Ký ức của những người lính cựu về chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử

11/06/2019 21:24 View Count: 288
 Cứ mỗi dịp kỷ niệm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, những cựu chiến binh tham gia chiến dịch năm xưa lại bồi hồi xúc động chia sẻ kỷ niệm với những người bạn chiến đấu,tưởng nhớ về một thời oanh liệt vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

 Những ngày này chúng tôi có dịp trò chuyện với CCB Nguyễn Trọng Căn xã Đông Thọ người đã từng tham gia chiến dịch HCM lịch sử 1975.Trong câu chuyện chúng tôi được biết. Để thực hiện chiến dịch lịch sử mang tên Hồ Chí Minh, mùa xuân năm 1975, chiến thuật của quân đội ta là tập trung nhiều mũi cánh quân bao vây, áp sát vừa cắt đứt sự chi viện của địch cho Sài Gòn, vừa cô lập, chốt chặn không để quân ngụy quyền Sài Gòn tháo chạy ra biển. Cánh quân của ông Căn gồm một tiểu đoàn pháo 37 ly và đại đội pháo 105 ly có nhiệm vụ tiến đánh từ phía Tây Nam vào Sài Gòn. Ông Căn  nhớ lại: Khoảng 23 giờ đêm ngày 29/4/1975, tất cả đơn vị ém quân bên bờ sông Vàm Cỏ Tây thì gặp một tàu của địch kéo cờ trắng chạy với tốc độ cao tiến về trận địa. Chỉ huy mũi đánh phát loa thông báo yêu cầu tàu địch tắt máy và áp sát vào bờ nhưng chúng không tuân lệnh. Ngay sau đó, một đoàn tàu hơn chục chiếc bám đuôi theo sau, bất ngờ chúng nổ súng. Nhận thấy đây là kế trá hàng để tấn công, mở đường tiếp viện cho chính quyền ngụy quyền Sài Gòn, ngay lập tức, một khẩu lệnh vang lên: Tập trung pháo vào mục tiêu, bắn! Ngay loạt đạn đầu của ta đã làm cháy chiếc tàu địch đi đầu khiến nó bốc khói ngùn ngụt, loạng choạng quay ngang và làm dồn ứ cả đoàn tàu phía sau. Trước sự chống trả quyết liệt của địch, đơn vị của ông Căn dồn hỏa lực tiến công. Trong ánh chớp lửa của đạn pháo sáng rực cả khúc sông, tiếng nổ ầm ùng vang dội hất tung nước mặt sông Vàm Cỏ lên cao vài mét, nhiều chiến thuyền địch bị thương nặng. Cuộc giao tranh diễn ra quyết liệt chừng 30 phút thì chúng ngừng bắn và xin hàng. Trong trận này, ta đã bắn cháy 2 tàu địch, tịch thu 10 chiếc tàu, tiêu diệt 15 tên, bắt sống 160 tên, thu hồi nhiều vũ khí, trang bị của địch. Ngồi nghe ông Căn kể chuyện chiến đấu, CCB Nguyễn Văn Đoàn, thôn Đông Suất cũng bồi hồi nhớ lại: Từ giữa tháng 4/1975, đơn vị pháo phòng không của Lữ đoàn 208, Sư đoàn 5 xuất quân từ suối Đá Bằng, tỉnh Bình Long đi dọc biên giới Campuchia đến ngày 29/4/1975 có mặt ở Chiphu trên đất bạn và nhận được lệnh tiến về sông Vàm Cỏ chờ chiến đấu. Xe kéo pháo và đoàn quân rầm rập thần tốc xốc tới, đến bờ sông thấy xe lội nước và cầu phao đã bắc qua sông, có lệnh vượt sông, tiến qua Đức Huệ, Đức Hòa, ngã tư Bảy Hiền rồi hướng về Dinh Độc Lập vừa hành tiến vừa sẵn sàng đánh máy bay địch.  