Chuyển hóa ý chí thành hành động, bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái, thúc đẩy tỉnh Bắc Ninh phát triển bền vững

30/10/2024 09:39 Số lượt xem: 47

Những năm gần đây, các cấp uỷ, chính quyền và cả hệ thống chính trị thực sự vào cuộc lãnh, chỉ đạo quyết liệt các biện pháp giải quyết ô nhiễm môi trường tại phường Phong Khê (thành phố Bắc Ninh), CCN Phú Lâm (Tiên Du), xã nghề Văn Môn (Yên Phong), có sự chuyển biến tích cực, song chưa triệt để, vẫn phát thải vượt quy chuẩn cho phép.


Các cơ sở sản xuất giấy trong khu dân cư phường Phong Khê chấp hành nghiêm việc đóng cửa sản xuất.

Đây là những khu vực bị ô nhiễm trầm trọng về nước thải, khí thải, chất thải, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của nhân dân trong khu vực và các vùng lân cận; là nguyên nhân “bức tử” sông Ngũ Huyện Khê, sông Cầu… Quan điểm chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh phải tiếp tục tăng cường xử lý, tiến tới xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm tại các cơ sở trên, bảo đảm sự phát triển hài hoà, bền vững.

Tại các văn bản chỉ đạo số 1671-CV/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ; số 3688/UBND-NN.TN của Chủ tịch UBND tỉnh về xử lý ô nhiễm môi trường phường Phong Khê, CCN Phú Lâm, xã Văn Môn nêu rõ: Giao UBND thành phố Bắc Ninh, huyện Tiên Du, Yên Phong chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch chi tiết, thực hiện có lộ trình, mốc thời gian triển khai, hoàn thành kế hoạch dừng hoạt động, di dời, chuyển đổi đối với các cơ sở sản xuất nằm trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường trước ngày 31/12/2024 và dừng hoạt động các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất giấy trong các CCN Phú Lâm, Phong Khê I, II trước 31/12/2029; đối với CCN Mẫn Xá, xã Văn Môn yêu cầu dừng hoạt động khi không bảo đảm các điều kiện về môi trường; tiến hành tổng kiểm tra, rà soát, yêu cầu dừng hoạt động ngay các cơ sở vi phạm về môi trường, đất đai, an toàn điện, phòng cháy, chữa cháy. Các địa phương phải duy trì chế độ báo cáo kết quả thực hiện với Chủ tịch UBND tỉnh vào ngày 15 hằng tháng để có sự chỉ đạo sát sao, khẩn trương, quyết liệt. Đồng thời, yêu cầu các sở, ngành tham mưu trực tiếp với UBND tỉnh về công tác quản lý nhà nước lĩnh vực môi trường; thực hiện quan trắc mẫu nước tại sông Ngũ Huyện Khê (đoạn chảy qua CCN Phú Lâm và phường Phong Khê) 1 tuần 3 lần vào các khung giờ khác nhau, từ ngày 25/10 đến hết 31/12/2024; tăng cường đảm bảo an ninh trật tự, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt hành vi chống đối lực lượng chức năng khi làm nhiệm vụ; tham mưu, trình HĐND tỉnh về cơ chế, chính sách hỗ trợ các cơ sở chuyển đổi ngành nghề, di dời sản xuất… bảo đảm sự đồng thuận cao trong nhân dân và thể hiện quyết tâm cao của tỉnh trong xử lý dứt điểm các điểm ô nhiễm môi trường trên.

Đến hết tháng 10, 194 cơ sở sản xuất giấy nằm trong khu dân cư, phường Phong Khê tự nguyện xin dừng sản xuất, di dời hoặc chuyển đổi sang lĩnh vực khác, hoàn thành mục tiêu đóng cửa các cơ sở sản xuất trong khu dân cư sớm hơn so kế hoạch đặt ra là 31-12-2024. Điều này khẳng định quyết tâm chính trị của tỉnh được các cấp, ngành, địa phương chuyển hoá thành hành động cụ thể. Ban Thường vụ Thành ủy, UBND thành phố Bắc Ninh thực sự chủ động trong chỉ đạo, điều hành trên tinh thần nêu cao ý chí của tập thể, trách nhiệm của người đứng đầu thành phố về giải quyết triệt để ô nhiễm môi trường vốn tồn tại nhiều năm tại Phong Khê. Cái được lớn nhất của thành phố chính là người dân đồng thuận và chấp hành nghiêm quy định của tỉnh, của thành phố về đóng cửa hoạt động, di dời sản xuất, một bộ phận người dân chuyển đổi sang gia công giấy. Đây chính là bài học lớn cho các địa phương giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường ở các làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng trong tỉnh.

Thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của tỉnh, UBND huyện Tiên Du cũng vào cuộc với tinh thần khẩn trương, nhanh chóng ban hành nhiều văn bản đôn đốc, yêu cầu thực hiện lộ trình dừng hoạt động, chuyển đổi ngành nghề gửi đến các chủ cơ sở, doanh nghiệp sản xuất giấy nằm trong, ngoài CCN Phú Lâm. Thành lập Đoàn kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật về đất đai, môi trường đối với tất cả các cơ sở sản xuất;  yêu cầu các cơ sở lấn chiếm đất và các cơ sở nằm ngoài CCN tự tháo dỡ xong các công trình vi phạm, dừng hoạt động trước ngày 31/12/2024. Đề nghị Điện lực Tiên Du kiểm tra toàn bộ các cơ sở đang sử dụng điện, nếu vi phạm về an toàn điện sẽ có biện pháp xử lý dứt điểm. Đồng thời yêu cầu chủ đầu tư phải đưa Nhà máy xử lý nước thải trong CCN Phú Lâm vận hành ngay trong tháng 10.

Đối với xã nghề Văn Môn, Tổ giám sát về bảo vệ môi trường của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổ giám sát môi trường của tỉnh vẫn kiểm tra định kỳ, đột xuất việc chấp hành pháp luật về môi trường đối với các cơ sở sản xuất trong khu dân cư và CCN Mẫn Xá. Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Ban Thường vụ Huyện uỷ  Yên Phong chỉ đạo ngay UBND huyện Yên Phong xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết, gắn trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ; tổng kiểm tra tất cả các cơ sở sản xuất trong làng nghề Mẫn Xá và thực hiện nghiêm việc kiểm đếm tiến độ triển khai từng tuần; kiên quyết dừng hoạt động các cơ sở, hộ gia đình tái chế nhôm trong làng nghề Mẫn Xá không có giải pháp xử lý khí đảm bảo đạt quy chuẩn và không có hợp đồng với đơn vị có năng lực về xử lý xỉ thải theo quy định của pháp luật, trước ngày 31/12/2024.

Quán triệt sự chỉ đạo gắt gao của tỉnh, các huyện, thành phố có làng nghề, CCN làng nghề bị ô nhiễm thực sự vào cuộc, khắc phục mọi khó khăn, vướng mắc, đề cao công tác tuyên truyền, vận động, quyết tâm biến ý chí thành hành động, bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái, thúc đẩy sự phát triển bền vững.

Hoài Anh
Nguồn: bacninh.gov.vn