Tuyên truyền kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris

07/11/2022 08:08 Số lượt xem: 344

Kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/1/1973 - 27/1/2023), Ban Tuyên giáo yêu cầu tập trung tuyên truyền theo chủ đề “Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam - Mốc son thắng lợi trên mặt trận ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh".

Ban Tuyên giáo Trung ương vừa ban hành Hướng dẫn số 74-HD/BTGTW tuyên truyền kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/01/1973 - 27/01/2023).


 

Hướng dẫn nhằm giúp cán bộ, đảng viên và Nhân dân nhận thức sâu sắc về bản lĩnh, trí tuệ, sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh trên mặt trận ngoại giao, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; phát huy cao độ những bài học kinh nghiệm từ cuộc đàm phán, ký Hiệp định Paris để xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Nhân dân, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của đất nước.

Với chủ đề tuyên truyền “Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam - Mốc son thắng lợi trên mặt trận ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh", Hướng dẫn nêu rõ 9 nội dung cần tập trung tuyên truyền gồm:

(1) Khẳng định sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trí tuệ của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam, sự chính nghĩa của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Nhân dân ta.

(2) Bối cảnh quốc tế và trong nước dẫn tới Hội nghị Paris; quá trình chuẩn bị đàm phán đi đến ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, vai trò của các bên tham gia, thành phần tham dự và diễn biến Hội nghị; khẳng định việc đàm phán, ký Hiệp định Paris là cuộc đấu trí, đấu bản lĩnh quyết liệt giữa nền ngoại giao non trẻ với nền ngoại giao lão luyện của một siêu cường hàng đầu thế giới; Hiệp định Paris là thắng lợi của cuộc đấu tranh ngoại giao dài nhất, khó khăn nhất trong lịch sử ngoại giao nước ta ở thế kỷ XX.

(3) Kết quả Hội nghị Paris, nội dung cơ bản của Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, ý nghĩa lịch sử của việc ký kết Hiệp định Paris đối với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước, giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; đối với Nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý, các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới.

(4) Những bài học kinh nghiệm và sự vận dụng sáng tạo việc đàm phán, ký Hiệp định Paris trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa nói chung và nhiệm vụ đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Nhân dân nói riêng trong tình hình mới.

(5) Những thắng lợi vĩ đại của Nhân dân ta trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, hòa bình, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả; những thành tựu của đất nước sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới. Khẳng định rõ đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

(6) Tôn vinh và tri ân công lao, đóng góp của các thành viên phái đoàn đàm phán Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ tham gia phục vụ Hội nghị, thi hành Hiệp định Paris và các tầng lớp Nhân dân đã làm nên thắng lợi vẻ vang của nền ngoại giao Việt Nam nói riêng, cách mạng Việt Nam nói chung. Khẳng định tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, qua đó khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong mỗi người Việt Nam, nhất là đối với thế hệ trẻ hiện nay.

(7) Sự ủng hộ, cổ vũ, giúp đỡ của Nhân dân, bạn bè quốc tế, trong đó có Nhân dân tiến bộ Mỹ đối với cuộc chiến đấu chính nghĩa của Nhân dân ta vì độc lập, tự do, hòa bình và công lý; đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và trong công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế hôm nay.

(8) Đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc, phủ nhận kết quả, ý nghĩa lịch sử của Hiệp định Paris, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thắng lợi của nền ngoại giao Việt Nam trong thời điểm đó và đường lối đối ngoại, hội nhập quốc tế của nước ta hiện nay; đồng thời vạch trần âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng Việt Nam, chia rẽ gây mất đoàn kết nội bộ, làm suy giảm lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.

(9) Phản ánh không khí phấn khởi và các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm về sự kiện diễn ra tại các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương trong cả nước, nhất là các hoạt động lớn, trọng tâm.

Thông qua các hoạt động tuyên truyền, kỷ niệm góp phần giáo dục truyền thống vẻ vang của Đảng; khơi dậy tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc; củng cố, bồi đắp niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng trong công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế hiện nay; khích lệ, cổ vũ các tầng lớp Nhân dân quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, thi đua học tập, lao động, góp phần xây dựng, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu công tác tuyên truyền, kỷ niệm bảo đảm đúng tầm mức; tiến hành bằng nhiều hình thức phong phú, thiết thực, hiệu quả, tránh phô trương, hình thức, lãng phí; kết hợp với tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc, sự kiện lịch sử, chính trị - xã hội quan trọng, tuyên truyền đối ngoại, ngoại giao của Việt Nam, tạo động lực thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng./.

NP