Ông Đoàn kể: Dọc đường hành quân, khí thế của bộ đội ta như chẻ tre, vừa đi vừa hát vang “Sài Gòn ơi ta đã về đây, ta đã về đây… Tiến về Sài Gòn, ta quét sạch giặc thù. Hướng về đồng bằng, ta tiến về thành đô.Với tâm thế của người lính dồn tất cả cho trận đánh lớn quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, bộ đội ta ào ào tiến lên như vũ bão: Đêm ngày 29/4/1975, quân chủ lực của ta kết hợp với biệt động Sài Gòn, Tự vệ thành đã đánh giáp lá cà với quân ngụy trên tất cả các phố. Đến khoảng 5 giờ sáng ngày 30/4/1975, khi đơn vị của ông đi qua khu nghĩa trang thành phố đã thấy súng, đạn của địch vứt ngổn ngang khi tháo chạy và thấy nhiều chiến sĩ của ta đã anh dũng hy sinh. Lúc tiến về phía Dinh Độc Lập, từ trên nóc nhà cao tầng, một số tên địch cố cùng nổ súng nhưng bị Tự vệ thành nhanh chóng tiêu diệt. Dù pháo của đơn vị đánh máy bay tầm thấp nhưng khi gặp sự chống trả của lính bộ binh ngụy, anh em cho nòng pháo chúc xuống thấp bắn quét khiến chúng hoảng loạn chạy bán sống, bán chết. Những người lính hàng năm ròng phải chiến đấu nơi núi cao, rừng sâu, cuộc sống vô cùng kham khổ, sẵn sàng đón nhận cái chết, ai cũng quyết tâm và rất lạc quan, yêu đời.  Đó là lời tâm sự của CCB Nguyễn Văn Phương , nguyên chiến sĩ Trung đoàn 230, Sư đoàn 367 pháo cao xạ chia sẻ: Khi được nghe bức điện chỉ thị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp “Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng phút, từng giờ; xốc tới mặt trận; giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng!” chúng tôi đều rất phấn chấn và có một niềm tin mãnh liệt: đây sẽ là chiến dịch cuối, kết thúc chiến tranh, giải phóng đất nước, một ước mơ cháy bỏng của những người lính bao nhiêu năm qua. Và đến trưa ngày 30/4/1975, khi lá cờ quyết chiến, quyết thắng của ta tung bay trên nóc Dinh Độc Lập và nghe tổng thống ngụy quyền Sài Gòn, Dương Văn Minh tuyên bố và kêu gọi binh sĩ buông súng đầu hàng vô điều kiện, tất cả chúng tôi đều vỡ òa trong hạnh phúc. Anh em cứ ôm lấy nhau nhảy múa, người tung mũ, người giương cao súng, nước mắt lăn dài hạnh phúc hát vang bài: Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng. Buổi trưa, đường phố Sài Gòn rợp đỏ cờ hoa, biển người hò reo mừng chiến thắng, nhiều bà con, cô bác còn mang trái cây đặc sản miền Nam ra đường mời bộ đội giải phóng ăn. Nhớ về chiến dịch lịch sử mang tên Bác, những người lính cựu năm xưa không thể nào quên hình ảnh những người lính Cụ Hồ rạo rực khí thế mừng vui, còn quân ngụy quyền Sài Gòn thì rệu rã, bạc nhược tháo chạy, ra hàng. Và trên nhiều con đường, ngõ phố, dưới cống, rãnh vẫn còn ngổn ngang súng đạn, vũ khí, mũ, áo, quần của quân địch vứt lại.

           44 năm đã đi qua kể từ chiến thắng mùa xuân năm 1975, những người lính Cụ Hồ năm xưa đã trở về với đời thường vẫn nhớ và kể cho con cháu mình nghe quá khứ hào hùng của thế hệ ông cha; chưa giây phút nào quên những đồng đội đã ngã xuống ngay trước giờ đất nước toàn thắng. Và họ luôn sống trong những ký ức đẹp một thời tuổi trẻ đánh giặc cứu nước để hôm nay tiếp tục giữ gìn phẩm chất tốt đẹp của anh Bộ đội Cụ Hồ, trọn niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, thi đua xây dựng, quê hương, đất nước ngày càng tươi đẹp, đàng hoàng hơn như Bác hằng mong ước ./.

Đình Hảo
Please enter more than 5 news to display!