Nguyễn Văn Cừ được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, là Tổng Bí thư trẻ nhất trong lịch sử Đảng ta.

     Từ đây, với cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam.

     Với cương vị là Tổng Bí thư, nhận thấy tình hình quốc tế đang có những chuyển biến bất lợi cho cách mạng Việt Nam và Đông Dương, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã sớm đặt vấn đề chuyển hướng chiến lược của Đảng; chỉ đạo cho phát hành cuốn “Công tác bí mật của Đảng” kịp thời gửi tới Đảng bộ các cấp; trực tiếp triệu tập và chủ trì Hội nghị mở rộng Xứ ủy Bắc kỳ…  Đặc biệt, chỉ hai tháng sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, đồng chí đã triệu tập Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6, trong đó xác định: Đảng sẽ tiến hành thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương thay cho Mặt trận dân chủ; phương pháp cách mạng cũng chuyển từ đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ sang đấu tranh trực tiếp đánh đổ chính quyền của đế quốc và tay sai; từ hoạt động hợp pháp và nửa hợp pháp sang hoạt động bí mật và không hợp pháp, chuẩn bị điều kiện để tiến tới khởi nghĩa vũ trang. Nhờ có sự chỉ đạo kịp thời của Đảng, phong trào cách mạng Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ theo chiều hướng mới, lực lượng cách mạng cũng tránh được tổn thất lớn khi kẻ địch trở mặt đàn áp, góp phần đưa đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám lịch sử năm 1945.

     Đến nay, khi nhìn lại những diễn biến lịch sử, chúng ta càng khâm phục quyết định chuyển hướng chiến lược và thay đổi phương pháp cách mạng của Đảng ta tại Hội nghị Trung ương 6 là hết sức sáng suốt, thể hiện tư duy chính trị nhạy bén, năng lực sáng tạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng mà đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ.

     Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ còn là người đi đầu trong việc đề cao tinh thần thẳng thắn đấu tranh phê bình và tự phê bình nhằm nâng cao sức mạnh của Đảng, thể hiện thông qua tác phẩm “Tự chỉ trích” được viết vào tháng 7-1939. Bằng thực tiễn hoạt động phong phú của mình, đồng chí đã khái quát được những vấn đề tư tưởng lý luận hết sức sâu sắc mang tính thời đại cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị thời sự. 

     Tháng 01/1940, đồng chí Nguyễn Văn Cừ bị địch bắt, kẻ thù dùng mọi cách tra tấn, dụ dỗ hòng khai thác những bí mật của Đảng, nhưng tất cả những thủ đoạn bỉ ổi, dã man và hèn hạ của chúng đều thất bại trước ý chí đanh thép của người cộng sản kiên trung, chúng đành đưa đồng chí về giam tại Khám Lớn – Sài Gòn.

     Sau nhiều lần đưa ra xét xử, cuối cùng tòa án binh Sài Gòn đã kết án tử hình đồng chí Nguyễn Văn Cừ. Sáng sớm ngày 28/8/1941, đồng chí Nguyễn Văn Cừ hiên ngang bước ra pháp trường. “Những khẩu hiệu cách mạng” mà Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và các đồng chí của mình hô vang trước lúc bị giặc Pháp xử bắn vẫn còn vang vọng mãi đến hôm nay…

     Với 29 tuổi, hơn mười ba năm tham gia cách mạng, bảy năm bị giam cầm trong nhà tù đế quốc, hơn hai năm làm Tổng Bí thư của Đảng, hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, nhưng những cống hiến của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đối với Đảng và dân tộc ta là rất to lớn.

Nhà lưu niệm cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ

     Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ là một chiến sĩ cộng sản ưu tú, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, những phẩm chất bất khuất, kiên trung và những cống hiến lớn lao của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ mãi mãi được Đảng và nhân dân ta ghi nhớ và tôn vinh, là tấm gương bất diệt cho những người cộng sản, cho nhân dân và các thế hệ trẻ Việt Nam học tập, noi theo./.

NP
Nguồn: ST