Thúc đẩy bứt phá toàn diện về chuyển đổi số
Chuyển đổi số (CĐS) không phải là trào lưu mà là thực tế mọi lĩnh vực, hoạt động cần phải nhanh chóng nắm bắt. Tại Bắc Ninh, việc triển khai các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Số hóa trong việc dạy và học đang được các trường học trong tỉnh triển khai thực hiện.
Trên cơ sở Nghị quyết số 52-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Bắc Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 230/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh về Phê duyệt Đề án Chuyển đổi số tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2024- 2030, các cấp, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch, triển khai mạnh mẽ các giải pháp nhằm số hóa trong hoạt động, chỉ đạo điều hành. Hạ tầng kỹ thuật duy trì hoạt động của Trung tâm dữ liệu (Data center) tỉnh đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế tập trung các hệ thống thông tin của cơ quan Nhà nước trên địa bàn. Kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng từ Trung ương với tỉnh, từ cấp tỉnh đến cấp xã bảo đảm yêu cầu dùng riêng; an ninh, an toàn dữ liệu và dự phòng cao.
Toàn tỉnh có 196 điểm cầu, trong đó có 161 điểm cầu được quản lý và chi trả tập trung. Các cơ sở dữ liệu chuyên ngành được đẩy mạnh xây dựng, từng bước đưa vào khai thác, sử dụng; nhiều dịch vụ công được cung cấp trực tuyến toàn trình; kinh tế số, xã hội số đều có bước chuyển đổi tích cực; kỹ năng số của cán bộ công chức, viên chức và người dân được nâng cao...
Tuy nhiên, quá trình triển khai cũng bộc lộ không ít thách thức và bất cập như: chưa coi CĐS, phát triển kinh tế số là nhiệm vụ trọng tâm; công tác hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính tiến triển chậm; việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước còn hạn chế, chưa tạo ra nhiều giá trị gia tăng; chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến còn chưa cao, chưa có sự đột phá; nguy cơ về mất an toàn thông tin mạng còn tiềm ẩn rủi ro, thách thức; chưa đầu tư nguồn lực thích đáng, đặc biệt là việc thu hút nguồn nhân lực về công nghệ thông tin và an toàn thông tin mạng.
Trước bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu, CĐS không chỉ là xu hướng phổ biến, mà còn là yêu cầu tất yếu, khách quan đối với mỗi quốc gia và trong mọi lĩnh vực. Để không bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua này, Bắc Ninh tiếp tục đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược về thể chế số, hạ tầng số và nhân lực số. Phấn đấu đưa toàn bộ các dịch vụ công lên các nền tảng số, nâng cấp nền kinh tế số, thúc đẩy CĐS có tính bứt phá toàn diện hơn, thực hiện “mục tiêu kép” là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số ở trình độ cao, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số mạnh, có năng lực cạnh tranh toàn cầu. Giải quyết vấn đề này đòi hỏi phải có quyết tâm cao, hành động quyết liệt, vì vậy tỉnh xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, các mũi đột phá để tạo động lực cho quá trình CĐS, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Cụ thể, về thể chế số, nhằm khuyến khích người dân, doanh nghiệp chứng thực hồ sơ, giấy tờ lưu trữ điện tử trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC, ngành chức năng rà soát, nghiên cứu, tham mưu với tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ phí chứng thực Thủ tục chứng thực bản sao từ bản chính. Nền tảng số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI)- trợ lý ảo hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và cán bộ công chức, viên chức. Triển khai nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu cấp tỉnh hướng tới hình thành kho dữ liệu dùng chung của Bắc Ninh.
Về dữ liệu số, xây dựng phát triển cơ sở dữ liệu ngành, lĩnh vực thuộc các sở: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Tư pháp; Sở Lao động - Thương binh xã hội, bao gồm: Số hoá hồ sơ và quản lý dữ liệu người có công với cách mạng tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2024-2026; Số hóa tư liệu, hiện vật Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh; Xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng; Số hóa Sổ hộ tịch; Phần mềm quản lý, số hóa văn bằng chứng chỉ… để triển khai Chiến lược dữ liệu của toàn tỉnh. Thí điểm mô hình phường CĐS toàn diện (không sử dụng ngân sách nhà nước). Theo mô hình này cơ quan nhà nước và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn sử dụng hạ tầng số, nền tảng số, dịch vụ số và công nghệ, kỹ thuật số để phục vụ đời sống hằng ngày và thay đổi phương thức, hoạt động sản xuất, kinh doanh. Mô hình phường CĐS toàn diện đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân địa phương thông qua việc cung cấp đầy đủ các dịch vụ, tiện ích đáp ứng nhu cầu trong cuộc sống thường ngày của người dân.
Xây dựng ứng dụng Smart Bắc Ninh (Bắc Ninh-S) với vai trò là nền tảng di động trung tâm của chính quyền tỉnh Bắc Ninh, mục tiêu chính là tạo ra kênh tương tác chính thống, hiệu quả, nhanh chóng, thuận tiện giữa chính quyền và người dân, thực hiện tốt phương châm CĐS lấy người dân làm trung tâm. Ứng dụng (Bắc Ninh-S) sẽ là đầu mối tập trung, thống nhất, đầy đủ dịch vụ để chính quyền tỉnh Bắc Ninh cung cấp các thông tin, dịch vụ, tiện ích đã được tối ưu hóa phù hợp với 4 đối tượng chính là công dân, doanh nghiệp, khách du lịch, nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo sự thuận lợi, tiết kiệm thời gian tìm hiểu và giảm thiểu việc phải truy cập vào nhiều ứng dụng, trang thông tin, mạng xã hội khác nhau.
Sự vào cuộc với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, nắm chắc tình hình thực tế, kịp thời, hiệu quả; chỉ đạo điều hành đồng bộ, linh hoạt, tổ chức triển khai quyết liệt, xác định rõ ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm, rõ người rõ việc và có thời gian cụ thể sẽ tạo sự đột phá mới trong công tác “số hóa” mọi ngành, mọi lĩnh vực, tạo động lực quan trọng để đưa Bắc Ninh phát triển lên tầng cao mới.