Bắc Ninh tham gia tập huấn Xây dựng Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh
Chiều ngày 17/8/2023, chương trình tập huấn xây dựng “Kế hoạch hành động Tăng trưởng xanh cấp tỉnh” đã được diễn ra dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến và dự kiến sẽ kéo dài tới hết buổi sáng thứ sáu ngày 18/8/2023. Nội dung tập huấn chiều ngày 17/8/20223 sẽ tập trung vào cung cấp các kiến thức chung về Tăng trưởng xanh và Chính sách Chiến lược, Kế hoạch Tăng trưởng xanh quốc gia dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia Hàn Quốc và chuyên gia Việt Nam.
Tăng trưởng xanh có nhiều khái niệm, phổ biến nhất là khái niệm của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Ngân hàng Thế Giới (WB). Dưới tỉnh kinh tế và tính xã hội, Tăng trưởng xanh được xem là tăng trưởng kinh tế đồng thời duy trì tăng tài sản môi trường và tài sản xã hội để không chỉ dừng lại ở tăng trưởng mà còn hướng tới sự phát triển. Từ đó, Tăng trưởng xanh nên được hướng tới việc tích hợp vào định hướng chính sách và thiết lập cơ sở hạ tầng cho Tăng trưởng xanh.
Xu hướng tài chính xanh đang điều tiết sự ưu tiên của dòng chảy tài chính vào phát triển bền vững. Hiện tại có thể phân loại tài chính xanh thành các hình thức: thế chấp xanh, khoản vay xanh, tín dụng xanh, ngân hàng xanh, trái phiếu xanh. Nguồn hỗ trợ thúc đấy tài chính xanh: kiểm toán môi trường, giảm lượng khí thải các-bon, cơ sở hạ tầng chống biến đổi khí hậu, các giải pháp dựa vào thiên nhiên nhằm bảo vệ con người và tài sản, lực lượng đặc nhiệm về công bố thông tin tài chính liên quan đến khí hậu (tập trung vào cơ hội liên quan đến chuyển đổi sang nền kinh tế các-bon thấp),…
Phổ biến về Tăng trưởng xanh là lĩnh vực phụ của quan hệ công chúng nhằm thực hiện truyền thông về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp hoặc việc hành động thân thiện với môi trường. Mục tiêu là giúp gia tăng nhận thức và cải thiện danh tiếng của doanh nghiệp. Từ đó, doanh nghiệp sẽ tích hợp tính bền vững vào văn hóa doanh nghiệp mình, hỗ trợ các chương trình thân thiện với môi trường, hợp tác với các doanh nghiệp có cùng định hướng, giải thích về các sản phẩm xanh. Chiến dịch Tăng trưởng xanh cần tránh việc Green washing, tức là doanh nghiệp có ý tỏ ra có ý thức, trách nhiệm với môi trường nhưng lại không thực hiện bất kỳ nỗ lực thực tế nào.
Ông Lê Việt Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Minh Hương
Đối với Chiến lược Tăng trưởng xanh quốc gia, nền kinh tế xanh trung hòa các-bon là yếu tố luôn được nhấn mạnh trong đó kinh tế phát triển thịnh vượng nhưng vẫn tạo ra công bằng xã hội và môi trường bền vững. Mục tiêu chính là hạn chế gia tăng nhiệt độ toàn cầu bằng việc giảm phát thải khí nhà kính, xanh hóa các ngành kinh tế, xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững, xanh hóa quá trình chuyển đổi. Lộ trình này hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, cũng là mục tiêu tham vọng nhất. Để thực hiện mục tiêu này, một số nhiệm vụ, giải pháp chính cho các bộ, ngành hiện nay là xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách; truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức; phát triển nguồn nhân lực và việc làm xanh; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, v.v.
Bà Yang Seo Hyeon, Phó giám đốc Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam khẳng định sẽ cùng Việt Nam thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 - Ảnh: Minh Hương
Từ Chiến lược quốc gia, Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của các địa phương, trong đó có Bắc Ninh cũng nhấn mạnh cân bằng, hài hòa mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó là hiện thực hóa cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050 và thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam, đồng thời đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Buổi tập huấn cũng đưa ra cách tiếp cận theo chuyên ngành để tạo điều kiện cho các đại biểu và chuyên gia Hàn Quốc cùng trao đổi thông tin như Phát triển năng lượng tái tạo và Cải thiện hiệu quả năng lượng; Nông nghiệp bền vững; Cơ sở hạ tầng xanh/Công nghiệp xanh và Quản lý chất thải.
Buổi tập huấn đầu tiên đã nhận được rất nhiều sự đón nhận, tham gia của các đại biểu, đặc biệt là ở các phần thảo luận với các chuyên gia và đã ghi nhận được nhiều ý kiến đóng góp cũng như các câu hỏi quan trọng. Các chuyên gia đã tích cực giải đáp, phản hồi các thắc mắc này và đưa ra thêm lời khuyên phù hợp với từng địa phương./.