Từ Sơn đưa Nghị quyết vào cuộc sống
Là vùng đất của lễ hội truyền thống, Từ Sơn hiện có 81 làng, khu phố với 49 lễ hội lớn nhỏ kéo dài suốt từ tháng Giêng cho tới tháng Ba âm lịch hàng năm. Mỗi lễ hội xưa thường diễn ra trong 3 ngày với nhiều nghi thức tế, lễ cầu kỳ, trang trọng và nhiều trò chơi dân gian, ca hát thâu đêm suốt sáng… Không chỉ có vậy, các đám hiếu cũng được tổ chức rườm rà, nhiều nơi còn tục lệ cỗ bàn ăn uống linh đình trong đám tang, thực không hợp. Đám hỉ thì tổ chức phô trương, cỗ linh đình từ hôm dựng rạp đến kết thúc, nhiều gia đình dù điều kiện kinh tế khó khăn cũng phải cố mà vay mượn để lo cho xong công việc. Vì thế, đối với nhiều gia đình, công việc “trăm năm” của con chưa xong thì nỗi lo đã ập tới bởi những món nợ từ cỗ cưới linh đình….
Nghị quyết số 22/2011/NQ-HĐND tỉnh khóa 17 quy định một số điều về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, tổ chức kỷ niệm ngày truyền thống, đón nhận các danh hiệu thi đua và Nghị quyết số 20/2011/NQ-HĐND17 quy định hỗ trợ thực hiện hỏa táng, điện táng người chết có hiệu lực thi hành từ 1/8/2011. Để các nội dung của Nghị quyết nhanh chóng đi vào đời sống xã hội được nhân dân hưởng ứng, BCĐ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” thị xã đã gắn việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội với xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa từ đó tạo thành phong trào rộng khắp. Đến nay, 81/81 khu dân cư đều đưa nội dung thực hiện Nghị quyết vào hương ước, quy ước của thôn, khu phố. Các Ban vận động thôn, khu phố đã tổ chức tuyên truyền, ký cam kết thực hiện đến từng hộ gia đình. Cùng với đó, nhiều thôn, khu phố còn chủ động sửa đổi, bổ sung và triển khai thực hiện các quy ước, thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn và phát huy thuần phong mỹ tục, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo niềm tin trong cán bộ và nhân dân.
Nhờ thực hiện đồng bộ các biện pháp trên, các nội dung của Nghị quyết đã nhanh chóng được triển khai đến mọi tầng lớp nhân dân. Cũng từ đó, việc tổ chức lễ cưới lành mạnh, văn minh, tiết kiệm, phù hợp với truyền thống, thuần phong mỹ tục của địa phương được người dân tự giác thực hiện. Nhiều đám cưới đã bỏ được các thủ tục rườm rà, các đám cưới không sử dụng thuốc lá và đều tổ chức gọn trong 1-1,5 ngày phù hợp với điều kiện gia đình, không lãng phí. Đối với những đám cưới của cán bộ, đảng viên, công chức hoặc con cán bộ đều thực hiện tốt việc báo cáo với thủ trưởng cơ quan, chi bộ, địa phương nơi cư trú về thời gian, hình thức tổ chức, khách mời chủ yếu là họ hàng, hàng xóm láng giềng, bạn bè thân thích và đồng nghiệp cùng cơ quan. Việc cán bộ, công chức tổ chức và dự tiệc cưới trong giờ hành chính đã giảm hẳn. Nhưng thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, hiện nay các gia đình đã bỏ thủ tục chạm ngõ, thách cưới mà chỉ ăn hỏi gắn liền với xin cưới; việc thách cưới bằng lễ vật như gạo, thịt, tiền nhiều không còn thay vào đó là lễ cưới văn minh gọn nhẹ và tiết kiệm. Đây là một dấu hiệu tích cực, cho thấy Nghị quyết 22 đã đi vào nhân dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Ðối với việc tang, các địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân thực hiện nếp sống văn minh phù hợp với tình hình thực tế của địa phương để triển khai ra diện rộng. Hiện nay, tình trạng tổ chức tang lễ rườm rà đã cơ bản được khắc phục, các hủ tục trong tang lễ hầu như không còn. Trước đây mỗi khi gia đình có người chết thì gia đình tổ chức làm ma trong 3 ngày, tình trạng khóc mướn và phát trên loa phóng thanh diễn ra khá phổ biến. Nhưng giờ đây, những hủ tục đó không còn, việc tổ chức tang lễ được thực hiện tiết kiệm. 100% thôn, làng khu phố đều có ban tang lễ phối hợp cùng gia đình đứng ra tổ chức trang nghiêm, tiết kiệm, chu đáo từ lễ viếng, đưa tang và an táng theo qui định của địa phương. Một số địa phương không tổ chức làm cỗ mời khách trong ngày tang lễ, các hủ tục mê tín cơ bản được xóa bỏ, không để hài cốt trong nhà quá 36 giờ, trong đám tang đã dùng vòng hoa luân chuyển để phúng viếng bớt phần lãng phí. Các nghĩa trang đều được qui hoạch và xây dựng theo đúng nghị quyết; việc xây mộ sau cải táng đã được thực hiện nghiêm hơn trước, đảm bảo kích thước theo quy định (diện tích không quá 1,5m²).
Để khuyến khích các gia đình có người qua đời thực hiện điện táng, hỏa táng người chết, nhiều địa phương như Trang Hạ, Đồng Kỵ, Đình Bảng, Phù Khê, Phù Chẩn đã thực hiện hỗ trợ cho các gia đình từ 1 đến 2 triệu đồng/trường hợp. Đến nay, số lượng người chết đi hỏa táng tăng theo từng năm, tiêu biểu có phường Đông Ngàn đạt tỷ lệ cao nhất thị xã 62%, phường Trang Hạ 56%, xã Tương Giang 44%... Trong 3 năm, toàn TX có 462 đám tang thực hiện hỏa táng, trong đó có 26 đám hỏa táng không xây mộ.
Đối với các lễ hội, thị xã luôn coi trọng và làm tốt công tác quản lý, tổ chức lễ hội được tiến hành chặt chẽ, đúng quy định, phần lễ trang nghiêm, hội tưng bừng mà vẫn đảm bảo tiết kiệm và lành mạnh. Hiện các hoạt động giải trí ăn tiền, cờ bạc, TNXH đã giảm đáng kể; hoạt động văn hóa văn nghệ - TDTT dân gian truyền thống được phát huy, không còn hiện tượng mê tín dị đoan và ô nhiễm môi trường. Qua đó, vừa góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống vừa đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh và sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân.
Có thể nói, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội ở Từ Sơn trong những năm qua đã góp phần tích cực trong việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, làm “nền tảng tinh thần” và là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh trong giai đoạn mới./.
Thanh Mai, Đài Từ Sơn